Additional Info
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Trần Tung
(1230 - 1291)
Từ xưa đến nay, hầu hết giới Thiền học Việt Nam đều biết tiếng Thượng sĩ Tuệ Trung, nhưng cho đến những ngày gần đây, nhiều người chưa biết rõ Ngài là ai? Nhiều người cho rằng Thượng sĩ là Trần Quốc Tảng, có người còn cho rằng là Trần Quốc Toản. Vì vậy, trước khi tìm hiểu hành trạng của Thượng sĩ Tuệ Trung, chúng ta cần xác minh Ngài là ai?
I. Thượng Sĩ Tụê Trung là ai?
Trong sách “Tuệ Trung ngữ lục”, Tỳ kheo Huệ Nguyên viết “Lời dẫn của người san định sách”như sau:
“Cứ theo Hoàng Việt Văn tuyển” thì Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng là con lớn của Trần Hưng Đạo. Hai lần ngăn giặc, ông được cử giữ đất Hồng Lộ coi quân dân, sau khi lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) và đổi tên lại là làng Vạn Niên. Tự hiệu là Tuệ Trung Thượng sĩ, ông thường thả thuyền rong chơi sông Cửu Khúc, hay làm thơ, trong đó có bài “Phóng cuồng ca” [(1) Thượng Sĩ Ngữ Lục-Bản dịch của Trúc Thiên-Đại học Vạn Hạnh in năm 1969, trang 196
Trúc Thiên dịch sách “Tuệ Trung ngữ lục” chú thích thêm: “Sách chép tên là Tảng, không hiểu sao lại đọc là Toản. Theo sử xưa, Trần Quốc Tuấn không có người con nào là Toản cả. Ngoài cô gái ruột gả cho Trần Nhân Tông và cô con gái nuôi gả cho Phạm Ngũ Lão, có 4 trai là: Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uy, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Nghiễn.
Tuy nhiên, sử cũng chép có vị vương hầu tên là Trần Quốc Toản, tước Hoài Văn hầu (…).
Vậy Quốc Tảng và Quốc Toản, Hoài Văn hầu, Hưng Nhượng Vương và Hưng Ninh Vương là một người hay hai người? Và người nào mới thực là Tổ sư Thiền Trúc Lâm Yên Tử?”. Những nghi vấn trên, dịch giả trân trọng đặt dưới mắt các nhà sử học” .
Qua các đoạn văn trên, chúng ta thấy rằng Tỳ kheo Huệ Nguyên, Trúc Thiên (có lẽ một số học giả khác nữa) đều lúng túng, không hiểu rõ Thượng sĩ Tuệ Trung là ai trong ba nhân vật sau: Hoài Văn hầu Trần quốc Toản, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Hưng Ninh Vương?
Nghiên cứu Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược (của Lê Tắc) và một số sách khác, chúng ta biết được như sau:
- Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản (1267-1285) là con của Hoài Đức vương Bà Liệt và là cháu nội của Trần Thừa (cha của vua Trần Thái Tông).
- Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (1252-1313) là con của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
- Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung hay Trần Tung (1230-1291) là anh cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1232?-1300).
Thượng sĩ Tuệ Trung chính là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung.
Sở dĩ có lẫn lộn giữa ba vị trên vì cả ba đều thuộc hoàng tộc nhà Trần và liên hệ thân thuộc gần nhau. Qua phổ hệ nhà Trần, chúng ta thấy rõ sự liên hệ của ba nhân vật đó như sau:
1. Trần Quốc Toản (1267-1285)
Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản sinhnăm Đinh Mão (1267) là con của Hoài Đức Vương Bà Liệt.
Ngày trước, lúc Trần Thừa còn hàn vi lấy người con gái của thôn Bà Liệt thuộc huyện Tây Chân (tỉnh Hà Nam Ninh ngày nay), người đó có mang thì bị Trần Thừa ruồng bỏ. Bà này sinh ra Bà Liệt.
Sau đó, Trần Cảnh là con của Trần Thừa lên ngôi vua, tức Trần Thái Tông, Trần Thừa được tôn làm Thượng hoàng. Thượng hoàng cũng không nhìn nhận Bà Liệt là con. Bà Liệt lớn lên khôi ngô và giỏi võ nghệ nên sung vào đội đánh vật trong hoàng cung. Vào dịp Tết năm Nhâm Thìn (1232), triều đình tổ chức đấu vật. Bà Liệt bị 1 người trong đội vật ngã và bị bóp cổ đến suýt tắt thở.
Thượng hoàng thét lên: “Con ta đấy!”. Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngày hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con. Vì vậy, vua Trần Thái Tông phong cho Bà Liệt tước hiệu là Hoài Đức Vương.
Sau đó, Hoài Đức Vương Bà Liệt có con là Trần Quốc Toản, được phong làm Hoài Văn Hầu.
Mùa Thu năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Thiệu Bảo thứ tư (1282), quân Nguyên chuẩn bị xâm lăng Đại Việt. Tháng 10 năm đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mở hội ở Bình Than họp vương hầu và các quan tướng bàn kế sách chống giặc. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản còn nhỏ tuổi, không được dự. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau:
“Mùa Đông, tháng 10 (năm Nhâm Ngọ, Thiệu Bảo năm thứ tư), vua ngự ra Bình Than, đóng ở vũng Trần Xá, họp vương hầu và trăm quan bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu… Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phấn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đó (Quốc Toản) lui về huy động hơn ngàn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ “Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh không dám đối địch…”.
Tháng Chạp năm Giáp Thân (đầu năm 1285), quân Nguyên tiến đánh Đại Việt, quân Nguyên thế mạnh, đánh chiếm Vạn Kiếp, kinh đô Thăng Long, Thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông phải rút lui ra Hải Đông (vùng Hải Dương), sau phải lui vào Thanh Hóa, để bảo toàn lực lượng, kéo dài thời gian cầm cự (hoãn binh) để chờ giặc mỏi mệt, tiếp tế khó khăn và thời tiết khắc nghiệt, quân Nguyên không quen phong thổ bị bệnh, mới phản công.
Đến tháng Tư năm Ất Dậu (1285), thời cơ đến, quân Trần bắt đầu phản công.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đem quân tấn công đồn A Lỗ (gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc), tướng tiên phong của quân Nguyên là Lưu Thế Anh trấn đóng ở đây bị thua trận, rút chạy về Thăng Long.
Cùng lúc đó, quân Việt đồng tấn công các đồn trại của quân Nguyên: Chiêu Thành Vương cùng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đánh quân Nguyên ở Tây Kết. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và các tướng khác đánh tan giặc ở cửa Hàm Tử (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Tiếp theo đó, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng các tướng khác tiếp đánh Bến Chương Dương (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) và phối hợp với các cánh quân của Trung Thành Vương và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền để đánh chiếm lại kinh thành Thăng Long, cuộc tấn công hết sức ác liệt, gây thiệt hại rất nặng cho quân Nguyên. Trấn Nam Vương Thoát Hoan thua trận, phải bỏ thành Thăng Long, chạy qua phía Bắc sông Hồng (có lẽ chạy qua Gia Lâm).
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung đem hai vạn quân tiến đánh đạo quân tiên phong của Lưu Thế Anh, Thoát Hoan thua chạy đến sông Như Nguyệt (Sông Cầu), lại gặp đội quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đổ ra đánh, quân giặc bị đánh tan tác.
Khi xông trận, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản thường xông lên trước binh sĩ, vì vậy, trong chiến thắng ở bên dòng sông Như Nguyệt này, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã hy sinh. Sách sử nhà Nguyên ghi:
“Quan quân (chỉ quân Nguyên) lại đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên (Trần Thánh Tông) sai Hoài Văn hầu đến đánh, giết chết được (Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản)”. Sách sử Việt Nam không có ghi rõ việc này. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi: “Đến lúc (Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản) chết, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương”.
Như vậy, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản tử trận trong cuộc chiến đấu với quân Nguyên ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) vào tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 6 năm 1285), được vua đích thân làm văn tế và gia phong tước vương.
2. Trần Quốc Tảng (1252-1313)
Trần Quốc Tảng là con thứ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được vua phong tước Hưng Nhượng Vương, sinh năm Nhâm Tý (1252).
Tháng Chạp năm Giáp Thân (đầu năm 1285), quân Nguyên xăm lăng Đại Việt, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cùng triều thần lui về vùng Hải Đông, để bảo toàn lược lượng, dùng kế thanh dã (vườn không nhà trống) và chiến thuật du kích để cầm cự, kéo dài thời gian, chờ thời cơ phản công. Hưng Đạo đại Vương đóng quân ở Vạn Kiếp -Phả Lại.
Bốn anh em là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến, Hưng Hiếu Vương Trần Quốc Uy, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội quân với cha (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) ở Vạn Kiếp để chống quân Nguyên.
Tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên ồ ạt tấn công vào vùng Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quân Việt phải rút lui để bảo toàn lực lượng.
Mùa Hạ đến, mưa gió ngập lụt, thời tiết oi bức, lương thực thiếu thốn, phải đánh giặc xa, lâu ngày nên sức khoẻ yếu kém, ngày hay đêm gì cũng phải lo đánh giặc, binh sĩ Nguyên tinh thần suy sụp, lại bị bệnh và chết rất nhiều.
Tháng Tư năm Ất Dậu, quân Việt bắt đầu phản công. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung đem 2 vạn quân đánh quân tiên phong Lưu Thế Anh ở phòng tuyến sông Hồng, Thượng hoàng sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng Nguyễn Khoái đón đánh giặc ở Tây Kết, trong khi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng các tướng khác tấn công quân Nguyên ở Hàm Tử quan. Thượng hoàng và vua đánh bại giặc Nguyên ở phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay), trong khi Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Trần Thông… tấn công quân Nguyên để tái chiếm kinh thành Thăng Long. Quân Nguyên thua to, Trấn Nam Vương Thoát Hoan rút chạy qua sông Lô. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các con tấn công quân Nguyên ở Vạn Kiếp, giặc thua, tử trận và chết đuối rất nhiều. Quân Việt truy đuổi, Lý Hằng hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Ninh, quân Việt bắn tên độc trúng Lý Hằng, Lý Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn tàn quân còn lại, giấu Thoát Hoan trong ống đồng chạy trốn về nước. Đến Tư Ninh, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến đuổi kịp, dùng tên tẩm độc bắn chết Lý Quán. Quân Nguyên tan vỡ, Thoát Hoan cùng tàn quân chạy thoát về Trung Quốc.
Tháng Giêng năm Bính Tuất (1286), vua Trần tha bọn tù binh nhà Nguyên bị bắt trong trận chiến vừa qua về nước và cử sứ giả sang Nguyên để cầu hòa. Nhưng vua Nguyên bắt giữ sứ giả Việt và chuẩn bị tấn công Đại Việt lần thứ ba.
Tháng 6 năm đó, vua Trần Nhân Tông ra lệnh cho tất cả vương hầu, tôn thất mộ thêm binh lính, chấn chỉnh lực lượng, chế tạo và tu sửa khí giới, chiến thuyền. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được cử làm tướng tổng chỉ huy, đôn đốc việc chuẩn bị đó.
Ngày 20 tháng 11 năm Đinh Hợi (25/12/1287), Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy quân Nguyên vượt biên giới xâm lăng Đại Việt, quân Việt dùng chiến tranh du kích và kế thanh dã để kéo dài chiến trận, chờ quân địch suy yếu sẽ phản công. Quân Nguyên rút kinh nghiệm trong lần thất bại trước nên tiến quân cẩn thận hơn. Quân Nguyên biết quân chủ lực của Đại Việt do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trấn đóng ở vùng Vạn Kiếp, nên quân Nguyên tiến chiếm Vạn Kiếp. Nhưng Hưng Đạo Vương đã đổi chiến thuật, cho đại quân rút khỏi Vạn Kiếp trước để bảo toàn lực lượng, chỉ để lại Vạn Kiếp một số ít quân cầm cự rồi rút lui. Quân Nguyên chiếm được Vạn Kiếp, nhưng lực lượng quân Việt vẫn được toàn vẹn. Thoát Hoan sợ quân Việt phản công tái chiếm Vạn Kiếp, khi đại quân bận tiến chiếm kinh thành Thăng Long, nên phải dừng chân ở đây một thời gian, cử quân đánh chiếm vùng núi Phả Lại và núi Chí Linh, cho xây đồn lũy và kho chứa lương thực, chuẩn bị trấn đóng lâu dài. Sau khi xây dựng đồn lũy ở vùng Vạn Kiếp xong, Thoát Hoan đem quân tiến chiếm kinh thành Thăng Long. Quân Nguyên cũng vào kinh thành trống không vì quân dân Việt đã rút khỏi từ trước. Thoát Hoan sợ bị mắc mưu quân Việt khi vào thành không, nên rút quân qua trấn đóng ở Gia Lâm chứ không dám đóng quân trong kinh thành.
Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem quân truy đuổi theo vua Trần. Trongkhi tìm kiếm vua Trần, Ô Mã Nhi cho quân tàn sát nhân dân, cướp bóc của cải, đốt phá nhà cửa, khi tiến vào phủ Long Hưng (thuộc tỉnh Thái Bình) nơi có lăng mộ họ Trần, Ô Mã Nhi cho khai quật lăng mộ vua Trần TháiTông. Ô Mã Nhi tiến xuống phủ Thiên Trường (tỉnh Nam Định), vua Trầnđã rút ra biển Đông, quân Nguyên không tìm được.
Quân Việt đánh lẻ tẻ khắp nơi, thuyền lương Trương Văn Hổ tiếp tế cho quân Nguyên bị Thượng tướng Trần Khánh Dư chặn đánh, Trương Văn Hổ thua trận, lên thuyền nhỏ chạy về Trung Quốc, lương thực bị quân Việt tịch thu hay bị chìm xuống biển. Thoát Hoan sợ bị cô lập ở Thăng Long, nên lại phải lui quân về co cụm ở vùng Vạn Kiếp -Phả Lại - Chí Linh.
Trong lúc Thoát Hoan chưa biết đối phó ra sao: Tìm quân Trần không gặp, đóng quân thì bị tấn công vào ban đêm, hành quân thì bị đánh du kích, lực lượng hao hụt, binh sĩ chiến đấu lâu ngày suy yếu cả sức khỏe lẫn tinh thần, lại bị bệnh vì khí hậu oi bức…, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cử Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung (Thượng sĩ Tuệ Trung) làm sứ giả đến doanh trại của Thoát Hoan để điều đình, giả bộ xin cầu hòa, hứa hẹn vua Trần sẽ ra đầu hàng Thoát Hoan để kéo dài thời gian, chờ thời cơ phản công. Hưng Ninh Vương khéo thuyết phục nên Thoát Hoan và tướng soái Nguyên tin rằng vua Trần sẽ ra đầu hàng nên có ý chủ quan khinh địch, không lo truy lùng tiêu diệt đại quân nhà Trần khi khí thế quân còn mạnh.
Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung đi sứ mấy lần đều thành công, Thoát Hoan tin lời nên chờ đợi vua Trần đến đầu hàng. Trong khi đó, quân Việt đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh quân Nguyên khắp nơi để tiêu hao quân địch. Ban đêm, quân cảm tử đột kích, tấn công đồn lũy giặc, làm giặc mất tinh thần, suy hao lực lượng. Thời gian qua, thời tiết khắc nghiệt, đánh cũng không được, đóng giữ cũng không xong,các tướng lãnh Nguyên bàn với Thoát Hoan: “Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn, thuyền lương Trương Văn Hổ không đến, khí trời lại nóng nực, sợ lương hết, quân mệt, không thể trấn giữ lâu được, nên bảo toàn lực lượng rút lui về nước là hayhơn”. Thoát Hoan cũng phải chấp nhận: “Ở đây nóng nực ẩm thấp, lương hết, quân mệt mỏi” và đồng ý rút quân về nước.
Thoát Hoan chia quân rút về nước bằng đường thủy và đường bộ, ngày 27 tháng 2 năm Mậu Tý (30/3/1288), Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thủy quân về trước bằng đường thủy.
Ngày mùng 3 tháng 3 (04/4/1288), Thoát Hoan rút về bằng đường bộ. Cả hai đạo quân đều bị quân Việt chặn đánh khắp nơi.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan thủy quân nhàNguyên trên sông Bạch Đằng, quân Nguyên tử trận và chết đuối rất nhiều. Quân Việt bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp dâng lên Thượng hoàng, tịch thu 400 thuyền chiến. Trong các trậnchiến do Hưng Đạo Vương chỉ huy chắc hẳn là có sự tham dự của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Bộ binh Thoát Hoan cũng bị chặn đánh liên tục, Lưu Thế Anh chỉ huy đạo quân tiên phong phải mở đường máu, Trương Quân chỉ huy ba ngàn quân tinh nhuệ bảo vệ phía sau, chịu thiệt hại nặng nề, mới thoát chạy được về nước.
Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18/4/1288), Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về phủ Long Hưng, đem các tướng giặc bị bắt làm lễ thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng của vua Trần Thái Tông). Trước đó quân Nguyên đã khai quật Chiêu Lăng, muốn phá đi,nhưng không phạm được đến quan tài. Đến khi quân giặc thua trận, chân ngựa bằng đá ở lăng đều bị lấm bùn. Thượng hoàng cử lễ bái yết có bài thơ rằng:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng.
(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ diện kim âu)
Mười ngày sau (28/4/1288), Thượng hoàng và vua cùng triều thần về kinh đô Thăng Long.
Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), Thượng hoàng và vua định công tướng sĩ trong việc dẹp giặc Nguyên.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Đại vương, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến được làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng được cử làm Tiết độ sứ, Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn không được thăng trật vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng.
Ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông băng.
Ngày mùng Một tháng Tư năm Tân Mão (1291), Thương sĩ Tuệ Trung (Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung) viên tịch, thọ 62 tuổi.
Ngày mùng ba tháng 2 năm Nhâm Thìn (1292), vua Trần Nhân Tông lập Đông cung Thái tử Trần Thuyên làm Hoàng Thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng làm phi cho Thái tử.
Năm Quý Tỵ (1293), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng Thái tử, tức vua Trần Anh Tông, con gái Hưng Nhượng vương được phong là Hoàng hậu Thuận Thánh.
Tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường lên núi Yên Tử xuất gia, lấy hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà.
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp.
Năm Tân Sửu (1301), vua Trần Anh Tông phong cho con trưởng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là Trần Quang Triều làm Văn Huệ Vương (1286-1325). Văn Huệ Vương có hiệu là Vô Sơn Ông, một thiền gia nổi tiếng.
Tháng 3 năm này, Thượng hoàng Trần Nhân Tông vân du sang Chiêm Thành, đến tháng 11 mới trở về nước.
(Thượng hoàng Trần Nhân Tông qua Chiêm Thành làm gì ? ).
Trong 9 tháng đó, Thượng hoàng ở Chiêm Thành hay còn vào Chân Lạp? Đó là những vấn đề chúng ta cần nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ thêm Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Lịch sử Việt Nam.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, theo lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chế Mân của Chiêm Thành chết, tháng 10, vua sai Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân về nước. Đại Việt sử ký toàn thư viết:
Mùa Đông, tháng 10 năm Đinh Mùi (1307), sai Nhập nội Hành khiển Thượng thơ Tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An Phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón Công chúa Huyền Trân. Theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì Hoàng hậu phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ Công chúa bị hại, sai Khắc Chung mượn cớ là sang viếng tang và nói với (người Chiêm): “Nếu Công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn chung về rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh lâu ngày mới về đến Kinh đô (Thăng Long). Hưng Nhượng Vương (Trần Quốc Tảng) ghét lắm, mỗi khi thấy Trần Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với Nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?”. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh.
Ngày mùng 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Trúc Lâm Đại sĩ (Trần Nhân Tông) viên tịch ở Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử.
Tháng 3 năm Qúy Sửu, niên hiệu Hưng Long 21 (1313), đời vua Trần Anh Tông, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng mất.
Tháng 3 năm Giáp Dần (1314) vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Mạnh, tức vua Trần Minh Tông. Vua truy tặng cho Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng làm Thái úy.
---o0o---
Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung Chính Là Thượng Sĩ Tuệ Trung (1230-1291):
Qua hai nhân vật trên (Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng), chúng ta thấy rằng, trong các sách quốc sử Đại Việt ghi chép về tiểu sử của hai vị này đều không đề cập hành động nào có liên quan gì đến Phật giáo, vì vậy hai vị này không thể là Thượng sĩ Tuệ Trung.
Như thế, Thượng sĩ Tuệ Trung chỉ có thể là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung hay Trần Tung.
Qua hành trạng của Thượng sĩ Tuệ Trung hay Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, chúng ta thấy rằng Ngài đã có những vai trò quan trọng trong giai đoạn Lịch sử thời nhà Trần, nhất là các chiến công của Ngài trong đại thắng quân Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287), nhưng các sách quốc sử không đề cập đến.
Cũng vì các sách quốc sử không đề cập đến Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung nên rất ít người biết được tiểu sử của Ngài, trong lúc đó các sách quốc sử chỉ đề cập đến Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng nên nhiều người mới lầm tưởng Thượng sĩ Tuệ Trung là hai vị này.
Tại sao các sách quốc sử của Đại Việt thời xưa không đề cập đến các hoạt động của Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, kể cả các chiến công của Ngài trong đại thắng quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba đó?
Các sách quốc sử Đại Việt không nhắc đến Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung có phải chăng là vì muốn che giấu việc Hưng Ninh vương được cử làm sứ giả đến gặp Thế tử Thoát Hoan để thực hiện “mưu kế hoãn binh”, giả bộ xin đầu hàng cho quân Nguyên chủ quan khinh địch, giảm bớt quyết chí tiến công, kéo dài thời gian để chờ thời cơ phản công?
Chúng ta thấy rằng: Các sách quốc sử Đại Việt thỉnh thoảng không ghi chép một số hoạt động liên quan đến các “mưu kế” để thắng quân địch, ví dụ như:
- Các hoạt động của Thượng hoàng Trần Nhân Tông qua Chiêm Thành vào năm Tân Sửu (1301), để rồi sau đó gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân, đổi lấy châu Ô và châu Lý (Bình Trị Thiên ngày nay).
- Việc chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1562-1635) gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta đệ nhị vào năm 1620 để người Việt được vào khai khẩn làm ăn ở Đồng Nai - Sài Gòn của Chân Lạp và sau đó triều đình chúa Nguyễn can thiệp vào nước Chân Lạp.
- Việc chúa Sãi gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành để người Việt được vào khai khẩn làm ăn ở vùng đất Khánh Hòa của Chiêm Thành và sau đó, quân Nguyễn đánh chiếm Khánh Hòa, rồi thôn tính luôn nước Chiêm Thành.
- Các hoạt động của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời Lê-Mạc, thời Nam-Bắc triều và thời Trịnh-Nguyễn phân tranh.
Ngoài ra, các sách quốc sử Đại Việt không nhắc đến hoạt động của Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung có thể là vì không muốn nhắc đến việc Hồ Quý Ly dâng cho nhà Minh vùng đất phủ Dương Tuyền của lộ An Bang thời đó, vì vùng đất này của lộ An Bang liên hệ đến Hưng Ninh vương Trần Tung. Có phải chăng tịnh xá Phước Đường của bổn sư của Thượng sĩ Tuệ Trung và Dưỡng Chân Trang của Thượng sĩ Tuệ Trung đều nằm trong vùng đất của phủ Dương Tuyền đó mà ngày nay, chúng ta không còn có dấu vết gì cũng như không biết được gì về sinh hoạt của tịnh xá Phước Đường và Dưỡng Chân Trang? Trong lúc đó nhiều di tích về Phật giáo thời nhà Trần ở vùng Yên Tử ngày nay vẫn còn tìm được.
Chúng ta biết rằng: Lộ An Bang thời nhà Trần có hai phủ:
- Phủ Hải Đông gồm có 3 huyện và 4 châu với 101 xã:
* Huyện Hoa Phong, huyện Hưng Yên, huyện Hoành Bồ.
* Châu Văn Đồn, châu Tân An, châu Vạn Ninh, châu Vĩnh An.
- Phủ Dương Tuyền gồm có 5 huyện và 2 châu với 201 xã:
* Huyện An Phố, huyện Hoành Cừ, huyện Vân An, huyện Hoa Cù, huyện Yên Nhiên.
* Châu Như Tích, châu Thiếp Lãng.
Việc Hồ Quý Ly dâng phủ Dương Tuyền cho nhà Minh đưa đến một số hậu quả quan trọng vẫn còn ảnh hưởng đến Phật giáo thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, ảnh hưởng cả đến lịch sử nhà Tây Sơn và còn ảnh hưởng đến ngày nay mà ít ai ngờ được.
- Một số người Việt ở vùng đất Dương Tuyền đó trở thành người Trung Hoa. Trong số đó có một số Thiền sư Việt Nam, hầu hết là Thiền sư phái thiền Trúc Lâm, trở thành Thiền sư Trung Hoa. Các thiền sư này sau đó có thể sáp nhập vào phái thiền Lâm Tế của Trung Hoa. Chính những thiền sư Trung Hoa có gốc là người Việt sau này khi nhà Thanh chiếm Trung Quốc (giữa thế kỷ 17) không chịu thần phục nhà Thanh đã trở lại Đại Việt hoằng dương Phật pháp ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, góp phần quan trọng trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đại Việt thời Trịnh-Nguyễn phân tranhvà còn ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay. Trong số các thiền sư Trung Hoa qua Đàng Trong và Đàng Ngoài thời đó có cả một số thiền sư Trung Hoa gốc là người Việt.
- Cũng vì việc Hồ Quý Ly dâng phủ Dương Tuyền cho nhà Minh mà sau này, vào thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung đã định đòi nhà Thanh trả lại phần đất của tỉnh Quảng Đông.
Tại sao vua Quang Trung biết được nhà Minh lấy phủ Dương Tuyền sáp nhập vào tỉnh Quảng Đông mà đòi lại?
Vua Quang Trung biết được việc này là vì trong số người Trung Hoa theo nhà Tây Sơn có một số người có gốc tích là người Việt Nam, người quan trọng nhất là “Phùng Đạo Hạnh”.
Gia tộc họ Phùng này còn có nhiều tài liệu về người Việt Nam ở Trung Hoa (tức người Trung Hoa gốc Việt Nam) và một số Thiền sư người Hoa gốc Việt trong Phái Thiền Lâm Tế của Trung Hoa:
- Quyển sách: “Viêm Việt Cổ Sử” của Phùng Đạo Nguyên (Tể tướng).
- Quyển sách: “Nguồn gốc Phái Thiền Lâm Tế” của Thiền sư Chí Thiện, Thiền sư Chí Thiện tên tục là Phùng Đạo Đức.
- Thiền sư Phùng Đạo Ẩn tức Thiền sư Thiệt Địa-Pháp Ấn, hoằng hóa ở vùng Khánh Hòa thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn (khai sơn chùa Bảo Phong, chùa Kim Ấn, chùa Kim Sơn). Nghiên cứu về Phùng Đạo Hạnh, về Thiền sư Thiệt Địa-Pháp Ấn và các quyển sách của gia tộc “họ Phùng” này, chúng ta sẽ có thêm được nhiều tài liệu quý báu về Lịch sử thời Tây Sơn về Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và bổ túc về Lịch sử Phật giáo thời nhà Trần.
Ngoài ra, đền thờ ở cửa Ông (tỉnh Quảng Ninh) từ trước đến giờ đều cho rằng đó là đền thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, đền thờ ở cửa Ông là thờ cả hai vị:
Trước thờ Thượng sĩ Tuệ Trung, sau đó thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vì cả hai vị đều đã từng là người có công ở vùng đất đó. Một tục lệ liên hệ đến Phật giáo ở miền Bắc từ xưa cho đến ngày nay là: Trong cuộc hành hương về núi Yên Tử, các khách hành hương vềviếng đền cửa Ông trước rồi mới về viếng núi Yên Tử, thánh địa của phái thiền Trúc Lâm, sỡ dĩ có tục lệ đó là vì Thượng sĩ Tuệ Trung được coi là Tổ sư của phái thiền Trúc Lâm, chính Sơ tổ của phái thiền Trúc Lâm là Trúc Lâm Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) đã tôn Thượng sĩ Tuệ Trung là bổn sư của mình. Vì vậy, muốn tìm hiểu rõ về Thượng sĩ Tuệ Trung cần phải nghiên cứu thêm về đền thờ ở cửa Ông và ngôi chùa, cùng những di tích quanh đó.
Hành Trạng Thượng Sĩ Tuệ Trung (1230-1291)
Thượng sĩ Tuệ Trung tên là Trần Tung hay Trần Quốc Tung, được phong tước Hưng Ninh Vương, sinh năm Canh Dần (1230), con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu, là anh cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Thiên Cảm (vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của vua Trần Nhân Tông).
Lúc còn nhỏ, Tuệ Trung có bẩm chất cao sáng, tánh tình thuần hậu.
Năm Đinh Dậu (1237), Thái sư Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông lấy vợ của Phụng Càn Vương Trần Liễu là Công chúa Thuận Thiên lập làm Hoàng hậu (Thuận Thiên), giáng Hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm Công chúa. Phụng Càn Vương Trần Liễu cầm đầu một số thủy quân nổi loạn trên sông Hồng. Thái sư Trần Thủ Độ đem quân đánh dẹp.
Trong lúc đó, bị ray rứt vì bị ép buộc làm việc loạn luân đó nên nhân đêm tối, vua bỏ Kinh thành Thăng Long, trốn lên núi Yên Tử đến tham yết Quốc sư Phù Vân và xin ở đây tu hành. Quốc sư Phù Vân nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại, trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.
Ngày hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ dẫn các quan trong triều đình lên núi Yên Tử để mời vua trở về kinh đô. Vua nói: “Trẫm còn non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc”. Thái sư cố nài nỉ mấy lần nhưng vua không nghe. Thái sư ra lệnh cho triều thần: “Vua ở đâu tức là triều đình ở đó” và sai người đo đạc, sắp xếp xây dựng triều đình ngay trên núi. Quốc sư thấy thế mới tâu với vua: “Xin bệ hạ hãy gấp về kinh sư, chớ để làm hại đến núi rừng của lão tăng”. Quốc sư cầm tay vua mà khuyên: “Phàm làm đấng Quân Vương, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn rước Bệ hạ về, Bệ hạ không thể không về kinh sư. Tuy nhiên, Bệ hạ nên nhớ nghiên cứu kinh điển đừng phút nào quên”. Vua vâng lời Quốc sư và trở về kinh đô Thăng Long .
Thái sư đem quân tiếp tục đánh dẹp cuộc nổi loạn, hai tuần lễ sau, An Sinh vương Trần Liễu thấy quân yếu, thế cô, không thể chống lại quân của Thái sư nên giả dạng làm người câu cá, một mình đi thuyền độc mộc lén đến thuyền của vua mà xin hàng. Anh em nhìn nhau mà khóc.
Thái sư nghe tin, đến thuyền vua, rút gươm thét lớn: “Giết thằng giặc Liễu”. Vua giấu Trần Liễu trong thuyền và ra bảo với Thái sư: “Phụng Càn Vương (Trần Liễu) đến hàng đó”, rồi lấy thân mình che chở cho anh. Thái sư tức lắm, ném gươm xuống sông nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch như thế nào”. Vua mới giảng hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về. Vua lấy đất An Sinh, An Bang, An Hưng, An Phụng, An Dưỡng (thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng của tỉnh Quảng Ninh sau này) cấp cho Trần Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đó, Trần Liễu có tước hiệu là An Sinh vương. Binh lính theo cuộc nổi loạn đều bị giết. Năm Canh Tý (1240), Hoàng hậu Thuận Thiên sinh Thái tử Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông sau này).
Năm Mậu Thân (1248), Hoàng hậu Thuận Thiên mất.
Năm Tân Hợi (1251), An Sinh vương Trần Liễu mất, vua nhận Trần Quốc Tung làm con nuôi và phong cho tước Hưng Ninh Vương. Hưng Ninh Vương có lẽ được tiếp tục hưởng ấp thang mộc của An Sinh Vương.
Trước những cuộc biến loạn trong Hoàng tộc nhà Trần như thế, Trần Quốc Tung đã sớm thấy được cuộc sống là phiền não, là vô thường, nên sớm ham thích nghiên cứu kinh sách Phật giáo. Nay Trần Quốc Tung lại được vua Trần Thái Tông, một vị vua đã sớm ngộ lý đạo Phật, tu thiền và đạt đạo nhận làm con nuôi nên Trần Quốc Tung càng có nhiều dịp để tham học Phật pháp với vua. Ngoài ra, lúc đó, vua đã lập viện Tả Nhai để lo về Tăng đạo, vua thường cho mời các bậc cao tăng trong nước và ngoại quốc (đến Đại Việt) thuyết giảng về Phật pháp ở Viện đó như Quốc sư Phù Vân, Thiền sư Thiên Phong - Nguyên Trường (Lâm Tế Trung Hoa)… Chắc hẳn Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung cũng được tham học trong các buổi thuyết giảng đó.
Chẳng những thế, Hưng Ninh Vương còn có nhân duyên được tham học với Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường. Hiện chúng ta chưa biết về hành trạng của Thiền sư Tiêu Dao, cũng như chưa biết tịnh xá Phước Đường ở đâu? Nhưng qua những bài thơ ca tụng của Thượng sĩ Tuệ Trung, Thiền sư Tiêu Dao là một Thiền sư đã đạt đạo, như “Phật sống ở trần gian”. Tịnh xá Phước Đường có lẽ cũng nằm trong vùng đất do Hưng Ninh Vương trấn đóng.
Sau đó, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung được cử làm Tiết độ sứ, trông coi quân dân ở đất Hồng Lộ (hay Lộ Hồng). Lộ Hồng đời Trần (đời Lý gọi là trấn Hải Dương) là vùng đất rất quan trọng đối với kinh đô Thăng Long, vừa là vựa lúa, vừa là vùng đất án ngữ và bảo vệ mặt phía Đông của kinh đô, ngăn cản cuộc tấn công từ biển Đông. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Biển Đông cùng sông Lục Đầu và núi Yên Tử ở về Hải Dương. Các vua nhà Trần thường xuất gia tu hành ở đó… Ấy là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn (Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam) và là đứng đầu phên giậu phía Đông”.
Lý Tử Tấn viết lời thông luận cho sách “Dư địa chí” viết tiếp: “Đạo Hải Dương đất tốt nhưng người hung hãn. Thời thái bình thì thuận lòng, thời loạn thì cường ngạnh, từ đời Đinh, Lý đến giờ vẫn thế; chức Trấn thủ ở đạo ấy không thể không kén chọn người”.
Ngoài ra, trong sách đó còn viết: “Vùng An Bang hiểm ác, gọi là Viễn Châu (Châu ở xa), các triều trước thường đày người đến đấy”.
Qua các đoạn văn trên, chúng ta thấy: Việc Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung được cử làm Tiết độ sứ Lộ Hồng chứng tỏ Ngài là người có tài cả võ lẫn văn.
Trong thời gian trấn đóng ở đây, ngoài việc cai trị, có lẽ tất cả thời gian còn lại, Hưng Ninh Vương đều dành cho việc tu học Phật, nghiên cứu kinh điển, tham học Thiền với bổn sư là Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường, tham vấn Phật pháp và thiền học với các thiền sư ở núi Yên Tử như Quốc sư Viên Chứng, Thiền sư Đại Đăng, Thiền sư Nhất Tông…
Nhờ nhiều thiện duyên đặc biệt, tham học với nhiều thiền sư tài đức trong nước và ngoại quốc như thế, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung sớm trở thành bậc thông đạt Phật pháp thâm sâu và đạt được yếu chỉ của Thiền tông. Ngài sống hòa lẫn trong thế tục mà không bị nhiễm ô, sống tự tại vô ngại, lời giảng của Ngài là lời nói của bậc siêu phàm.
Vua Trần Thánh Tông (1240-1290) là em rể của Hưng Ninh Vương rất khâm phục tài đức và đạo hạnh cao thâm của Ngài nên hết sức tôn kính và tặng cho Ngài danh hiệu đặc biệt tôn quý trong đạo Phật là “Thượng sĩ”. Vua ký thác Thái tử Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông sau này) cho Thượng sĩ Tuệ Trung giáo huấn.
Mùa Đông năm Mậu Dần (1278), vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho vua Trần Nhân Tông, lên làm Thái Thượng hoàng.
Một hôm, Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Thượng sĩ Tuệ Trung) mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng Thái hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật, Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”. Trong bữa tiệc này có cả vua Trần Nhân Tông, vua rất thắc mắc về việc này và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Thượng sĩ Tuệ Trung, nhưng chưa tiện hỏi.
Dù là bậc hoàng tộc tôn qúi (anh rể của Thượng hoàng, cậu ruột của vua Trần Nhân Tông) và có chức tước cao sang bậc nhất trong nước, nhưng Thượng sĩ Tuệ Trung không ham thích công danh, sống thanh tịnh, an dưỡng tu hành nơi thái ấp Tịnh Bang, lập Dưỡng Chân Trang để tu thiền và hoằng dương Phật pháp. Thượng sĩ sống an nhàn tự tại, hòa lẫn trong thế tục, vui trong thiền duyệt, hết lòng dìu dắt những người muốn tu hành theo đạo Phật.
Phật tử đến tham học Phật pháp, thiền giả đến tham vấn thiền, Thượng sĩ đều hết lòng chỉ dẫn những chỗ tâm yếu, khiến họ thông hiểu được lý đạo và ham thích tu học, không có vẻ quyền qúi cao sang cách biệt với kẻ dưới, không phân biệt sang hèn, chưa hề phụ ai bao giờ.
Thượng sĩ Tuệ Trung là một cư sĩ thọ giới Bồ tát, sống chân thật và bình dị theo tinh thần của một thiền giả, nên sống rất tự tại, phóng khoáng, không câu chấp lễ nghi tiểu tiết. Những điều luận bàn huyền diệu về Phật pháp và những thiền ngữ của Ngài đều được các nhà Thiền học thời đó hết sức kính trọng và vẫn còn giá trị đến ngày nay.
Năm Nhâm Ngọ (1282), nghe tin quân Nguyên chuẩn bị đánh Đại Việt, Thượng hoàng Trần Thánh Tông mở “Hội nghị Bình Than”, họp các vương hầu và trăm quan bàn kế hoạch công thủ và chia quân trấn đóng những nơi hiểm yếu. (Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản còn nhỏ tuổi không được dự bàn bóp nát trái cam cầm trong tay…).
Đầu năm 1285, quân Nguyên xâm lăng Đại Việt dưới sự chỉ huy của Thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan. Quân Việt áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống” (kế thanh dã), quân dân rút lui để bảo toàn lực lượng, phá hủy ruộng vườn và chôn giấu của cải để quân Nguyên không thu được lương thực. Thượng hoàng và vua cùng tướng sĩ rút khỏi kinh thành Thăng Long, lui về phía biển Đông. Quân Nguyên chiếm kinh thành Thăng Long, lập đồn trại trấn đóng ở những nơi hiểm yếu đã chiếm được, đồng thời cử quân truy kích quân Việt. Quân Việt lẩn tránh trước những đạo quân Nguyên lớn mạnh, áp dụng chiến thuật du kích, đánh phá lẻ tẻ tiêu hao lực lượng địch và ban đêm tấn công đồn trại địch. Quân Nguyên thiếu lương thực, tiếp tế xa xôi và khó khăn, tướng sĩ mất sinh lực vì phải chiến đấu cả ngày lẫn đêm ở những địa thế xa lạ, thời tiết khắc nghiệt
Mùa Hè đến, khí hậu nóng nực khó chịu, cơ thể mệt mỏi vì phải hành quân lâu ngày và chiến đấu suốt ngày đêm, lương thực thiếu thốn, nhiều binh sĩ bị bệnh và chết.
Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông bàn với triều thần rằng: “Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt, trước hết phải làm cho chúng nhụt chí thì ắt là đánh bại được chúng”.
Mùa Hạ đến, quân Việt bắt đầu phản công.
Ngày 06 tháng 5 năm Ất Dậu (10/6/1285), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung đem hai vạn quân đón đánh kịch chiến với đạo quân tiên phong của giặc do Lưu Thế Anh chỉ huy, quân Nguyên thua trận phải rút lui, lại bị quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản… chặn đánh. Quân Nguyên tan vỡ, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải bỏ kinh thành Thăng Long chạy về hướng Bắc để rút lui về nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lại chặn đánh ở Vạn Kiếp, quân Nguyên bị đánh tan tác, tướng Lý Hằng chỉ huy đạo hậu quân bị thương nặng, tùy tướng Lý Quán thu nhặt năm vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào ống đồng chạy trốn về Bắc.
Ngày mùng 6 tháng 6 (09/7/1285), Thượng hoàng và vua trở về kinh đô Thăng Long, Thượng tướng Trần Quang Khải làm thơ:
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
Trần Trọng Kim dịch:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
Sau khi thua trận, vua Nguyên tiếp tục lo tổ chức cuộc xâm lăng Đại Việt mới, mượn cớ đưa Trần Ích Tắc về nước làm An Nam Quốc Vương, vua Trần Nhân Tông cũng chuẩn bị quân đội để chống giặc.
Giữa cảnh điêu tàn của đất nước sau cuộc xâm lăng tàn khốc của quân Nguyên, triều đình nhà Trần vừa phải lo tái thiết lại đất nước, vừa phải lo chuẩn bị đối phó với sự phục thù của quân Nguyên. Cuộc xâm lăng phục hận này chắc hẳn là tàn khốc hơn lần trước nhiều.
Trong khi đó, vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông trông lo việc triều chính ở kinh đô, vua Trần Nhân Tông phải cấp tốc về đất An Bang để thỉnh cậu là Thượng sĩ Tuệ Trung về lo lễ tang. Trên đường về kinh đô bằng thuyền, có thời giờ để Thượng sĩ Tuệ Trung và cháu (vua Trần Nhân Tông) đàm luận. Trong dịp này, Thượng sĩ Tuệ Trung muốn trao truyền cho cháu những yếu chỉ của Thiền học mà Thượng sĩ đã đạt được. Thượng sĩ trao cho vua Trần Nhân Tông hai quyển sách về Thiền tông rất quý báu là “Tuyết Đậu Ngữ Lục” và “Dã Hiên Ngữ Lục” để vua đem về cung điện tham học trong những lúc nhàn rỗi việc quốc sự. Vua Trần Nhân Tông còn non yếu về Phật pháp và chưa nghiên cứu nhiều về Thiền tông nên không hiểu được những yếu chỉ thâm sâu trong hai quyển sách đó, cho rằng những điều viết trong sách có vẻ phàm tục và tầm thường, không có gì đặc biệt nên càng nghi ngờ trình độ về Thiền học và tài trí của Thượng sĩ ; trong khi đó, vua vẫn còn thắc mắc về việc Thượng sĩ ăn mặn và những câu trả lời của Thượng sĩ trong bữa tiệc mà Thái hậu đãi lần trước, vì vậy, vua hỏi Thượng sĩ: “Thưa cậu, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu, làm thế nào thoát khỏi tội báo nghiệp lực?”.
Thượng sĩ đáp: “Nếu có người đứng xây lưng lại, thình lình có vua đi qua phía sau lưng, người kia không biết, vô tình ném vật gì đó trúng vào vua, thử hỏi người ấy có sợ bị tội hay không và vua có giận bắt tội hay không?. Nên biết, hai việc đó không hề dính dấp gì đến nhau cả!”. Tiếp theo đó, Thượng sĩ đọc cho vua nghe hai bài kệ trong kinh Phật:
Vô thường chư pháp hành,
Tâm nghi tội tiện sinh.
Bồn lai vô nhất vật,
Phi chúng diệt phi manh.
Nhựt nhựt đối cảnh thời,
Cảnh cảnh tòng tâm xuất,
Tâm cảnh bổn lai vô,
Xứ xứ Ba-la-mật.
Tạm dịch:
Vô thường các pháp hiện,
Tâm ngờ tội liên sinh.
Xưa nay không một vật,
Không giống cũng không mầm.
Ngày ngày khi đối cảnh,
Cảnh cảnh theo tâm xuất.
Tâm cảnh vốn là không,
Khắp nơi là “Niết bàn”.
Vua suy nghĩ giây lâu nhưng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của Thượng sĩ nên lại hỏi cậu: “Tuy là như vậy, nhưng nếu tội và phước rõ ràng thì làm thế nào?”.
Thượng sĩ biết vua chưa hiểu rõ nên đọc thêm một bài kệ để chỉ bảo thêm:
Khiết thảo dữ khiết nhục,
Chúng sinh các sở thuộc,
Xuân lai bách thảo sinh,
Hà xứ kiến tội phúc.
Trúc Thiên dịch:
Ăn chay cùng ăn thịt,
Chúng sinh tùy sở thích,
Xuân về cây cỏ tươi,
Chỗ nào thấy tội phước.
Vua lại hỏi:
“Như vậy, việc công phu giữ giới tinh nghiêm không chút lơi lỏng là để làm gì?”.
Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp câu hỏi, vua cố nài nỉ, Thượng sĩ đọc hai bài kệ ấn tâm cho vua:
Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phúc,
Dục tri vô tội phúc,
Phi trì giới nhẫn nhục.
Như nhân thượng thọ thì,
An trung tự cầu nguy,
Như nhân bất thượng thọ,
Phong nguyệt hà sở vi?
Tạm dịch:
Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc,
Muốn biết không tội phúc,
Không nhẫn nhục trì giới.
Như người đang leo cây,
Đang yên lại tìm nguy,
Như người không leo cây,
Trăng gió làm gì được?
Đoạn Thượng sĩ bí mật dặn kỹ vua: “Đừng nói với những người không hiểu biết “ (Vật thị phi nhân). Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới biết môn phong Thiền học của Thượng sĩ cao thâm siêu việt.
Một hôm khác, vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ về “yếu chỉ của Thiền tông” và muốn biết được bí quyết giác ngộ mà Thượng sĩ được Thiền sư Tiêu Dao trao truyền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp:
“ Hãy quay về tự quán xét chính bản thân của chính mình chứ không thể nhờ một người nào khác mà mình đạt được tông chỉ thiền”. (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc)
Nhờ vào lời dạy thâm sâu bí yếu này của Thượng sĩ mà vua Trần Nhân Tông ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và thấy được đường vào đạo. Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới hết lòng tôn kính Thượng sĩ và thờ Thượng sĩ làm thầy.
Trong lễ cúng chay sau khi Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng ở cung cấm, nhân lễ khai đường, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông thỉnh các vị tôn đức ở khắp nước về dự lễ, mỗi một vị làm bài kệ ngắn trình bày những kiến giải về Phật pháp của mình. Trong khi chưa có bài nào tỏ ngộ được, Thượng hoàng trao giấy bút mời Thượng sĩ, Thượng sĩ liền viết bài kệ:
Kiến giải trình kiến giải,
Tự viết mục tác quái,
Niết mục tác quái liễu,
Minh minh thường tự tại.
Tạm dịch:
Kiến giải trình kiến giải,
Tự nheo mắt làm quái,
Nheo mắt làm quái rồi,
Sáng rỡ luôn tự tại.
Thượng hoàng xem xong liền viết tiếp:
Minh minh thường tự tại,
Diệc niết mục tác quái,
Kiến quái bất kiến quái,
Kỳ quái tất tự hoại.
Tạm dịch:
Sáng rỡ luôn tự tại,
Cũng nheo mắt làm quái,
Thấy quái mà không thấy quái,
Quái ấy tất tự hoại.
Thượng sĩ phục bài thơ ấy.
Tháng 11 năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên xâm lăng Đại Việt lần thứ ba, quân Việt cũng rút lui trước để bảo toàn lực lượng và áp dụng chiến thuật “đồng không nhà trống”. Ngoài ra, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bố trí những đội quân nhỏ trấn giữ những điểm trọng yếu trên đường tiến quân của giặc để ngăn chặn bước tiến và tiêu hao sinh lực địch. Những đạo quân này lẩn tránh trước đại quân địch, sau khi địch đi qua, lại trấn giữ khu vực cũ, chuẩn bị cho phản công khi thời cơ đến.
Trấn Nam Vương Thoát Hoan chiếm đóng Vạn Kiếp, tập trung các cánh quân, bố trí phòng thủ, xây đồn trại ở quanh Vạn Kiếp và Lục Đầu, dựng đồn trại ở núi Phả Lại và núi Chí Linh để đóng quân và làm kho chứa lương thực định kế trấn đóng lâu dài. Thoát Hoan đem quân tiến chiếm Thăng Long, nhưng triều đình nhà Trần đã rút lui từ trước, quân Nguyên vào thành chỉ có nhà cửa trống không, sợ bị mắc mưu của quân Việt nên không dám trấn đóng ở trong thành mà rút quân trấn đóng ở Gia Lâm. Thoát Hoan cử tướng Ô Mã Nhi đem quân truy đuổi theo vua Trần. Tướng Ô Mã Nhi quyết chí đuổi bắt cho được vua Trần nên tuyên bố: “Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước, ta theo xuống nước”. Trên đường truy đuổi, Ô Mã Nhi đốt phá đình chùa, nhà cửa, tàn sát nhân dân, cướp bóc của cải dân Việt. Không bắt được vua Trần, Ô Mã Nhi kéo quân vào phủ Long Hưng, đào bới lăng mộ hoàng gia nhà Trần để báo thù và moi tìm của báu trong lăng mộ.
Thủy quân chở lương của Trương Văn Hổ bị Thượng tướng Trần Khánh Dư chận đánh ở Vân Đồn, lương thực bị quân Việt tịch thu hoặc phải đổ xuống biển để bỏ chạy, Trương Văn Hổ bỏ lên thuyền nhỏ chạy về nước. quân Nguyên không có lương thực tiếp tế, Thoát Hoan phải rút quân khỏi Thăng Long, lui về trấn đóng ở vùng Vạn Kiếp - Phả Lại - Chí Linh. Quân Nguyên phải tung quân cướp phá lương thực của dân Việt để nuôi quân. Những cuộc hành quân cướp phá này cũng bị chặn đánh, ngoài ra dân chúng Việt đã chôn giấu thóc gạo trốn đi.
Ngoài ra, Thượng hoàng Trần Thánh Tông còn cử Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung ( Thượng sĩ Tuệ Trung) làm sứ giả đến doanh trại của Thoát Hoan điều đình, hứa hẹn là vua Trần sẽ ra đầu hàng để quân địch khinh địch, mất cảnh giác, không đề phòng và làm giảm bớt tinh thần chiến đấu của quân giặc.
Trong lúc đó, ban đêm, những đạo quân cảm tử Việt tấn công vào hệ thống đồn lũy của giặc, làm tiêu hao sinh lực, làm địch mất ăn mất ngủ và tinh thần khủng hoảng, sợ chết, ban ngày hành quân thì bị đánh du kích.
Sách Nguyên sử, quyển 129, truyện Lai A Bát Xích viết:
“Bấy giờ, Nhật Huyên nhiều lần sai sứ hẹn hàng, ý muốn hoãn quân ta, các tướng đều tưởng là thực, sửa sang thành trì để đợi (Nhật Huyên) đến, nhưng lâu ngày quân thiếu ăn mà Nhật Huyên vẫn không hàng”.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc (quan nhà Trần theo hàng nhà Nguyên) viết: “Thế tử (Trần Thánh Tông) khiến anh họ là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung nhiều lần tới xin đầu hàng, có ý làm cho ta (quân Nguyên) mệt mỏi rồi ban đêm cho quân cảm tử quấy rối các đồn, Trấn Nam vương tức giận, sai Vạn hộ là Giải Chấn đốt thành, những người chung quanh can ngăn lại. Thần nổ Tổng quản Giả Nhược Ngụ hiến kế rằng: “Nên đem quân về, không nên ở lại giữ”. Trấn Nam vương cũng nói: “Xứ đất nóng nực, ẩm ướt, lương phạn thiếu, quân lính mệt mỏi”, bèn kéo quân về.
Thoát Hoan cho rút quân về bằng nhiều ngả, nhưng đều bị quân Việt chặn đánh liên tục khắp nơi. Thoát Hoan dẫn tàn quân chạy thoát về Trung Quốc.
Qua hai đoạn văn trên cho chúng ta biết được chiến công đặc biệt của Thượng sĩ Tuệ Trung mà các sách sử Việt Nam không hề đề cập đến. Thượng sĩ Tuệ Trung là sứ giả đến tận doanh trại của quân Nguyên để điều đình với Trấn Nam vương Thoát Hoan và tướng soái viễn chinh, trong khi hai bên đang đánh nhau rất khốc liệt là một việc hết sức nguy hiểm. Thượng sĩ phải dũng lược, phải có mưu trí, tài biện thuyết… mới hoàn thành được sứ mạng. Chẳng những thế, đến thương thuyết nhiều lần mà vẫn làm cho Thoát Hoan và tướng soái Nguyên tin theo lời hứa hẹn đầu hàng để “thực hiện kế hoãn binh” chờ thời cơ của quân Việt là điều hết sức khó khăn và hết sức nguy hiểm, vì nếu không khéo, quân Nguyên biết được cơ mưu là “đứt đầu”. Thượng sĩ khéo thuyết phục làm cho tướng lãnh Nguyên phải tin theo, án binh chờ đợi, cơ mưu quân ta đạt thành.
Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba đó, nước Việt được bình yên, Thượng sĩ Tuệ Trung được cử làm Tiết độ sứ vùng biển Thái Bình, tiếp tục cuộc sống một vị đại thần bình thường như trước, vừa trông coi việc cai trị địa phương, vừa tu hành hoằng dương Phật pháp. Nhiều thiền giả đến tham học đều được Thượng sĩ chỉ chỗ cương yếu, chưa hề phụ ai.
Năm Canh Dần (1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông bị bệnh, Thượng sĩ gởi thư thăm, Thượng hoàng viết bài kệ trả lời:
“Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
Vị tằng uyễn ngã nương sinh khóa”.
Tạm dịch:
“Hơi nóng hừng hực mồ hôi toát,
Chưa từng thấm ướt “khố mẹ sinh”.
Thượng sĩ đọc xong, than thở giây lâu vì đoán biết Thượng hoàng báo trước là Thượng hoàng sắp “trở về quê”.
Khi nghe Thượng hoàng trở bệnh nặng, Thượng sĩ chống tích trượng về kinh đô để chịu tang, và ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (3 tháng 6 năm 1290) ,Thượng hoàng băng.
Vài tháng sau đó, Thượng sĩ Tuệ Trung bị bệnh sơ sài, không nghỉ ở phòng riêng mà nằm ở Dưỡng Chân Trang. Giữa gian nhà trống, kê một giường gỗ, Thượng sĩ Tuệ Trung nằm theo pháp kiết tường, nhắm mắt an nhiên thị tịch. Thê thiếp và các người hầu khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt, ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay, súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường tình của tự nhiên, làm gì phải xót thương, quyến luyến làm rối động chơn tánh của ta”. Dứt lời, Thượng sĩ an nhiên thị tịch. Bấy giờ là ngày mùng 1 tháng 4 năm Tân Mão (1291), niên hiệu Trùng Hưng năm thứ bảy, hưởng thọ 62 tuổi.
* * *
Một hôm, có vị Tăng đến hỏi:
- Bạch Thượng Sĩ, tôi vì sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng, song chưa biết thân này từ đâu sanh ra? Chết sẽ đi về đâu?
Ngài đáp:
- Giữa trời dù có đôi vành chuyển,
Biển cả ngại gì hòn bọt sanh.
(Trường không túng sử song phi cốc,
Cự hải hà phòng nhất điểm âu.)
Lại hỏi:
- Thế nào là đạo?
Ngài đáp:
- Đạo không có trong câu hỏi
Câu hỏi không có trong đạo.
- Cổ nhân nói: “Không tâm tức là đạo.” Đúng chăng?
- Không tâm chẳng phải đạo,
Không đạo cũng không tâm.
Nếu họ nói “Không tâm là đạo” thì tất cả cây cỏ đều là đạo cả sao? Bằng ngược lại nói “Không tâm chẳng phải đạo” thì cần gì nói có không? Lắng nghe ta nói kệ đây:
Vốn không tâm không đạo,
Có đạo chẳng không tâm.
Tâm đạo vốn rỗng lặng,
Chỗ nào đâu đuổi tầm?
(Bản vô tâm vô đạo
Hữu đạo bất vô tâm
Tâm đạo nguyên hư tịch
Hà xứ cánh truy tầm?)
Vị Tăng chợt nhận ra ý chỉ, xá lạy lui ra.
* * *
Có vị Tăng hỏi:
- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài đáp:
- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ
Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng.
(Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn
Bằng dực đoàn phong lũ nghị trường.)
Lại hỏi:
- Như vậy, người học nhân đâu vào được chỗ đầu?
Ngài đáp:
- Gãi ngứa phải đâu người khác ngứa
Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn.
- Thế nào là Thanh tịnh Pháp thân?
- Ra vào trong vũng nước trâu
Nghiền ngẫm trong đống cứt ngựa.
- Thế ấy thì không thể chứng nhập?
- Không có niệm nhơ bợn tức Pháp thân thanh tịnh.
Hãy nghe ta kệ đây:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch toàn tên suông
Pháp thân chẳng ngăn ngại
Gì đục lại gì trong?
(Bản lai vô cấu tịnh
Cấu tịnh tổng hư danh
Pháp thân vô quái ngại
Hà trược phục hà thanh?)
* * *
Lại hỏi:
- Tổ Qui Sơn nói: “Trăm năm sau, Lão tăng sẽ xuống núi làm con trâu nước”, ý muốn nói gì?
- Lúa nếp đỏ kêu thừa anh võ hột
Cây ngô biếc đậu phượng hoàng cành.
(Hồng đạo vịnh tàn anh võ lạp
Bích ngô thê lão phụng hoàng chi( ).)
Xưa Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thần, tượng thần sụp xuống lạy dưới chân, việc ấy thế nào?
- Nắm xòe vẫn một bàn tay
Ấn mắt hóa ngàn sai khác.
- Ngài Nam Tuyền bán mình( ), ý ấy là sao?
- Còn lúc Ngài chưa bán mạng thì ý ấy là sao?
Vị Tăng không đáp được.
Sư hét, đuổi ra.
* * *
Một vị Tăng hỏi:
- Hòa thượng Thủy Lạo lần đầu tiên đến tham bái Mã Tổ hỏi về ý nghĩa việc Tổ sư Đạt-ma từ Ấn sang, Mã Tổ đạp cho một đạp té nhào. Thủy Lạo lồm cồm ngồi dậy, chợt tỏ ngộ ngay, vỗ tay cười hả hả. Ấy là nghĩa gì?
Ngài đáp:
- Cái đạp của rồng voi chẳng phải sức lừa chịu nổi.
Lại hỏi:
- Sau đó Thủy Lạo còn nói với học trò rằng từ lúc ăn cái đạp của Mã Tổ đến nay, ông ta cười mãi không thôi. Thế lại là nghĩa gì?
Ngài đáp:
- Thực là tiếng gầm hống của loài sư tử
Phải đâu giọng kêu the thé của chó rừng.
- Tôi không hiểu.
Ngài bèn đọc bài kệ chỉ cho:
Một đạp ngã nhào,
Ai hay tìm xét.
Đứng dậy cười to,
Lại sanh buồn thảm.
Cần hiểu Tây sang,
Ngựa tơ ăn cỏ.
(Nhất đạp đạp đáo
Thùy giải tầm thảo
Đại tiếu khởi lai
Tăng sanh áo não
Yếu thức Tây lai
Mã câu khế thảo.)
Vị Tăng xá lui ra.
* * *
Vị Tăng khác hỏi:
- Bạch Thượng Sĩ, lời xưa nói: “Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân”, có đúng chăng?
Ngài đáp:
- Sa-di ăn măng rừng bữa trước
Đâu phải như pháp thân ngươi hôm nay.
Lại hỏi:
- Còn câu nói “Rậm rậm hoa vàng đều là Bát-nhã” là ý nói gì?
- Hoa đào đâu phải cây bồ-đề
Sao lại Linh Vân nhập được đạo( ).
Lại hỏi:
- Có ba vị Tăng đi hành cước giữa đường gặp cọp, người nào cũng né qua một bên mà đi. Bấy giờ như thế nào?
Ngài đáp:
- Gió thổi ngại gì đám hoa rậm
Trăng tà đâu quản đáy khe sâu.
(Phong xuy bất ngại hoa gian mật
Nguyệt lạc vô phòng giản để thâm.)
Lại hỏi:
- Lúc ấy Qui Tông nói “Giống tợ con mèo”. Đó là ý gì?
- Miệng nói không phải tự mình gặp.
- Còn ngài Trí Kiên nói “Giống tợ con chó”. Đó là ý gì?
- Lão ấy nắm được thời cơ gom quét sạch hết, nhưng có điều đáng tiếc.
- Còn Ngài ý thế nào?
- Con chó.
- Đến Sư Nam Tuyền nói “Đó là một con cọp”. Ý chỉ thế nào?
- Gót chân chẳng chấm đất.
* * *
Tăng hỏi:
- Thế nào là Pháp thân?
Ngài đáp:
- Bên ao thấy hai cái,
Dưới trăng vui ba người.
- Pháp thân với Sắc thân giống nhau? Khác nhau?
- Gươm mang hiệu long tuyền
Ngọc xưng tên hổ phách.
* * *
Tăng hỏi:
- Phật Thế Tôn nói: “Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ.” Vậy mười hai phần giáo từ đâu mà được?
Ngài đáp:
- Hơi xông khỏi hộp mong khôi phục,
Thuốc thánh mở bình muốn bệnh tiêu.
- Thế nào là Phật của chính mình?
- Chẳng đến rượu bồ đào,
Khó gặp người đập hũ.
- Phải hiểu thế nào?
- Nhà lớn một đêm ngủ,
Sông dài chung đò qua.
- Thế nào là tâm của cổ Phật?
- Trọn nói khắp thành không quốc sắc,
Đâu hay cửa tía có thuyền quyên.
- Cổ nhân nói “Tức tâm tức Phật”, mà sao không hiện trước mắt?
- Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp,
Mổ cá cầu châu uổng công thôi.
* * *
Dám hỏi:
- Thế nào là gia phong của Thượng Sĩ?
Ngài đáp:
- Rảnh, ném trái rừng kêu vượn tiếp,
Lười, câu cá suối khiến hạc tranh.
(Nhàn phao nham quả hô viên tiếp,
Lãn điếu khê ngư dẫn hạc tranh.)
Lại hỏi:
- Tổ ý và giáo ý là đồng hay khác?
Ngài đáp:
- Sóng, nước tên tuy khác,
Búp, nở một đóa hoa.
- Bồ-đề với phiền não, khác nhau, giống nhau thế nào?
- Trong nước có vị muối,
Giữa sắc có màu keo.
- Thế nào là nghiệp sanh tử?
- Sương thu lác đác bờ lau
Trời đêm tuyết xuống nhuộm màu trăng thanh.
(Sương thu trích trích lô hoa ngạn
Dạ tuyết phân phân nguyệt sắc thiên.)
Lại hỏi:
- Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ thì làm sao thành Phật được?
Ngài đáp:
- Đào đỏ trên cây thời tiết đúng
Cúc vàng bên giậu chắc gì xuân.
(Hồng đào thọ thượng chân thời tiết
Hoàng cúc li biên bất thị xuân.)
- Khi ngồi thiền tập định thì thế nào?
- Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.
- Khi không ngồi thiền tập định thì thế nào?
- Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.
* * *
Có vị Tăng hỏi:
- Kinh nói: “Muốn đạt đến con đường vô sanh, cần biết rõ cội nguồn.” Thế nào là cội nguồn?
Ngài đáp:
- Tìm nguồn chẳng có cội,
Nắm cội cũng không nguồn.
Lại hỏi:
- Trong kinh nói: “Không tức là sắc, sắc tức là không”, ý ấy thế nào?
Ngài im lặng giây lâu, rồi hỏi lại:
- Ông hiểu chưa?
- Chưa hiểu.
- Ông có sắc thân chứ?
- Có.
- Sao nói sắc tức là không? Ông thấy “cái không” có tướng mạo gì không?
- Không.
- Sao nói không tức là sắc?
- Rốt cuộc là thế nào?
- Sắc vốn không không, không vốn không sắc.
Vị Tăng lễ tạ.
Ngài nói:
- Nghe kệ ta đây:
Sắc tức không không tức sắc,
Ba đời Như Lai phương tiện đặt.
Không vốn không sắc, sắc không không,
Thể tánh sáng ngời không được mất.
(Sắc tức thị không không thị sắc,
Tam thế Như Lai phương tiện lực.
Không bản vô sắc sắc vô không,
Thể tánh minh minh phi thất đắc.)
* * *
Thượng Sĩ với tư cách một cư sĩ thọ Bồ-tát giới, sống đúng theo tinh thần Thiền nên tâm tư rất phiêu dật phóng khoáng. Những điều luận bàn huyền diệu của Ngài, cũng như câu chuyện gió mát trăng thanh, hàng thạc đức đương thời đều kính trọng.
Sau, bệnh sơ sài, Ngài không nằm ở phòng riêng, mà nằm ở Dưỡng Chân Trang. Tại đây, giữa nhà trống, Ngài kê một giường gỗ, nằm theo phép kiết tường, mắt nhắm xuôi. Các người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên. Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng:
- Sống chết là lẽ thường, sao buồn thảm luyến tiếc chi mà làm não Chân tánh ta.
Dứt lời, Ngài êm thấm mà tịch. Bấy giờ nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ bảy (1291) đời Trần Nhân Tông, năm Tân Mão, ngày mùng một tháng tư, Ngài thọ sáu mươi hai tuổi.
Vua Nhân Tông nhớ ơn Ngài dạy dỗ, sai thợ vẽ chân dung để thờ và lấy đạo của Ngài truyền cho mà tuyên dương, lập nên phái Trúc Lâm.
* * *
Những tác phẩm của Ngài còn lưu lại khá nhiều, ở đây lược chép một ít tác phẩm quan trọng.
PHỤ BẢN TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
1. PHẬT TÂM CA
Phật! Phật! Phật! bất khả kiến!
Tâm! Tâm! Tâm! bất khả thuyết!
Nhược tâm sanh thời thị Phật sanh
Nhược Phật diệt thời thị tâm diệt.
Diệt tâm tồn Phật thị xứ vô
Diệt Phật tồn tâm hà thời yết
Dục tri Phật tâm sanh diệt tâm
Trực đãi đương lai Di-lặc quyết.
Tích vô tâm, kim vô Phật
Phàm Thánh nhân thiên như điện phất
Tâm thể vô thị diệc vô phi
Phật tánh phi hư hựu phi thực.
Hốt thời khởi, hốt thời chỉ
Vãng cổ lai kim đồ nghĩ nghị
Khởi duy mai một tổ tông thừa
Cánh khởi yêu ma tự gia túy.
Dục cầu tâm, hưu ngoại mích
Bản thể như nhiên tự không tịch
Niết-bàn sanh tử mạn la lung
Phiền não bồ-đề nhàn đối địch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm
Diệu chỉ linh minh đạt cổ câm
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu
Thu đáo vô phi thu thủy thâm.
Xả vọng tâm, thủ chân tánh
Tợ nhân tầm ảnh nhi vong kính
Khởi tri ảnh hiện kính trung lai
Bất giác vọng tùng chân lý bính
Vọng lai phi thực diệc phi hư
Kính thọ vô tà diệc vô chính.
Dã vô tội, dã vô phúc
Thác tỷ ma-ni kiêm bạch ngọc
Ngọc hữu hà hề châu hữu lỗi
Tánh để vô hồng diệc vô lục.
Diệc vô đắc, diệc vô thất
Tứ thập cửu lai thị thất thất
Lục độ vạn hạnh hải thượng ba
Tam độc cửu tình không lý nhật.
Mặc! mặc! mặc! Trầm! trầm! trầm!
Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm
Phật tâm khước dữ ngã tâm hiệp
Pháp nhĩ như nhiên cắng cổ câm.
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền
Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên
Một ý khí thời thiêm ý khí
Đắc an tiện xứ thả an tiện.
Di! di! di! Đốt! đốt! đốt!
Đại hải trung âu nhàn xuất một
Chư hạnh vô thường nhất thiết không
Hà xứ tiên sư mịch linh cốt.
Tỉnh tỉnh trước! Trước tỉnh tỉnh!
Tứ lăng đạp địa vật khi khuynh
A thùy ư thử tín đắc cập
Cao bộ Tỳ-lô đỉnh thượng hành.
Hát!
Dịch:
KHÚC CA PHẬT TÂM
Phật! Phật! Phật! không thể thấy!
Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói!
Khi tâm sanh tức là Phật sanh
Bằng Phật diệt là lúc tâm diệt.
Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu
Diệt Phật còn tâm bao giờ hết.
Muốn biết tâm Phật, tâm sanh diệt
Hãy chờ Di-lặc sau sẽ quyết.
Xưa không tâm, nay không Phật,
Phàm Thánh trời người như điện phất.
Tâm thể không thị cũng không phi,
Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thực.
Bỗng dưng khởi, bỗng dưng dừng,
Xưa nay qua lại luống lẩn quẩn.
Há chỉ chôn vùi nếp tổ tông,
Lại khiến yêu ma vào nhà lộng.
Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông,
Phiền não bồ-đề hư giả nghịch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông.
Xuân đến, tự hoa xuân mỉm miệng,
Thu về, đâu chẳng nước thu trong.
Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh,
Khác nào tìm ảnh mà quên kính.
Nào hay ảnh vốn tự gương ra,
Chẳng biết vọng do từ chân hiện.
Vọng lên chẳng thực cũng chẳng hư,
Gương nhận không tà cũng không chính.
Vẫn không tội, vẫn không phúc,
Lầm sánh ma-ni cùng bạch ngọc.
Ngọc có vết chừ châu có tỳ,
Tánh vốn không hồng cũng không lục.
Cũng không được, cũng không mất,
Bốn mươi chín ấy là thất thất.
Sáu độ muôn hạnh: biển sóng trào,
Ba độc chín tình: giữa không nhật.
Lặng! lặng! lặng! Chìm! chìm! chìm!
Tâm của muôn loài tức Phật tâm.
Phật tâm bèn với tâm ta hiệp,
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Giữa lò lửa rực một cành sen.
Ý khí mất đi thêm ý khí,
Được an tiện đấy cứ an tiện.
Chao! chao! chao! Ối! ối! ối!
Bọt trong biển cả uổng chìm nổi.
Các hạnh vô thường thảy thảy không,
Linh cốt tiên sư tầm đâu tá!
Thức thức tỉnh! Tỉnh tỉnh thức!
Giẫm đất bốn bề chớ lệch nghiêng.
Ai có như lời tin được vậy,
Đạp đảnh Tỳ-lô bước bước lên.
Hét!
---o0o---
2. PHÓNG CUỒNG NGÂM
Thiên địa thiếu vọng hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.
Cơ tắc san hề hòa la phạn
Khốn tắc miên hề hà hữu hương
Hứng thời xuy hề vô khổng địch
Tịnh xứ phần hề giải thoát hương.
Quyện tiểu khế hề hoan hỉ địa
Khát bảo xuyết hề tiêu dao thang
Qui Sơn tác lân hề mục thủy cổ
Tạ Tam đồng chu hề ca thương lang.
Phỏng Tào Khê hề ấp Lư Thị
Yết Thạch Đầu hề sài lão Bàng
Lạc ngô lạc hề Bố Đại lạc
Cuồng ngô cuồng hề Phổ Hóa cuồng.
Đốt đốt phù vân hề phú quí
Hu hu quá khích hề niên quang
Hồ vi hề quan đồ hiểm trở
Phả nại hề thế thái viêm lương.
Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết
Dụng tắc hành hề xả tắc tàng
Phóng tứ đại hề mạc bả tróc
Liễu nhất sanh hề hưu bôn mang.
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở
Sanh tử tương bức hề ư ngã hà phương.
Dịch:
KHÚC HÁT ĐIÊN QUÀNG
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy chơi rong chừ phương ngoài phương
Hoặc cao cao chừ mây đảnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
Đói thì ăn chừ cơm mười phương góp
Mệt thì ngủ chừ nơi chẳng quê hương
Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
Lặng xuống chừ đốt giải thoát hương.
Mỏi nghỉ chút chừ đất hoan hỉ
Khát uống no chừ tiêu dao thang
Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước
Tạ Tam đồng thuyền chừ thổi khúc thương lang.
Thăm Tào Khê chừ ra mắt Lư Thị
Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng
Vui ta vui chừ Bố Đại vui sướng
Điên ta điên chừ Phổ Hóa điên gàn.
Chà chà, bóng ngày chừ qua khe cửa
Ối ối, mây nổi chừ mộng giàu sang
Chịu sao chừ thói đời ấm lạnh
Đi chi chừ gai góc đường quan.
Sâu xoắn áo chừ cạn nhón gót
Dùng phô ra chừ bỏ ẩn tàng
Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.
Thỏa nguyện ta chừ được ngã sở
Sống chết bức nhau chừ ta vẫn như thường.
---o0o---
3. SANH TỬ NHÀN NHI DĨ
Tâm chi sanh hề sanh tử sanh
Tâm chi diệt hề sanh tử diệt
Sanh tử nguyên lai tự tánh không
Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt.
Phiền não bồ-đề ám tiêu ma
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Hoạch thang lô thán đốn thanh lương
Kiếm thọ đao sơn lập tồi chiết.
Thanh văn tọa thiền ngã vô tọa
Bồ-tát thuyết pháp ngã thực thuyết
Sanh tự vọng sanh, tử vọng tử
Tứ đại bản không tùng hà khởi.
Mạc vi khát lộc sấn dương diệm
Đông tẩu tây trì vô tạm dĩ
Pháp thân vô khứ diệc vô lai
Chân tánh vô phi diệc vô thị.
Đáo gia tu tri bãi vấn trình
Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ
Ngu nhân điên đảo bố sanh tử
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.
Dịch:
SỐNG CHẾT NHÀN MÀ THÔI
Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt
Sanh tử xưa nay vốn tánh không
Thân huyễn hóa này rồi cũng diệt.
Phiền não bồ-đề bỗng mất tiêu
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Chảo dầu lò lửa chợt mát liền
Núi kiếm rừng đao chốc gẫy hết.
Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp ta nói thiệt
Sanh dối sanh chết dối chết
Bốn đại vốn không nương đâu dấy.
Chớ như hươu khát đuổi bóng nắng
Nắm đông bắt tây không ngớt chạy
Pháp thân không lại cũng không qua
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy.
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy
Kẻ ngu sống chết mãi lo âu
Người trí rõ không nhàn thôi vậy.
---o0o---
4. PHÀM THÁNH BẤT DỊ
Thân tùng vô tướng bản lai không
Huyễn hóa phân sai thành nhị kiến
Ngã nhân tợ lộ diệc tợ sương
Phàm Thánh như lôi diệc như điện.
Công danh phú quí đẳng phù vân
Thân thế quang âm nhược phi tiễn
Miết khởi tinh nhi tắng ái tình
Tợ mịch man đầu nhi khí miến.
Mi mao tiêm hoành tỷ khổng thùy
Phật dữ chúng sanh đô nhất diện
Thục thị phàm hề thục thị thánh
Quảng kiếp sưu tầm một căn tánh.
Phi tâm vô thị diệc vô phi
Vô kiến phi tà diệc phi chánh
Quảng Ngạch đồ nhi quả nguyện vương
Khánh Hỷ tỳ-kheo công đức thánh.
Giác tha giác tự bạt mê đồ
Biến giới thanh lương tô nhiệt bệnh.
Quân bất kiến
Tiền thất giả thị a thùy?
Hậu đắc giả hựu thị thùy?
Lưỡng giá ban tâm nhất ban mạng
Đáo đầu bát vạn tứ thiên đà-la-ni chi pháp môn
Đồng nhiếp nhập Như Lai quảng đại viên trí chi kính.
Đốt!
Dịch:
PHÀM THÁNH CHẲNG HAI
Thân từ vô tướng xưa nay không
Giả dối nên chia thành “nhị kiến”
Ta người như móc cũng như sương
Phàm Thánh như sấm cũng như điện.
Giàu sang sự nghiệp đám mây trôi
Ngày tháng tên bay thân thế huyễn
Chút tình thương ghét thoáng xẹt qua
Khác nào bỏ bột đi tìm bánh.
Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sanh đồng sắc mặt
Ai là phàm chừ ai là Thánh
Muôn kiếp kiếm tìm mất căn tánh.
Không tâm thì không phải cùng không quấy
Chẳng kiến thì không tà cũng không chánh
Đồ tể Quảng Ngạch: tròn nguyện vương(1)
Tỳ-kheo Khánh Hỷ: công đức thánh(2)
Giác ta giác người khỏi đường mê
Mát rượi mười phương dứt tật bệnh.
Anh thấy chăng
Người mất trước đó là ai?
Người được sau đó là ai?
Hai tâm sai khác chung dòng mạng
Rốt cùng tám vạn bốn ngàn pháp môn đà-la-ni
Cùng nhiếp vào gương tròn đầy rộng lớn trí Như Lai.
Đốt!
---o0o---
5. THƯỢNG PHƯỚC ĐƯỜNG TIÊU DAO THIỀN SƯ
Cửu vi phong thể
Kiều ký hoang thôn
Thân tuy thiên ngoại chi sâm thương
Ý hữu kính trung chi loan phượng.
Nhàn xướng vô sanh chi khúc
Dụng thù pháp nhũ chi ân
Lạm trát già-đà
Thượng trình tọa hạ.
Thân tuy phì độn ngụ hương quan
Tứ trọng ân thâm vị cảm hàn
Ý chuyết thiểu phùng thiêm ý khí
Tâm khôi cô thủ thốn tâm đan.
Xuân hồi hư đối khai đào nhụy
Phong khởi không văn kích trúc can
Đương nhật đáo gia tham vấn bãi
Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn.
Tạm lai tỉnh vấn cổ chùy thiền
Tướng mạo kỳ di tráng thả kiên
Huệ Khả thân tàm bì tủy ký
Triệu Châu thiên dữ hạc qui niên.
Tu tri thế hữu nhân trung Phật
Hưu quái lô khai hỏa lý liên
Trân trọng già-đà tùy hứng lễ
Kỷ đa mạn khước tử nhung thiền.
Dịch:
LỄ THIỀN SƯ TIÊU DAO Ở TINH XÁ PHƯỚC ĐƯỜNG
Hèn lâu xa ánh sáng
Ở gởi chốn hoang thôn
Thân tuy ngoài cõi sâm thương
Ý vẫn trong gương loan và phượng.
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ân Thầy mớm sữa
Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên pháp tòa.
Thân tuy cục mịch ngụ quê này
Bốn trọng ân nào dám lãng khuây
Ý vụng sớm nhờ thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ chút lòng ngay.
Xuân về ngắm lững hoa đào nở
Gió động nghe hờ khóm trúc lay
Ngày trước đến nhà thăm hỏi hết
Nay đàn chủ thỉnh khúc không dây.
Thoắt qua thăm hỏi cổ chùy thiền( )
Tướng mạo mười mươi được khỏe bền
Tùng Thẩm tuổi theo rùa hạc thọ( )
Thần Quang đạo rút tủy da truyền( ).
Vẫn hay Phật sẵn trong đời có
Đừng lạ sen bừng giữa lửa lên
Trân trọng dâng theo lời tụng hiến
Còn gì lễ mọn chút quà riêng( ).
---o0o---
6. THỊ CHÚNG
Hưu tầm Thiếu Thất dữ Tào Khê,
Thể tính minh minh vị hữu mê.
Cổ nguyệt chiếu phi quan viễn cận,
Thiên phong xuy bất giản cao đê.
Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc,
Liên nhụy hồng hương bất trước nê.
Diệu khúc bản lai tu cử xướng,
Mạc tầm nam bắc dữ đông tê (tây).
Dịch:
BẢO CHÚNG
Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê,
Thể tánh sáng tròn chẳng từng mê.
Nào ngại xa gần trăng vẫn chiếu,
Thấp cao gió thổi chẳng ưa chê.
Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện,
Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ.
Khúc nhạc xưa nay nên gẩy hát,
Chớ tìm nam bắc với đông tây.
---o0o---
7. KHUYẾN THẾ TIẾN ĐẠO
Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu,
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc,
Ái hà xuất một đẳng phù âu.
Phùng trường diệc bất mô lai tỷ,
Vô hạn lương duyên chỉ ma hưu.
Dịch:
KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TIẾN TU
Ngày tháng xoay vần xuân lại thu,
Xăm xăm tóc bạc đáp lên đầu.
Giàu sang, nhìn lại một trường mộng,
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu.
Nẻo khổ luân hồi như chuyển bánh,
Sông yêu, chìm nổi tợ phù âu.
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi,
Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi.
|