Additional Info
(永嘉玄覺, Yōka Genkaku,Yongjia Xuanjue (C), Yung-chia Hsuan-chueh (C), Yongjia Xuanjue (C), 675-713): Thiền tăng đời Đường, họ Đới, tự Đạo Minh, người xứ Vĩnh Gia (永嘉), Phủ Ôn Châu (溫州), Tỉnh Triết Giang (浙江), tự là Minh Đạo (明道), cho nên người đời cũng gọi tên ngài là Vĩnh Gia, hoặc Vĩnh Gia Huyền Giác, nối pháp Lục Tổ Huệ Năng. Sư xuất gia hồi 8 tuổi , tham cứu Tam Tạng thánh điển, đặc biệt rất tinh thông pháp môn Thiên Thai Chỉ Quán và chuyên tu về Thiền quán, nhơn xem kinh Duy Ma Cật phát minh được tâm địa. Về sau, tự cất am bên chùa Long Hưng ở Ôn Châu, ở một mình, vừa nghiên cứu kinh luận, vừa tu tập thiền quán. Chợt gặp đệ tử của Tổ là Huyền Sách thăm hỏi, cùng bàn chuyện sôi nổi mà mỗi lời nói ra đều thầm hợp với chư Tổ. Huyền Sách mới hỏi:
- Nhơn giả được pháp nơi Thầy nào?.
Huyền Giác đáp:
- Tôi nghe kinh luận Phương đẳng mỗi vị đều có thầy truyền thừa, sau nơi kinh Duy Ma Cật ngộ được Phật tâm tông mà chưa có người chứng minh.
Huyền Sách bảo:
- Từ Đức Phật Oai Âm Vương về trước tức được, từ Phật Oai Âm Vương về sau, không thầy mà tự ngộ trọn vẹn là thiên nhiên ngoại đạo.
Huyền Giác nói:
- Xin nhơn giả vì tôi chứng minh.
Huyền Sách bảo:
- Lời tôi nhẹ, ở Tào Khê có Lục Tổ Đại Sư, bốn phương nhóm họp về đều là những người thọ pháp. Nếu ông chịu đi thì cùng tôi đồng đi.
Thể theo lời khuyên của Tả Khê Huyền Lãng (左谿玄朗), sư cùng với Đông Dương Huyền Sách (東陽玄策,?-854) đến tham vấn Huệ Năng (慧能) ở Tào Khê (曹溪).
Mới tới, Sư vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng rồi đứng lại chống tích trượng.
Tổ nói:
- Phàm là sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào đến mà sanh đại ngã mạn vậy?
Sư đáp:
- Sanh tử việc lớn, vô thường mau chóng!
Tổ hỏi:
- Sao không thể hội lấy cái vô sanh, liễu ngộ cái không mau chóng ư?
Đáp:
- Thể tức vô sanh, liễu vốn chẳng mau.
Tổ nói:
- Đúng thế, đúng thế!
Lúc đó đại chúng nghe vậy đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ bái, chốc lát sau từ giã ra về. Tổ bảo:
- Sao về nhanh thế?
Sư đáp:
- Vốn tự chẳng động há có nhanh sao?
Tổ hỏi:
- Ai biết chẳng động?
Đáp:
- Nhân giả tự sanh phân biệt.
Tổ nói:
- Ông thật là đạt ý vô sanh.
Hỏi:
- Vô sanh há có ý sao?
Tổ hỏi:
- Nếu không có ý thì ai phân biệt?
Đáp:
- Phân biệt cũng chẳng phải ý.
Tổ khen:
- Lành thay, lành thay! Hãy ở lại một đêm.
Vì vậy người bấy giờ gọi Sư là Nhất Túc Giác (一宿覺, một đêm giác ngộ). Huyền Sách ở lại với Sư, sáng hôm sau cùng nhau hạ sơn, trở về lại chùa Long Hưng, Ôn Châu (溫州) và bắt đầu cử xướng Thiền phong của mình. Học đồ đến tham học với sư rất đông.
Trong cách giảng dạy Phật Pháp, Vĩnh Gia Huyền Giác kết hợp triết học phái Thiên Thai và phương pháp Thiền với cấu trúc lý thuyết mà sư bổ sung thêm bằng phép biện chứng Madhyamika (Trung Quán Tông).
Ngày mười bảy tháng mười năm thứ 2 (Năm 713) niên hiệu Tiên Thiên (先天) đời vua Huyền Tông (玄宗) nhà Đường. Sư ngồi an nhiên thị tịch trong tư thế thiền định. Thọ 49 tuổi. Sư có hiệu là Chơn Giác Đại Sư (眞覺大師), thị tịch vào năm 49 tuổi, được ban cho thụy hiệu là Vô Tướng Đại Sư (無相大師), Tháp hiệu "Tịnh Quang" được xây về mặt nam của Tây.
Nhà Bắc Tống, trong năm Thuần Hóa (990 - 994) hồng đế Thái Tông ban chiếu, lệnh bổn châu trùng tu khám, tháp Sư.
Trước tác của sư để lại có: Tập Chứng Đạo Ca (証道歌) và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ do Sư trước tác, sau này môn đồ là Ngụy Tinh làm Thích sử Khánh Châu, góp lại làm thành mười thiên gọi là Vĩnh Gia Tập (永嘉集).
---o0o---
Ôn Châu
Đường Cao Tông, niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675), tách Xử Châu ra đặt tên Ôn Châu. “Triết Giang Thông Chí” ghi: Ôn Kiệu Lĩnh, người dân thường đốt cỏ làm ruộng, tuy tiết đông rét đậm mà vẫn ấm. Ý là đất Ôn Châu từ Ôn Kiệu Lĩnh về nam, mùa đông không quá rét buốt, mùa hạ không quá nóng bức, khí hậu ôn nhuận, nên gọi là Ôn Châu.
Đường Huyền Tông niên hiệu Thiên Bảo năm đầu (742) đổi Ôn Châu làm Vĩnh Gia bộ.
Ôn Châu xưa gọi là đất Âu, cũng gọi là Đông Âu, đến đời Đường mới bắt đầu có tên Ôn Châu, nên được gọi đất Âu hay đất Ôn.
Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca
永 嘉 證 道 歌. Còn gọi: Vĩnh Gia Chân Giác Thiền Sư Chứng Đạo Ca, Chứng Đạo Ca. Thi ca, 1 quyển, do Vĩnh Gia Huyền Giác soạn vào đời Đường, được xếp vào Đại Chính Tạng tập 48, trang 395. Toàn văn gồm 247 câu, phần lớn là mỗi câu 7 chữ, tổng cộng là 1814 chữ, hình thức thơ cổ thể. Một đoạn gồm 4 câu hoặc 6 câu, tất cả gồm 51 đoạn (khổ). Sách này được viết vào khoảng niên hiệu Thần Long thứ 1 (705). Tác giả cho rằng mỗi người đều có Phật tính Như Lai tạng, nếu như triệt ngộ thì sẽ giải thoát; ý chính của tác giả nhằm tuyên dương pháp môn đốn ngộ của Huệ Năng như:
Đốn giác liễu, Như Lai Thiền
Lục độ vạn hạnh thể trung viên
Mộng lý minh minh hữu lục thú
Giác hậu không không vô đại thiên.
Và:
Tự tòng nhận đắc Tào Khê lộ
Liễu tri sinh tử bất tương can.
Hoặc:
Liễu tức nghiệp chướng bản lai không
Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.
(Khi tỏ rõ rồi thì nghiệp chướng hóa thành không,
Chưa tỏ rõ nợ xưa đành trang trải).
Liễu tức là liễu ngộ, người liễu ngộ rồi thì thấy nghiệp chướng trong quá khứ và hiện tại là không.
Nhưng người chưa giác ngộ thì phải tái sanh để trả nợ trước.
Một thí dụ khác trong Chứng Đạo Ca:
Ma ni châu nhân bất thức
Như Lai tàng lý thân thâu đắc
Lục ban thần dụng không bất không
Nhất thỏa viên quang sắc phi sắc.
(Ngọc ma-ni, người chẳng biết
Như Lai kho ấy thâu trọn hết
Sáu ban thần dụng không chẳng không
Một điểm viên quang sắc chẳng sắc).
Chứng Đạo Ca là tác phẩm đại biểu cho văn học thiền, dùng ngôn từ tao nhã để trình bày và phân tích chân thể của Thiền Tông, không những được truyền tụng trong thiền môn mà còn được giới trí thức quan lại yêu thích. Chu Hy trực tiếp dẫn dụng ngôn ngữ thi ca của tác phẩm này để luận chứng cho quan điểm của mình. Các sách chú thích cho tác phẩm này có:
Chứng Đạo Ca Chú, 1 quyển của Ngạn Kỳ.
Chứng Đạo Ca Chú, 1 quyển của Tri Nột, 2 quyển này được viết vào đời Tống.
Chứng Đạo Ca Chú Tụng của Vĩnh Thạnh đời Nguyên.
Vĩnh Gia Thiền Tông Tập Chú
永 嘉 禪 宗 集 註. Sách, 2 quyển, do Vĩnh Gia Huyền Giác soạn vào đời Đường, Vô Tận Truyền Đăng trùng biên và chú thích vào đời Minh, được ấn hành vào niên hiệu Thiên Khải thứ 2 (1622), sau đó được xếp vào Tục Tạng Kinh tập 111, trang 399. Vào đời Đường, Thứ sử Khánh Châu là Ngụy Tĩnh từng biên “Vĩnh Gia Tập” nêu lên yếu nghĩa tu thiền và quá trình ngộ đạo của Vĩnh Gia Huyền Giác. Vô Tận Truyền Đăng cho rằng “Vĩnh Gia Tập” do Ngụy Tĩnh biên nội dung lộn xộn, có chỗ sai lầm, khác xa với bản ý của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác. Do đó ông đem thứ tự và nội dung của 10 thiên vốn có, sửa lại làm: Quy kính tam bảo, Phát hoằng thệ nguyện, Thân cận sư hữu, Y thực giới cảnh, Tịnh tu tam nghiệp, Tam thừa tiệm thứ, Sự lý bất nhị, Giản thị thiên viên, Chính tu chỉ quán, Quán tâm thập môn. Hơn nữa, ông còn chú thích tỉ mỉ và phụ lục phần chú thích “Vĩnh Gia Tập Chú” của Hành Tĩnh đời Tống để làm sáng tỏ tông chỉ Chỉ Quán quán tâm của Vĩnh Gia Huyền Giác.
Thứ nhất: Nghi thức lập chí mộ đạo.
Phàm muốn tu đạo, trước hết nên lập chí và thực tập nghi thức phụng sự thầy mới rõ ràng về phép tắc phải thuận theo. Do đó đề mục thứ nhất nói về nghi thức mộ đạo.
Thứ hai: Răn ý kiêu xa (Kiêu căng xa xỉ)
Mục thứ nhất, dù có lập chí tu đạo biết rõ phép tắc oai nghi. Nếu ba nghiệp còn kiêu xa thì vọng tâm khuấy động, làm sao định được? Do đó chương mục thứ hai nói về răn ý kiêu xa.
Thứ ba: Tịnh tu ba nghiệp.
Trước đã nêu sơ lược cương yếu về việc răn cấm kiêu xa. Nay kiểm điểm kỹ lưỡng lại khiến cho lỗi chẳng sanh. Do đó chương thứ ba nói về tịnh tu ba nghiệp, răn cấm về thân khẩu ý.
Thứ tư: Bài tụng về xa-ma-tha (chỉ).
Trước đã kiểm điểm thân khẩu khiến cho lỗi thô không sanh. Kế đến phải nhập môn tu đạo, theo trình tự thì không ngồi định huệ, năm loại tâm khởi, sáu khoa liệu giản. Do đó chương thứ tư nói về bài tụng xa ma tha.
Thứ năm: Bài tụng về tỳ bà xá na (quán).
Không phải giới thì không có thiền, không phải thiền thì không có huệ. Trên đã tu định (chỉ), định lâu thì huệ sáng. Do đó chương thứ năm nói về bài tụng tỳ bà xá na.
Thứ sáu: Bài tụng về ưu tất xoa (xả)
Tu thiên về định, định lâu thì chìm; học thiên về huệ, huệ nhiều thì tâm động. Do đó chương thứ sáu nói về bài tụng ưu tất xoa, quân bình về định huệ sao cho không chìm không động, khiến cho định huệ quân bình rời khỏi nhị biên.
Thứ bảy: Cấp bậc lần lượt của ba thừa
Định huệ quân bình được rồi thì tịch mà thường chiếu, nhất tâm tam quán thì nghi nào không hết, chiếu nào không viên mãn? Tự mình hiểu rõ ràng rồi nhưng thương người chưa ngộ, ngộ có sâu cạn.
Do đó chương thứ bảy nói về cấp bậc lần lượt của ba thừa.
Thứ tám: Sự lý không hai.
Tam thừa ngộ lý, lý thì không đâu không cùng khắp; cùng lý ở nơi sự, liễu sự tức là lý. Do đó chương thứ tám nói về lý sự không hai, ngay nơi sự mà dụng chơn thì loại trừ kiến chấp điên đảo.
Thứ chín: Thư khuyên bạn hữu.
Lý sự đã dung thông thì nội tâm tự sáng, lại thương người học đạo còn xa luống uổng tấc bóng quang âm. Do đó chương thứ chín là thư khuyên bạn hữu.
Thứ mười: Văn phát nguyện.
Khuyên bạn hữu, tuy là thương người nhưng tâm chuyên chú nơi tình cảm thì chưa cùng khắp. Do đó chương thứ mưới nói về văn phát nguyện thệ độ tất cả.
*
Thứ tự mười môn quán tâm:
Điều 1. Nói về pháp nhĩ;
Điều 2. Nêu ra cái thể hay quán;
Điều 3: Bàn về sự tương ưng;
Điều 4: Răn ngừa sự thượng mạn;
Điều 5: Răn bảo về sự biếng nhác;
Điều 6: Nêu lại cái thể hay quán;
Điều 7: Nói về sự thị phi;
Điều 8: Chọn lựa thuyên chỉ;
Điều 9: Nơi nơi đều thành pháp quán;
Điều 10: Diệu khế nguồn huyền.
1. Nói về pháp nhĩ.
Tâm tánh rỗng rang thông suốt với hai tướng động tịnh, nguồn của động tịnh thì không hai; chơn như tuyệt lự, duyên theo niệm chấp trước mà chẳng khác; hoặc kiến rong ruổi lăng xăng mà tột nguồn chỉ là nhất tịch. Nguồn linh không hình trạng, soi gương đó thì có ngàn thứ sai khác; thiên sai bất đồng nên đặt tên pháp nhãn, nhất tịch chẳng phải khác nên cái hiệu huệ nhãn mới có, cả hai lý lượng (lý sự)đều mất thì cái công năng Phật nhãn đầy đủ. Vì vậy tam đế nhất cảnh (tam đế viên dung) nên lý pháp thân hằng thanh tịnh, tam trí nhất tâmnên ánh sáng bát nhã thường chiếu, cảnh và trí thầm hợp nên tùy theo cơ duyên mà giải thốt, chẳng phải dọc chẳng phải ngang nên đạo như chữ Y (*) chơn thật hội ngộ nhau một cách mầu nhiệm . Thế nên biết
diệu tánh của tam đức hẳn là không trái nhất tâm, nhất tâm sâu rộng khó lường làm sao ra ngồi yếu đạo này mà theo lối tẽ? Do đó tức tâm là đạo, có thể nói là lần theo dòng mà được nguồn vậy.
2. Nêu ra cái thể hay quán.
Chỉ cần biết một niệm tức là không mà chẳng không (không bất không), chẳng không mà chẳng phải chẳng không (phi không phi bất không).
3. Bàn về sự tương ưng.
Tâm tương ưng với không thì việc khen chê vinh nhục đâu phải mừng đâu phải lo. Thân tương ưng với không thì dao cắt hay hương xoa có gì khổ có gì sướng. Y báo tương ưng với không thì người ta cho hay cướp đoạt cũng đâu có gì được mất.
Tâm tương ưng với không bất không thì ái kiến đều quên từ bi cứu khắp tất cả. Thân tương ưng với không bất không thì bên trong đồng với cây khô, bên ngồi hiện đủ oai nghi. Y báo tương ưng với không bất không thì vĩnh viễn không còn tham cầu mà còn đem tiền của giúp người.
Tâm tương ưng với không bất không và phi không phi bất không thì thật tướng bắt đầu sáng tỏ, khai mở tri kiến Phật. Thân tương ưng với không bất không và phi không phi bất không thì nhất trần nhập chánh thọ, chư trần khởi trong tam muội. Y báo tương ưng với không bất không và phi không phi bất không thì hóa sanh đài hương, lầu báu và cõi nước trang nghiêm.
4. Răn ngừa sự thượng mạn.
Nếu chưa được như trên thì chưa tương ưng.
5. Răn bảo về sự biếng nhác.
Nhưng qua biển cần phải lên thuyền, không nhờ thuyền thì làm sao qua được?. Tu tâm ắt phải vào pháp quán, không nhờ quán lấy gì để minh tâm. Tâm còn chưa minh thì ngày nào tương ưng?. Hãy suy xét kỹ, chớ nên ỷ mình.
6. Nêu lại cái thể hay quán.
Chỉ biết một niệm tức là không bất không và phi hữu phi vô mà chẳng biết tức niệm là không bất không và phi phi hữu phi phi vô.
7. Nói về sự thị phi.
Tâm chẳng phải có (hữu), tâm chẳng phải không (vô), tâm chẳng phải phi hữu, tâm chẳng phải phi vô. Chấp tâm là hữu là vô, là rơi vào thị; phi hữu phi vô, là rơi vào phi. Như vậy, chỉ là cái phi (chẳng phải) của thị và phi, chưa phải là cái thị (phải) của phi thị và phi phi. Nay đem hai cái phi để phá hai cái thị, cái thị đem phá phi thị đó vẫn còn là phi. Lại dùng hai cái phi để phá hai cái phi, cái phi dùng phá phi phi đó tức là thị. Như vậy, chỉ là cái thị của phi thị và phi phi, chưa phải là bất phi bất bất phi bất thị bất bất thị. Cái lầm lẫn do thị phi nó ràng rịt vi tế khó thấy, phải có tinh thần trong sáng yên tĩnh để nghiên cứu tỉ mỉ đó.
8. Chọn lựa thuyên chỉ.
Nhưng mà chí lý thì không lời, mượn văn ngôn để nói về ý chỉ của chí lý. Ý chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán mới hội được tông chỉ. Nếu ý chỉ chưa rõ ràng thì lời chưa đúng, nếu tông thú chưa
hội thì quán chưa sâu; quán sâu mới hội được tông thú, lời đúng ắt rõ được ý chỉ. Ý chỉ và tông thú đã hiểu rõ rồi thì ý chỉ và quán đâu còn tồn tại nữa.
9. Nơi nơi đều thành pháp quán.
Phàm tái diễn ngôn từ, nêu lại thể quán là muốn nói rằng tông thú và ý chỉ không khác. Lời nói và quán có đối tượng mà đổi dời. Đổi dời nhưng lời nói và lý không sai khác, không sai khác thì quán và ý chỉ chẳng khác. Ý chỉ chẳng khác tức là lý, lý không khác tức là tông. Tông thú và ý chỉ tuy hai tên mà là một, lời nói và quán phô diễn ra e làm lờn mặt con cháu thôi.
10. Diệu khế nguồn huyền.
Phàm người ngộ tâm sao lại chấp quán mà mê ý chỉ, người đạt giáo đâu thể kẹt lời mà lầm lý. Tỏ lý thì đường ngôn ngữ dứt, còn lời nào luận bàn được; hội ý chỉ thì hết tâm hành, quán nào có thể nghĩ tới? Cái mà tâm và lời không thể nghĩ bàn, thật đáng là diệu khế hoàn trung vậy.
|