TS Vạn Hạnh

Personal Information

Danh Tánh
TS Vạn Hạnh - Đời thứ 12 Dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi Việt Nam
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Vạn Hạnh
(? - 1025)

Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, quê ở hương Cổ Pháp (cùng quê với vua Lý Thái Tổ), thuở nhỏ thông minh khác thường, học giỏi cả Tam giáo: Nho giáo, Khổng giáo, Lão giáo, xem thường công danh phú quý, chỉ chuyên tâm ngiên cứu kinh sách.
Năm 21 tuổi, sư quy y thọ giáo với Thiền Ông Đạo giả (902 - 979) ở chùa Lục Tổ tại quê nhà. Sư chí tâm tu học, giới luật nghiêm minh.
Năm Kỷ Sửu (979), Thái Bình thứ mười, Thiền Ông Đạo giả viên tịch, Thiền sư Vạn Hạnh kế thế trụ trì chùa Lục Tổ. Sư chuyên hành trì pháp “Tổng Trì Tam Ma Địa”. Những lời Thiền sư Vạn Hạnh nói đều xảy ra đúng, nên dân chúng cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính sư.
Năm Thiên Phúc thứ nhất (980), vua Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang đánh Đại Cồ Việt, tiến quân đến đóng ở núi Cương, Giáp Lãng. Vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Vạn Hạnh đến hỏi:
- Việc thắng bại của quân ta như thế nào?.
Sư đáp:
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
Sau quả đúng như lời sư đoán. Vua muốn đi đánh Chiêm Thành, bàn bạc với triều thần nhưng chưa quyết định dứt khoát. Sư tâu với vua nên cho sớm tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp, vua đem quân đi đánh, đạt được thắng lợi.
Khi vua Lê Ngọa Triều lên ngôi, độc ác, tàn bạo, mọi người đều oán hận, Lý Công Uẩn đang giữ chức “Thân vệ”. Bấy giờ có xuất hiện nhiều điềm lạ:
- Con chó trắng ở chùa Thiên Tâm (chùa Tiêu), châu Cổ Pháp, có xoáy lông trên lưng giống chữ “Thiên tử”.
- Cây gạo ở chùa Minh Châu bị sét đánh đổ lại bài sấm.
- Tiếng ngâm thơ ở mộ của cha Lý Công Uẩn.
Thiền sư đều bàn giải phù hợp với việc nhà Tiền Lê sắp mất ngôi, nhà Lý sẽ lên thay.
Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, dời đô về Thăng Long. Vua rất tôn kính Thiền sư Vạn Hạnh, coi như là quốc sư trụ trì chùa Khai Quốc và giữ vai trò quan trọng.
Năm Thuận Thiên thứ 16, ngày rằm tháng Năm năm Ất Sửu (1025), Thiền sư Vạn Hạnh không bệnh chi, mà gọi đồ chúng đến đọc bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu toàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Học giả Ngô Tất Tố dịch:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Sư lại bảo các đệ tử:
“Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng y chỗ không trụ mà trụ”. Một lát sau, sư viên tịch.
Vua Lý Thái Tổ cùng triều thần và đồ chúng làm lể hỏa táng rồi xây tháp thờ xá lợi của sư để phụng thờ. Chùa Tiên Sơn (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), có một số tháp cổ, tương truyền rằng trong số đó có một ngôi tháp là của Thiền sư Vạn Hạnh.
Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) làm bài kệ truy tán thiền sư Vạn Hạnh:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chơn phù cổ sấm cơ,
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch:
Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Dựng gậy vững kinh vua.

---o0o---

Chùa Tiêu Sơn (Chùa Thiên Tâm)

Chùa Tiêu Sơn hay chùa Thiên Tâm ở ven chân núi Tiêu Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội gần 20km về hướng Đông bắc.
Từ Hà Nội theo đường đi Bắc Ninh (Quốc lộ 1), đi khoảng 18km, quẹo phía trái, vào núi Tiêu Sơn chạy khoảng 500m là đến chùa Tiêu Sơn.
Theo lịch sử của chùa Tiêu Sơn: Quốc sư Vạn Hạnh (?-1025) đã có thời gian hoằng hóa ở chùa Tiêu Sơn và viên tịch tại chùa này, trong 11 ngôi tháp cổ của chùa có một tháp của sư Vạn Hạnh. Trong 11 tháp cổ đó, 10 tháp đều xây theo kiểu hình vuông, một từng, chỉ có một ngôi tháp ở trước chùa được xây theo hình bát giác, gần như hình tròn, cao ba từng, dưới lớn, trên nhỏ dần, nhưng bia không còn.
Lịch sử chùa Tiêu Sơn cũng cho biết chùa Tiêu Sơn là nơi mẹ của Lý Công Uẩn sinh ra ông, nên nhà hậu Tổ của chùa có cặp câu đối:
Quốc sư giác tố lục thất niên Tây hậu vạn lai cơ.
Thánh mẫu thần nhi nhất bát hội vu tiền trung thủy sự.
Ở nhà hậu Tổ chùa có bài thơ: “Vân Tiêu hoài cảm”của thi sĩ V.T. sáng tác tháng Giêng năm Nhâm Ngo (1942) như sau:
Tiêu Sơn khí tụ tại Thiên Tâm
Thở địa danh truyền cổ dĩ kim
Bắc ỷ linh phong hình vĩnh chấn,
Nam hoàn tú thủy mạch trường thâm
Thoản vô Vạn Hạnh ý Tây tự
Hà hệ Lý Công khởi pháp lâm
Hồi đáo hữu hoài quan ký sự,
Cố bi hà quán bán trầm xâm
(Thiên Tâm tụ khí của Tiêu Phong
Chùa cổ danh vangkhắp nức lòng.
Bắc dựa non thiêng, phong cảnh đẹp
Nam trông nước biếc, lạch dòng thông
Tiêu Sơn xưa ví không thầy Vạn
Cổ Tháp kia, đâu đấy Lý Công
Vân cảnh mỗi khi xem sự tích
Bia xưa sao để nét mờ mông).

Nhờ bia ký trên tháp Tâm Hoa của Thiền sư Như Chúc ở chùa Bút Tháp, chúng ta được biết: chùa Tiêu Sơn còn là nơi trụ trì của Thiền sư Như Trí.

 

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.