TS Vân Môn Văn Yển

Personal Information

Danh Tánh
TS Vân Môn Văn Yển - Khai Tổ Tông Vân Môn
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

THIỀN SƯ VÂN MÔN VĂN YỂN THIỀU CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUYẾT PHONG NGHĨA TỒN

Thiền sư Văn Yển ở núi Vân Môn Thiều Châu (nay là Quảng Đông), là người Gia Hưng Cô Tô, họ Trương. Ban đầu, sư đến tham yết Trần Tôn Túc ở Mục Châu mà ngộ nhập Thiền môn. Sau đến tham vấn Thiền sư Tuyết Phong được truyền tâm ấn. Rồi đó, sư mai danh ẩn tích, hỗn tạp trong tăng chúng, kế làm đệ nhất tọa tại pháp tịch của Thiền sư Mẫn tại viện Linh Thọ ở Thiều Châu. Thiền sư Mẫn sắp viên tịch, viết thư cho Quảng chủ, đề nghị thỉnh Văn Yển làm trụ trì. Văn Yển tuy làm trụ trì Linh Thọ, nhưng không quên nguồn, vẫn nhận Tuyết Phong làm ân sư.

Ngày sư thượng đường. Quảng chủ đứng dưới Thiền đường, theo lễ đệ tử thỉnh giáo sư. Sư nói:

- Thiền pháp của ta cùng với điều chỉ dạy của Thánh hiền xưa không hai.

Tiếp đó, sư nói:

- Trước tiên, xin thanh minh là không phải hôm nay tại đây ta gạt mọi người, mà chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Ta cũng biết, trước mặt các vị ăn nói nhặng xị, người có con mắt sáng thấy được sẽ cho là một trò hề, nhưng giờ đây cũng không tránh né được. Xin hỏi chư vị, Tổ sư Thiền tông từ xưa tới nay có từng dạy bất cứ việc gì cũng tìm cầu bên ngoài không? Tạm có đủ tất cả, quí vị thiếu cái gì nè ? Nhưng hôm nay, ta mà nói với quí vị, chẳng có việc gì thì cũng là dối gạt đấy. Nếu tâm của quí vị là một khối tối om om, chẳng ngộ tự tâm, thì sẽ có biết bao sự tình phiền não. Nếu như căn tánh quí vị trì độn, cần phải hướng về người xưa phương tiện tiếp dẫn học nhân mà hư thiết việc tìm cầu ở ngoài sân, thì quí vị tìm được cái gì nào? Kỳ thật là quí vị chấp mê chẳng ngộ, đó là nhân vì tự mình từ trong vô lượng kiếp đã vọng tưởng sâu dầy. Quí vị một khi nghe người thuyết pháp, liền khởi tâm tìm cầu bên ngoài, hỏi Phật, hỏi Tổ, hướng thượng, hướng hạ, mưu đồ từ trong lời lẽ, câu cú, nắm được giải thoát, kết quả rời đạo Phật càng lúc càng xa. Phải biết là khởi tâm liền sai, mà không cần dùng lời lẽ. Nếu như không khởi tâm tìm cầu bên ngoài, thì còn có chuyện gì nữa đâu? Tạm biệt !

*

Sư ngày kia, lại thượng đường nói:

- Ta trong lúc chẳng đặng dừng, nói với quí vị là chẳng có chuyện gì. Thật ra bản thân câu nói đó cũng đã phản lại bản ý không thể nói năng của Thiền. Nếu như quí vị lại chấp trước vào ngôn cú của ta, mưu đồ từ lời lẽ của ta tìm được cái gì giải ngộ và chứng hội, hoặc giả đề xuất các loại, các dạng vấn nạn, yêu cầu ta giải đáp thì các điều đó chỉ là miệng lưỡi nghèo nàn, rời chỉ ý của Phật, của Đạo, càng lúc càng xa, biết đến bao giờ mới hoàn thành được? Phải biết Thiền không phải tại ngôn từ và biện thuyết, vì nếu nói Thiền là ở tại lời lẽ, thì ba thừa, mười hai phần giáo, há không lời lẽ sao, vậy mà lại còn phải nói đến truyền đặc biệt ngoài giáo điển? Nếu nói qua nghĩa lý của học vấn mà đến được Thiền ngộ, thì tại sao có lắm vị Bồ-tát chứng thập địa thuyết Pháp như mưa tuôn, vậy mà chẳng khỏi bị Phật, Tổ quở trách các ngài còn chưa kiến tánh ? Do đó mà biết rằng, nếu khởi tâm tìm cầu bên ngoài, hoặc còn có tâm vọng tưởng tại ngôn cú trong ngoài hạ thủ công phu để thành Phật, thì sẽ cách xa Phật như trời đất khác biệt và xa rời. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, bởi nếu là bậc đắc đạo, thì dù cho họ có nói muôn, nói ngàn, đều chẳng ăn thua gì, bởi lửa lời lẽ không đốt được họ, cho nên dầu suốt ngày họ mở miệng nói năng, biện luận, mà giống như chưa từng động đậy miệng lưỡi, chưa từng nói qua một tiếng. Điều này giống như cả ngày ăn cơm, mặc áo, mà hầu như chưa từng cắn một hột gạo, mặc một sợi vải. Nhưng nói cho cùng, ngay bản thân loại thuyết pháp vừa mới kể, cũng là quá dư thừa, cũng chỉ là một loại thuyết pháp phương tiện tiếp dẫn kẻ học, phải thật tại tỉnh ngộ tự tâm, thì mới kể đến ngộ Thiền chân chánh. Nếu như đợi đến ta nương theo chư vị mà nói đến không lập chữ nghĩa, không rơi vào ngôn cú, mới lo suy tìm để có điều lãnh hội, thì đã sớm rơi vào Thiền cơ thứ hai, cũng chẳng khác nào đứa ngủ gục một thứ.

*

Sư thượng đường nói:

- Chư vị huynh đệ đều là người bốn phương vân du hỏi đạo, tham tầm thiện tri thức để giải thoát sanh, chết, bịnh, khổ. Tôn túc các nơi cũng đều có lòng từ bi mở cửa phương tiện. Nếu chư vị còn có điều gì chưa tham vấn thấu triệt, thì hãy nói ra xem, lão hán đây sẽ cùng mọi người cộng đồng thương lượng !

Lúc đó, có ông tăng bước ra định nói thì sư nói:

- Đường đi đến Tây Thiên, xa xăm hơn muôn dặm.

*

Sư lại nói:

- Ta dùng lời lẽ dạy chư vị tiếp nhận ngay tức khắc, thì đã sớm quậy phẩn trên đầu quí vị. Cho dù các vị từ một lời, nửa câu mà nhìn thấu sự tồn tại của cả đại địa nhất thời hiểu rõ Phật lý, thì đó cũng là khoét thịt gây vết thương, không thể giải trừ thống khổ của căn bản sống chết. Các vị nếu không đạt được tỉnh ngộ của thực tại, thì không nên bắt lấy hư không, mà nên lui bước, tìm cầu ngay dưới chân mình, xem đạo lý gì thế ? Thực tại chẳng chút tơ hào này nọ cung ứng cho chư vị hiểu biết, hoặc gây nghi hoặc. Sự thật chỉ cần mọi người quí vị đều học Phật mà xuất thế chỉ vì một chuyện lớn là phổ độ chúng sanh. Lại cũng chẳng cần quí vị gắng sức chút nào mà cùng Tổ, Phật không khác nhau. Nhưng do tín căn của chư vị nông cạn, mỏng manh, ác nghiệp lại sâu dầy, đột nhiên lại khởi lên nhiều vọng niệm, ôm bát, vác bị, chịu khuất tất qua muôn làng, ngàn xóm. Mà chư vị thiếu kém cái gì chứ ? Kẻ đại trượng phu ai mà không có phần ? Đụng mắt là tiếp nhận được ngay, còn chưa gọi là được, nên không thể chịu người dối trá, chịu người xử trí mình. Các vị cần phải vừa mới thấy lão Hòa thượng mở miệng là tức khắc lấy đá tộng vô miệng lão ngay. Nếu giống như ruồi xanh bu trên bãi phân, tranh giành nhau ngậu xị hoặc năm ba người chụm đầu nhau thương lượng, thì điều đó khổ thay, khuất thay huynh đệ ơi ! Bậc cổ đức vì các vị chẳng đặng đừng, nên đành phải phương tiện nói một lời, nửa câu, mở cho các vị con đường ngộ nhập. Chuyện đó hãy bỏ qua một bên, chỉ cần riêng mình tu luyện, thì may ra còn có thể thành Phật. Hãy mau lên ! Hãy mau lên ! Thời gian không chờ người, vừa thở ra không bảo đảm còn có hít vô được, thế thì còn có chỗ rảnh rang nào dành cho thân tâm nữa chứ ? Vậy nên để ý, để ý ! Tạm biệt !

*

Sư nói:

- Đem tất cả trời đất đến nơi lông mi chư vị. Chư vị nghe ta nói điều gì, không dám vọng tưởng chư vị tính nóng nảy, đem lão tăng đánh một trận. Nên hòa hưỡn xem xét kỹ lưỡng rằng có rằng không ? Là đạo lý gì ? Dầu cho hướng trong đó mà rõ được, nếu gặp nạp tăng dưới cửa thì lão đây đập gãy hai chân. Nếu các vị là nhân vật, mà nghe nói chỗ nào có bậc lão túc xuất thế, liền gấp gáp chạy đến nương tựa, thì chẳng khác nào bị người phun nước miếng vào mặt. Chư vị không phải thằng Mít thằng Xoài, vừa nghe cử tiện liền nhận ngay, là rơi vào đệ nhị cơ. Chư vị hãy xem như Hòa thượng Đức Sơn Tuyên Giám, vừa thấy tăng nhân đến cửa hỏi đạo, là đã lấy gậy đánh đuổi ra. Hoặc như Hòa thượng Mục Châu, vừa thấy tăng nhân bước vào cửa là nói: ‘Công án đã hiện thành, tha ông 30 gậy’. Câu chuyện của các bậc thạc đức Thiền tông nói cho chúng ta biết rằng, nhất nhiết không làm kẻ chộp bắt hư không, ăn mũi liếm đàm người, chỉ biết được chút đỉnh chuyện xưa là đã mồm lừa, miệng ngựa, đến nơi này nơi nọ khua môi, múa mép là ta đã hiểu biết Thiền ngữ. Ngữ ấy thì dù cho có hỏi từ sáng tới tối, thảo luận không ngừng, cũng trong mộng còn không thấy được chút tơ hào khát vọng muốn hỏi. Nơi nào là chỗ các vị gắng sức? Phải hiểu rằng, ngày sau Diêm vương không chờ các vị giải thích mà xử tội ngay.

Này các huynh đệ ! cổ nhân đã nêu ra lắm dây leo chằng chịt, các vị coi chừng bị nó quấn lấy, như Hòa thượng Tuyết Phong nói: ‘Tất cả đại địa đều là ngươi’, hay như Hòa thượng Giáp Sơn nói: ‘Đầu trăm ngọn cỏ quen biết ta, chợ búa náo nhiệt, nhận biết thiên tử’. Hòa thượng Lạc Phổ nói: ‘Một hạt bụi nhỏ vừa khởi, đại địa đều thâu vô. Một sợi lông sư tử, ấy là toàn thân nó’. Chư vị hãy đem mấy câu chuyện trên mà suy xét cẩn thận, tháng rộng năm dài sẽ tự nhiên thấy được con đường ngộ nhập, vừa không phụ bình sanh, mà lại cũng không phụ cha mẹ, sư trưởng cùng các thí chủ. Tất phải nơi nơi dụng tâm, không nên vân du châu huyện một cách vô bổ như thế. Vác bình bát, mang bị hành lý, tay chống gậy, đi một ngàn dặm chết người, tại nơi này qua đông, tại nơi khác độ hạ, cho rằng sơn thủy đẹp đẽ có thể dưỡng tánh, nhiều trai cúng dễ được y bát, là chuyện chẳng ra làm sao cả. Hưởng dụng của thí chủ một hộc gạo là làm mất của họ nửa năm lương thực. Khổ thay ! Hành cước như thế thì có lợi ích gì? Một hạt gạo kia làm sao mà nuốt trôi được? Hãy xem xét kỹ lưỡng, thời gian không chờ người, chợt ngày nào đó, cái chết ập đến, mới biết là đã muộn. Đừng như con cua trong nồi nước sôi, ngoe càng quơ loạn xạ. Đừng để nhàn rỗi luống qua, thời gian dễ mất. Đời sống một khi qua mất, thân người muôn kiếp không thể khôi phục, đây không phải là việc nhỏ. Người xưa đã từng nói: ‘Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam’, huống chúng ta là sa-môn, sớm tối làm gì đâu, nên càng phải nỗ lực !

*

Sư lại nói:

- Các vị phàm thấy người nói ý thú của Phật, liền hỏi thế nào là vượt Phật, qua Tổ. Xin thử hỏi các vị thế nào là Phật thế nào là Tổ, sau đó mới được nói đạo lý vượt Phật, qua Tổ. Các vị lại hỏi ba cõi, trước hết xin đem ba cõi chỉ ra xem. Rốt cùng kiến văn, giác tri gì ngăn cách chư vị. Rốt lại có thanh sắc gì khả liễu mà liễu cái gì? Ta nói cho các vị nghe, chỉ cần có chút trây lười nơi tâm là đã mai một chân ý của Phật và Tổ. Các vị như quả thật tại không biết ra tay từ đâu, thì cứ một mình tìm hiểu, trừ việc ăn cơm, mặc áo, tiêu tiểu, còn có gì là sự việc căn bản. Khi không mà sanh khởi nhiều vọng tưởng để làm gì? Năm ba người tụ tập thương lượng ngôn ngữ chằng chịt như dây leo của người xưa, rồi cho là thật, hoặc giả ngàn làng, muôn xóm, bỏ cha mẹ anh chị đi hành cước, điều đó để mà làm gì?

*

Sư thượng đường, đại chúng tụ tập đông đảo dưới tòa. Sư cầm gậy bước tới phía trước chỉ một cái, nói:

- Càn khôn mênh mông, tất cả sự vật trên đại địa, chư Phật đều ở trong cây gậy nhỏ bé này. Ta bình thường nói với chư vị, bất cứ cõi nước nào, ba đời chư Phật, Tây Thiên hai mươi tám Tổ, Đông Độ sáu Tổ, đều ở tại đầu gậy mà thuyết pháp, biến hiện thần thông, lời vang mười phương, mặc sức tung hoành, chư vị có lãnh hội không?

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư đáp:

- Mùa xuân đến, cây cỏ tự nhiên xanh tươi.

*

Hỏi:

- Hòa thượng Ngưu Đầu Pháp Dung khi chưa gặp tứ Tổ Đạo Tín thì thế nào?

Sư đáp:

- Quán Thế Âm của mọi nhà.

Hỏi:

- Sau khi gặp thì thế nào?

Đáp:

- Trong lửa con sâu tiêu minh nuốt con cọp.

*

Hỏi:

- Thế nào là một câu Vân Môn?

Sư đáp:

- Ngày 25 tháng chạp.

Hỏi:

- Thế nào là bò bùn rống trên đỉnh tuyết?

Sư đáp:

- Trời đất tối đen.

Hỏi:

- Thế nào là ngựa gỗ Vân Môn hí?

Sư đáp:

- Núi sông đi.

*

Có ông tăng thỉnh sư đối với đề cương khế hợp của chư cổ đức Thiền tông trong quá khứ khai thị một phát, sư nói:

- Sáng nhìn Đông Nam, chiều xem Tây Bắc.

Hỏi:

- Đó là ý tứ gì?

Sư đáp:

- Trong nhà phía Đông thắp đèn sáng trưng, lại ngồi trong nhà phía Tây tối om.

Lại hỏi:

- Mười hai thời trong ngày phải tu hành thế nào mới gọi là không sống uổng một đời?

Sư hỏi vặn lại:

- Tại sao lại nêu vấn đề đó?

Ông tăng đó nói:

- Kẻ học trò này không hiểu, mong sư chỉ dạy !

Sư nói:

- Đem bút nghiên lại.

Sư ngay đó viết một bài tụng:

Nguyên văn:     

舉 不 僱

即 差 互

傲 思 量

何 刼 悟

Phiên âm:

Cử bất cố

Tức sai hỗ

Nghĩ tư lượng

Hà kiếp ngộ?

Tạm dịch:

Nếu không nhìn

Là sai hỗ

Định suy nghĩ

Kiếp nào ngộ ?

*

Hỏi:

- Thế nào là kẻ học trò?

Sư đáp:

-Trèo non, lội nước.

Hỏi:

- Thế nào là Hòa thượng?

Sư nói:

- May mà nhìn không thấy duy-na tại đây.

*

Hỏi:

- Một miệng nuốt hết thì thế nào?

Sư đáp:

- Ta ở trong bụng ông.

Hỏi:

- Hòa thượng làm sao biết là đang ở trong bụng con?

Sư nói:

- Trả lại thoại đầu cho ta !

*

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Nên đáp một chữ ‘Khứ’.

*

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư đáp:

- Trước cửa có người đọc sách.

Hỏi:

- Thế nào là ngữ cú thấu qua Pháp thân?

Sư đáp:

- Giấu thân trong Bắc đẩu.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư đáp:

- Mưa lâu không tạnh.

Lại nói:

- Hơi thơm của cháo cơm.

*

Hỏi:

- Người xưa nói ngang, nói dọc một thôi, đều không phát hiện được rốt ráo hướng thượng. Thế nào là rốt ráo hướng thượng? (Hướng thượng nhất quan liệt tử)

Sư đáp:

- Đỉnh Đông của Tây Sơn xanh dờn.

Sau khi qui tịch, thụy hiệu Đại Từ Vân Khuông Chân Hoằng Minh Thiền Sư.

Phần phụ lục:

Ban đầu, sư đến tham yết Thiền sư Mục Châu Đạo Tông (Đạo Minh). Mục Châu vừa thấy sư đến là đóng cửa lại. Sư gõ cửa Mục Châu hỏi:

- Ai đó?

Sư đáp:

- Văn Yển.

Hỏi:

- Có chuyện gì?

Sư đáp:

- Chuyện tự kỷ bổn phần chưa rành, cầu sư chỉ thị.

Mục Châu mở cửa nhìn qua sư rồi lại đóng cửa, sư gõ cửa như thế ba hôm. Đến hôm thứ ba, Mục Châu mới mở hẳn cửa. Sư bèn bước tới, Mục Châu chộp lấy sư nói:

- Nói ! Nói !

Sư còn đang suy nghĩ, Mục Châu buông sư ra nói:

- Dùi xưa đời Tần.

Sư từ đó có điều tỉnh ngộ.

(Theo Vân Môn ngữ lục quyển hạ)

*

Sư đến một trang viện dưới chân núi Tuyết Phong, thấy một ông tăng liền hỏi:

- Hôm nay thượng tọa có lên núi không?

Ông tăng đáp:

- Có lên đấy.

Sư nói:

- Nhờ thượng tọa mang một công án lên hỏi Hòa thượng trụ trì. Có điều là không nên nói đây là lời của người khác.

Ông tăng nói:

- Được thôi.

Sư nói:

- Thượng tọa lên đến núi rồi, khi thấy Hòa thượng thượng đường, đại chúng tụ tập đông đủ, liền bước ra, cung tay đứng trân nói: ‘Cái lão già này, sao còn chưa cởi chiếc cùm sắt trên cổ ra?’.

Ông tăng bèn theo y cách sư dặn mà làm. Thiền sư Tuyết Phong vừa nghe ông tăng nói như thế bèn bước xuống giường Thiền, chộp ngực ông tăng nói:

- Nói mau ! Nói mau !

Ông tăng không lời đối đáp. Sư buông ông tăng ra nói:

- Không phải lời lẽ của ông.

Tăng nói:

- Lời nói của con mà.

Sư bảo:

- Thị giả, đem dây trói và cây côn gỗ đến đây !

Chừng đó ông tăng mới nói:

- Không phải lời nói của con mà là của một thượng tọa ở Chiết Trung vừa mới đến trang viện dạy con nói thế.

Tuyết Phong nói:

- Đại chúng, hãy đến trang viện rước vị đại thiện tri thức trong tương lai cai quản năm trăm tăng đồ.

Ngày hôm sau, sư lên núi, Tuyết Phong vừa thấy đã nói :

- Vì đâu mà đạt đến trình độ như thế?

Sư cúi đầu, từ đó khế hợp Thiền chỉ.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển hạ)

*

Có người hỏi:

- Cái gì là Thiền?

Sư đáp:

- Đúng.

Lại hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư đáp:

- Được.

Có người hỏi:

- Cha mẹ không cho xuất gia thì làm cách nào để được xuất gia?

Sư đáp:

- Cạn.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Sâu.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Sư hỏi đại chúng:

- Các vị mỗi ngày hỏi tới hỏi lui không thiếu sót chuyện gì, giờ xin hỏi qua sông thì làm sao qua ?

Có ông tăng ở lâu tại đạo tràng đáp:

- Đi bộ.

Sư rất thích ông ta.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

(Sư thượng đường nói):

- Này chư vị huynh đệ ! Như quả là người đắc đạo thì y theo chúng nhân mà sống qua ngày, còn như không đắc đạo, thì muôn ngàn lần chớ có hư vọng hồ đồ mà qua ngày. Tất phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Người xưa có rất nhiều câu rườm rà khải phát tăng đồ, tỷ như Hòa thượng Tuyết Phong từng nói: ‘Cả đại địa này là ông’, Hòa thượng Giáp Sơn nói: ‘Trăm đầu cỏ biết lão tăng, trong chợ ồn ào biết thiên tử’, Hòa thượng Lạc Phổ nói: ‘Một hạt bụi nhỏ vừa khởi lên là nhiếp thu toàn bộ đại địa, một đầu mảy lông là cả thân sư tử. Các vị hãy đem những điều ấy suy nghĩ tới lui, thời gian lâu dần tự nhiên có điều tỉnh ngộ. Điều đó không ai có thể thế chư vị, đó đều là bổn phần sự của chính chư vị. Lão Hòa thượng trong đời bất quá chỉ chứng minh mà thôi. Các vị như quả có điều lãnh hột, có chút căn cơ, cũng không thể dối gạt mình. Như quả thực sự chưa lãnh hội, có kích động các vị cũng không làm.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

(Sư thượng đường nói):

- Tất phải lưu ý, đừng để uổng phí thời gian. Du lãm châu huyện, vác ngang cây gậy, đi một hai ngàn dặm. Chỗ này qua đông, nơi kia độ hạ, sơn thủy đẹp đẽ có thể tùy tâm ý, lại được hưởng thụ cúng dường cơm chay, lại dễ dàng được y phục lương thực. Khổ não dữ a ! Lắt léo dữ a ! Một đấu gạo là nửa năm lương. Hành cước kiểu đó thì có lợi ích gì? Một bẹ cải, một hạt gạo của thí chủ thành tâm, làm sao mà hưởng dụng cho đành đây? Tức là phải tự mình lưu tâm, chẳng ai thế cho mình được. Thời giờ thắm thoát chẳng đợi ai, ngày kia cái chết sộc đến, thì lấy gì đối phó với luân hồi? Đừng có giống như con cua trong nồi nước sôi, ngoe càng quơ loạn xạ, chừng đó không có chỗ để nói lớn lối được. Chẳng nên dối trá, chẳng nên hời hợt mà để thời gian luống qua. Ngày nào đó bị mất thân làm người, muôn kiếp không thể khôi phục. Không phải chuyện nhỏ, chớ có chỉ thấy điều trước mắt. Người thế tục còn nói được ‘Sớm nghe đạo, chiều chết cũng cam’ (Lời nói của Khổng Tử ở thiên Lý Nhân, sách Luận Ngữ), hà huống chúng ta là tăng nhân ! Thế thì phải làm gì, tức phải cố gắng vậy.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Hỏi:

- Xin sư chỉ cho một con đường ngộ nhập !

Sư nói:

- Ăn cơm, ăn cháo đi !

*

Tăng hỏi:

- Thí chủ thết trai, lấy gì báo đáp?

Sư đáp:

- Lượng tài bổ chức.

Tăng nói:

- Con không lãnh hội.

Sư nói:

- Không lãnh hội thì ăn cơm vậy.

(Theo Vân Môn ngữ lục quyển thượng)

*

Học nhân hỏi:

- Thế nào là mọi pháp đều là Phật pháp?

Sư nói:

- Mấy mụ nhà quê đầy đường, lãnh hội không?

Kẻ học nói:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Chẳng riêng ông không lãnh hội, mà nhiều người cũng không

lãnh hội.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Sư thượng đường hỏi:

- Này đại chúng, các ông có kim Vận Châu không? Nếu có hãy đem đến cho ta xem. Có không? Có không?

Đại chúng không lời đối đáp, sư nói:

- Nếu như không có thì phải mặc quần áo rách thôi.

Nói xong, rời khỏi Thiền tòa.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Sư thượng đường, im lặng hồi lâu nói:

- Chỉ cái đó thôi, làm phiền lụy chết người !

Nói xong, rời khỏi Thiền đường.

(Theo Vân Môn ngữ lục quyển thượng)

*

Hỏi:

- Thế nào là lời lẽ vượt Phật, qua Tổ?

Sư đáp:

- Vị thuốc Ma hoàng ở Bồ Châu, vị thuốc Phụ tử ở Ích Châu.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Hỏi:

- Hòa thượng tuổi tác bao nhiêu?

Sư nói:

- Bảy lần chín sáu mươi tám.

Hỏi:

- Vì sao bảy lần chín mà lại sáu mươi tám được?

Sư nói:

- Ta giảm giùm ông năm tuổi.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Sư thượng đường nói:

- Không nên trên tuyết mà lại thêm sương. Tạm biệt.

Nói xong, liền bước xuống tòa.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thưựng)

*

Sư thượng đường nói:

- Mấy lão nô trọc đầu ở các nơi, ngồi trên ghế xích đu, cầu danh cầu lợi, hỏi Phật đáp Phật, hỏi Tổ đáp Tổ, giống như tiêu tiểu vậy. Lại giống như mụ lão nhà quê xóm nhỏ truyền thông khẩu lệnh, chứ nào biết hay dở gì. Mà cái kiều đó thì ngay cả nước thôi cũng không được hưởng dụng !

(Theo Vân Môn quảng lục quyển thượng)

*

Sư có lúc nói:

- Nếu như nói tâm ấy là Phật, thì tạm nhận đứa ở làm ông chủ, còn nói sanh tử tức Niết-bàn là giống như chặt đầu mà cầu sống vậy. Còn nói Phật, nói Tổ, nói ý Phật, ý Tổ thì chẳng khác nào lấy hạt Bồ-đề thay cho con ngươi mắt vậy.

(Theo Vân Môn quảng lục quyển trung)

*

Sư có lúc lẫy gậy gõ vào cây lộ trụ hỏi:

- Ba thừa, mười hai phần giáo nói được không vậy?

Đoạn tự mình hồi đáp:

- Nói không được.

Lại nói:

- Con chồn rừng này !

Tăng hỏi:

- Vậy chứ ý lão sư phụ như thế nào?

Sư đáp:

- Ông Trương uống rượu, ông Lý say.

(Theo Vân Môn ngữ lục quyển trung)

Chú: Cuối truyện Văn Yển bản ‘Thiền Tông toàn thư’ quyển 2 có chép một đoạn như sau: (ngọn Đông của Tây Sơn màu xanh)...

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư đáp:

- Trong sông mất tiền, trong sông lặn mò.

Sư có lúc ngồi im lặng hồi lâu, tăng hỏi:

- Sao mà giống Đức Thích Ca lúc đương thời?

Sư nói:

- Đại chúng đứng lâu rồi, mau lạy ba lạy.

Sư từng có bài tụng rằng:

Nguyên văn:

雲 門 聳 峻 白 雲 低

水 急 遊 魚 不 敢 棲

入 户 以 知 來 見 解

何 須 再 舉 輾 中 泥

Phiên âm:

Vân Môn tủng tuấn bạch vân đê

Thủy cấp du ngư bất cảm thê (tê)

Nhập hộ dĩ tri lai kiến giải

Hà phiền tái cử lịch trung nê

Tạm dịch thoát:

Vân Môn cao vút mây thấp tè

Cá kia chẳng dám ở nước khe

Vào cửa biết ngay là kiến giải

Chẳng phiền tái cử bùn vết xe.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.