Additional Info
Trần Thái Tông - Ông Vua Thiền Sư
(1218 - 1277)
Vua Trần Thái Tông tên là Trần Cảnh, trước tên húy là Bồ, sinhngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), quê ở hương Tức Mặc, sau được đổi lại là phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), cha là Trần Thừa (con của Trần Lý), mẹ họ Lê.
Họ Trần sống về nghề đánh cá ở hương Tức Mặc, đến đời Trần Lý trở nên giàu có nổi tiếng ở địa phương. Vào khoảng năm 1209 triều đình nhà Lý suy yếu, trong cuộc nổi loạn của Quách Bốc, vua Lý Cao Tông phải chạy loạn. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung làm vợ, phong cho Trần Lý tước Minh tự và phong cho cậu của Dung là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Gia đình Trần Lý giúp vua dẹp được giặc, dần dần có nhiều thế lực trong triều đình.
Năm Canh Ngọ (1210), vua Lý Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm lên ngôi, tức là vua Lý Huệ Tông. Vua lập Trần Thị Dung làm Nguyên phi. Sau đó vua phong Nguyên phi làm Hoàng hậu, phong chức tước cho các anh của Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Thái úy Phụ chính, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ.
Từ năm 1217, vua Lý Huệ Tông bị bệnh điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ trên búi tóc, nhảy múa suốt ngày đêm, có khi uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Quyền hành trong triều đình đều nằm trong tay Thái úy Trần Tự Khánh, Trần Thừa và Trần Thủ Độ. Năm 1223, Thái úy Trần Tự Khánh chết, quyền hành nằm trong tay Phụ quốc Thái úy Trần Thừa và Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), vua Lý Huệ Tông xuất gia tu hành ở chùa Chân Giáo trong đại nội, kinh thànhThăng Long, truyền ngôi cho Công chúa Chiêu Thánh (mới 7 tuổi), tức Lý Chiêu Hoàng. Năm sau (1225), con của Thái úy Trần Thừa là Trần Cảnh được phong làm Chính thủ theo hầu Lý Chiêu Hoàng, sau đó Lý Chiêu Hoàng nhận Trần Cảnh làm chồng (cả hai mới 8 tuổi). Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông.
Ngày 10 tháng 8 năm Bính Tuất (1226), Thái sư Trần Thủ Độ đến chùa Chân Giáo thấy Lý Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ ở trước sân chùa, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc”. Huệ Tông đáp: “Điều ngươi nói ta hiểu rồi”. Huệ Tông vào chùa tụng kinh xong khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, ngày sau con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế” . Sau đó Huệ Tông ra vườn phía sau chùa thắt cổ tự tử. Thái sư Trần Thủ Độ cho đưa linh cữu Thượng hoàng Lý Huệ Tông ra phường Yên Hoa hỏa thiêu và đem xương vào thờ trong tháp ở chùa Bảo Quang. Hoàng hậu (Trần Thị Dung) bị giáng làm Công chúa Thiên Cực và gả cho Trần Thủ Độ, sau đó được phong làm Quốc mẫu.
Qua đoạn sử được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư như trên, chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy rằng: Việc vua Lý Huệ Tông bị bệnh điên có thể là do áp bức hay trù ếm của gia đình Trần Thừa và việc vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi cũng do sự ép buộc của Trần Thừa và Trần Thủ Độ. Đến việc Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh (cả hai mới 8 tuổi) và nhường ngôi cho Trần Cảnh, cùng việc ép buộc Lý Huệ Tông tự tử cũng là do sự cưỡng ép của hai ông này (nhà Trần cướp ngôi nhà Lý như thế vào năm 1225; sau này đến năm 1399, nhà Trần cũng bị nhà Hồ cướp ngôi giống như vậy, sự việc xảy ra theo đúng lý “nhân quả luân hồi” trong Phật giáo).
Vua Trần Thái Tông tôn cha là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng, phong cho anh cả là Trần Liễu làm Thái úy Phụ chính, sách phong là Hiển Hoàng. Trần Thủ Độ được cử làm Thống quốc Thái sư.
Năm 1232, Thái hậu mất, không đầy 2 năm sau (1234), Thượng hoàng Trần Thừa lại mất, vua Trần Thái Tông trở thành mồ côi, lúc mới 16 tuổi. Vua rất buồn khổ và cô đơn trong cung điện, chán ngán trước cảnh sinhtử luân hồi, sự vô thường của cuộc đời và việc tranh danh đoạt lợi trong chốn hoàng cung và triều đình … Vua Trần Thái Tông đã bắt đầu tìm hiểu về giáo lý của đạo Phật và chán cảnh làm vua, có ý muốn đi tu.
Đến đầu năm Bính Thân (1236), Thái sư Trần Thủ Độ lại ép vua Trần Thái Tông phế bỏ Hoàng hậu Chiêu Thánh để lấy chị vợ là Công chúa Thuận Thiên (vợ Trần Liễu) vì Chiêu Thánh không có con, trong lúc Thuận Thiên đang mang thai (sau này sinh ra Trần Quốc Khang). Trước việc bị ép buộc làm việc loạn luân đó, lại sắp đến ngày các quan trong triều đình phải làm lễ thề “Trung quân” (vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch) nên vào khoảng nửa đêm mùng 3 tháng 4 năm Bính Thân (1236), vua quyết định bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu hành. Vua kể lại việc này trong bài tựa sách “Thiền tông chỉ nam” như sau: “Trẫm trộm nghĩ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể lấy sự tu hành mà tìm đến. Tánh người tuy có kẻ khôn người ngu, nhưng nhờ giác ngộ mà hiểu biết. Vì vậy, đạo giáo của Đức Phật là phương tiện để dẫn dụ người mê muội, chỉ con đường tắt để hiểu rõ sự sinh tử. Còn như cầm cân nẩy mực cho đời sau, làm khuôn phép cho tương lai đó là trách nhiệm của các bậc tiên thánh. Cho nên Lục Tổ (Huệ Năng) đã nói: “Bậc đại thánh nhân cùng với đại sư không khác gì nhau”. Như thế đủ biết đạo giáo của Đức Phật cũng phải nhờ tiên thánh mới truyền bá được cho đời sau. Nay trẫm sao lại không lấy trách nhiệm của tiên thánh làm trách nhiệm của mình, lấy giáo lý của Đức Phật làm giáo lý của mình. Vả lại khi tuổi thơ, vào lứa tuổi mới hiểu biết, mỗi khi nghe lời giảng dạy của các thiền sư, tức thời dẹp hết mọi sự suy nghĩ, trong tâm hết sức thanh tịnh. Lúc bấy giờ trẫm có ý say mê kinh điển Phật, muốn hiểu biết Thiền tông quyết chí tìm thầy, thành tâm mộ đạo. Tuy nhiên tâm hồi hướng theo với đạo đã manh nha, nhưng động cơ cảm xúc vẫn chưa đạt được.
Năm mười sáu tuổi, Thái hậu từ giã cõi đời, trẫm thường nằm ôm gối đất khóc ra nước mắt, ruột đau như cắt. Trong lúc quá buồn khổ không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái tổ Hoàng đế (Thượng hoàng Trần Thừa) lại cũng qua đời. Thương mẹ chưa khuây, xót thương cha càng thấm thía. Đau xót ngổn ngang khó nguôi nỗi buồn. Trẫm nghĩ công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về, chăm sóc đủ thứ, dù có xương tan nát thịt cũng chưa báo đền được một phần trong muôn phần. Hơn nữa trẫm nghĩ: Thái tổ Hoàng đế mở cờ dựng nghiệp đã rất khó khăn, trị nước giúp đời lại càng quan trọng khó nhọc. Ngài đem ngôi báu trao lại cho trẫm từ lúc còn ấu thơ, khiến trẫm ngày đêm lo sợ đứng ngồi không yên. Trẫm tự nghĩ thầm rằng: ở trên đã không có cha mẹ để nương nhờ, ở dưới cũng sợ rằng không đáp ứng nổi sự mong mỏi của lê dân, biết phải làm sao đây? Trẫm suy đi nghĩ lại: hay là lui về chốn rừng núi tìm hiểu giáo lý đạo Phật, hiểu rõ nghĩa trọng đại của sự sinh tử, cũng là để đền đáp lại công ơn khó nhọc cha mẹ, như thế chẳng tốt hơn hay sao? Thế là chí trẫm đã quyết định: “Vào đêm mùng 3 tháng 4 năm Bính Thân (1236) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm, trẫm cải dạng mặc thường phục đi ra cửa cung, bảo với kẻ hầu cận rằng: “Trẫm muốn ra ngoài thành du ngoạn ngầm nghe tiếng nói của dân, xem chí nguyện của dân, ngõ hầu biết được sự khó khăn của họ”. Lúc đó theo hai bên trẫm chỉ bảy, tám người. Vào giờ Hợi đêm ấy, trẫm cưỡi ngựa lẻn trốn ra đi. Qua sông đi về hướng Đông, trẫm mới thật tình bảo cho các người theo hầu biết, họ rất ngạc nhiên và rơi nước mắt.
Hôm sau vào giờ Mão (5 đến 7 giờ sáng), đi đến bến đò Đại Than ở chân núi Phả Lại, trẫm sợ có người biết mặt, phải lấy áo che mặt khi qua sông, rồi theo đường tắt lên núi. Đến tối vào nghỉ trong chùa Giác Hạnh đợi sáng lại đi. Núi hiểm suối sâu, leo trèo chật vật, ngựa mệt mỏi không thể tiến lên được nữa, trẫm bỏ ngựa vịn vào váchđá mà đi. Đến giờ Mùi (13 giờ đến 15 giờ), thì đến núi Yên Tử (huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Sáng hôm sau trèo thẳng lên đỉnh núi, vào tham kiến Quốc sư Trúc Lâm, một bậc đại Sa môn (Quốc sư Phù Vân). Quốc sư chợt thấy trẫm mừng rỡ, ung dung bảo rằng: “Lão tăng ở nơi rừng núi đã lâu, mặt đầy xương cứng, ăn rau đắng, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng, tâm như mây trôi, nên theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi chủ của thiên hạ, tìm đến cảnh núi rừng nghèo hèn, chẳng hay bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này vậy?”.
Trẫm nghe lời Quốc sư nói, rơi hai hàng nước mắt nói với Quốc sư rằng: “Trẫm còn thơ dại, cha mẹ mất sớm, một mình bơ vơ đứng trên đám sĩ dân, không biết nương tựa vào đâu? Lại nghĩ đến sự nghiệp của đế vương ngày trước hưng phế thịnh suy thay đổi bất thường; cho nên, hôm nay trẫm lên núi này, chỉ muốn làm Phật chứ không cầu một vật gì khác”. Quốc sư đáp: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm. Tâm vắng lặng thì trí tuệ khai mở, đó chính là Phật. Nếu hôm nay bệ hạ ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải khổ công tìm kiếm bên ngoài”.
Ngày hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ dẫn các đại thần trong triều đình và các bô lão lên núi Yên Tử yêu cầu vua trở về triều đình. Từ chối không được, vua đành trở về Hoàng cung. Quốc sư cầm tay vua nói: “Đã làm vua của nhân dân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về triều đình, bệ hạ không thể không về được. Tuy nhiên việc nghiên cứu tìm hiểu kinh điển Phật giáo, xin Bệ hạ luôn luôn để tâm, đừng giây phút nào quên”.
Vua về kinh đô, dù giữ ngôi vua lo việc triều chính, nhưng lúc nào vua cũng nhớ lời dặn của Quốc sư Trúc Lâm (hay Quốc sư Phù Vân), khi việc nước nhàn rỗi, vua lúc nào cũng nghiên cứu kinh sách Phật và thường mời các cao tăng thạc đức đến tham hỏi về Thiền học.
Khi Thái sư Trần Thủ Độ ép vua lấy Thuận Thiên làm Hoàng hậu, Hoài vương Trần Liễu chỉ huy thủy quân nổi loạn, nhưng thế yếu phải lấy thuyền nhỏ giả làm người đánh cá đến thuyền rồng của vua Trần Thái Tông xin đầu hàng, vua và Trần Liễu nhìn nhau mà khóc. Thái sư Thủ Độ nghe tin, đến thuyền rút gươm định giết Trần Liễu, vua phải lấy thân mình che chở cho anh. Thái sư tức lắm ném gươm xuống sông. Vua phải giảng hòa bảo Thủ Độ rút quân về, vua phong Trần Liễu làm An Sinh vương và lấy đất các xã Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Hưng, Yên Dưỡng làm ấp thang mộc.
Năm Đinh Mùi (1247), vua cho mở khoa thi Thái học sinh để tuyển nhân tài ra làm quan.
Năm 1249, vua cho trùng tu chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Năm 1252, vua đem quân đánh Chiêm Thành.
Năm 1253, vua mở mang Nho giáo và Lão giáo, lập Quốc học viện để dạy cho các Nho sinh.
Năm 1258, đánh bại quân Mông Cổ, giữ vững độc lập cho đất
nước.
Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thái Tông lên
làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng tức vua Trần Thánh Tông.
Ngay từ sau khi trốn lên núi Yên Tử trở về (năm1236), vua Thái Tông ngoài việc triều chính, còn để thì giờ nghiên cứu kinh sách Phật hoặc mời các bậc đức kỳ tài vào cung điện để tham học về Thiền tông như Quốc sư Phù Vân, các Thiền sư Tức Lự, Ứng Thuận… Ngoài ra vua còn mời cả Thiền sư ngoại quốc đã đến Đại Việt hoằng hóa là Thiền sư Thiên Phong (phái Lâm Tế, đời 20) đến viện Tả Nhai để cùng các bậc thạc đức tham khảo về Thiền học.
Vua Trần Thái Tông chủ trương “Tam giáo đồng nguyên” dung hợp cả Phật, Nho và Lão giáo. Vua có chí, dành nhiều thời giờ để tự học, đọc cả sách Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo.
Vua học Nho giáo để nghiên cứu về Chính trị học, Xã hội học rất cần thiết cho việc cai trị đất nước. Vua tham học Lão giáo để tìm hướng siêu thoát cho tâm linh và tu học Phật để tìm đường giải thoát khỏi cảnh đau khổ vô thường của cuộc đời…
Trong bài “Tựa kinh Kim Cang Tam Muội” vua kể lại phương pháp tự học như sau:
“Trẫm lo việc cai trị dân, nhiều lúc gặp khó khăn phải lăn xả vào công việc quên cả sớm tối. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không được bao nhiêu. Siêng năng trong công việc, tiếc ngày giờ chữ nghĩa chưa được bao nhiêu nên phải cố học thêm, ban đêm phải thức khuya để đọc thêm sách, học sách Nho giáo rồi học kinh điển Phật giáo…”.
Vua Trần Thái Tông học cả ba tôn giáo Nho, Lão và Phật nhưng chịu ảnh hưởng Phật giáo nhiều nhất. Vua vừa nghiên cứu kinh điển Phật giáo vừa tổ chức các buổi tham luận về Phật học ở viện Tả Nhai, vừa tự tu học, siêng năng lễ lạy sám hối, tham học Thiền và cuối cùng vua ngộ được đạo. Trong bài tựa Thiền tông chỉ nam, vua Thái Tông viết như sau:
“Nghe lời Quốc sư Trúc Lâm, trẫm trở lại kinh đô, miễn cưỡng mà lên ngôi vua. Trong suốt mười mấy năm trời, mỗi khi được nhàn rỗi việc nước, trẫm lại triệu tập các bậc kỳ đức để tham vấn về thiền học. Các kinh điển của các tông phái lớn, không kinh nào không nghiên cứu”.
Trẫm thường đọc Kinh Kim Cang, một hôm đọc đến đoạn “Ưng vô sở trụ nhi sinhkỳ tâm” (không nên trụ trước nơi nào mới sinhchân tâm), buông kinh xuống chiêm nghiệm, bỗng hoát nhiên tự ngộ. Bèn đem chỗ giác ngộ ấy viết thành những lời sau đây, đặt tên là “Thiền tông chỉ nam”.
Năm ấy vào khoảng năm 1248-1250, Quốc sư Phù Vân từ núi Yên Tử về kinh sư, trẫm mời ở lại chùa Thắng Nghiêm chủ trì việc khắc bản in các kinh điển, trẫm đem sách này cho Quốc sư xem. Quốc sư ba lần tán thán rằng: “Tâm chư Phật ở cả trong sách này, sao không đem khắc bản in để dạy kẻ hậu học?”. Trẫm nghe nói thế, liền sai thợ viết chữ chân phương, sắc truyền khắc ván đem in. Sách này không những để chỉ chỗ mê lầm cho đời sau, mà còn muốn nối tiếp công đức truyền bá của bậc thánh nhân đời trước càng thêm rộng lớn…
Sau khi lên làm Thái thượng hoàng (1258), Thái Tông dành hầu hết thời gian cho việc tu hành. Sau khi quán xét lại cả cuộc đời của mình, Thái Tông nhận thấy rõ cuộc đời là vô thường là biển khổ, trong cảnh tranh quyền đoạt lợi nơi chốn cung đình hay trong triều nội, con người đã âm mưu, sát hại lẫn nhau, làm nhiều điều trái với đạo đức… Chính bản thân của Thái Tông phạm bao nhiêu tội lỗi, dù không phải do quyết định của chính mình, nhưng vì quyền lợi của gia đình mà Trần Thủ Độ đã tạo bao nhiêu tội ác. Đối với vua, Trần Thủ Độ có công trong việc củng cố quyền hành và tạo sự ổn định cho đất nước, nhưng ông đã làm biết bao điều tàn ác: ép buộc vua Lý Huệ Tông tự tử, giết tất cả Hoàng tộc, ép vua lấy chị dâu (vợ Trần Liễu) …
Thái Tông thấy rõ chỉ có con đường tu hành theo Phật giáo mới có thể giải thoát khỏi cuộc đời vô thường, kiếp người đầy phiền não khổ lụy và mới giải thoát khỏi luân hồi nhân quả.
Vì vậy, Thái Tông dành nhiều thời gian cho việc tu hành theo đạo Phật. Sau khi nghiên cứu kinh điển Phật giáo tham học với các bậc thạc đức danh tăng và tu tập thiền định, Thái Tông thấy rõ trước hết là cần phải lạy Phật sám hối tội lỗi của mình (trong kiếp này và các kiếp trước), sửa tâm tánh, làm các điều thiện (thập thiện, lục độ…) và phải tu tập thiền định rốt ráo mới hy vọng giải thoát luân hồi nhân quả.
Sau mười mấy năm sám hối, tham học kinh điển, tham vấn chư thạc đức và tu tập thiền định, Thái Tông ngộ được lý đạo. Thái Tông vừa tu hành, vừa biên soạn sách cho người tu.
Những lúc việc nước rãnh rỗi và nhất là khi lên làm Thượng hoàng, Trần Thái Tông về hành cung Vũ Lâm và điện Thái Vi ở khu rừng núi thuộc vùng cố đô Hoa Lư (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nơi đây Thái Tông vừa ẩn dật lễ sám, tu hành, vừa biên soạn sách Phật học, sách về Thiền tông, đặc biệt chú trọng đến việc tụng kinh lễ Phật sám hối.
Thái Tông cũng là nhà văn, đời Ngài viết khá nhiều tác phẩm, hiện nay còn thấy trong tập Khóa Hư Lục. Thử trích một vài đoạn để chứng thực điều này:
Trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân có đoạn:
“Khi xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro xanh xương trắng; khi mưa lệ tưới mây ảm đạm, lúc gió sầu lay nguyệt mơ màng; canh tàn thì quỉ khóc thần sầu, năm muộn thì trâu giày ngựa đạp. Đom đóm lập lòe trong cỏ biếc, côn trùng rên rỉ ngọn dương trơ. Bia đá một nửa phủ rêu xanh, tiều mục đạp ngang thành lối tắt...”
Hoặc đoạn khác trong bài Phổ Khuyến Phát Bồ-đề Tâm:
“Công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài, phú quí kinh người, khó tránh ‘vô thường’ hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không; khoe giỏi khoe hay rốt cùng chẳng thật. Tứ đại rã rời thôi già trẻ, núi khe mòn mỏi hết anh hùng. Tóc xanh chưa mấy mà mầu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi mà người điếu đã tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình; bảy thước xương khô, mặc sức san tham tiền của. Thở ra không hẹn thở vào, ngày nay không tin ngày kế; trôi nổi sông yêu giờ nào nghỉ, nấu nung nhà cháy biết bao thôi?”
Thái Tông là một Thiền sư có tầm cỡ. Đầu tiên Ngài đã ngộ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang. Sau Ngài còn tập họp các bậc kỳ đức để tham vấn thiền. Những năm làm Thái thượng hoàng, Ngài có thì giờ nghiên tầm thấu suốt, cho nên có người tham vấn, liền đáp một cách tự tại. Nghe danh Ngài, vị tăng Đức Thành người Tống đến hỏi:
- Đức Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ hết chúng sanh là thế nào?
Ngài đáp:
- Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
(Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.)
Tăng khác hỏi:
- Được trên phần của học nhân có tu chứng chăng?.
Ngài đáp:
- Nước chảy xuống non nào có ý,
Mây ra khỏi núi vốn không tâm.
(Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý,
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm.)
Vào cuối mùa xuân năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông bị bệnh ở cung Vạn Thọ, vua Trần Thánh Tông đến thăm viếng, thưa rằng: “Chân không và Ngoan không là đồng hay khác?”. Thượng Hoàng bảo: “Chân không và ngoan không là một, chỉ vì tâm con người mê và ngộ nên mới có chân không và ngoan không. Ví dụ như gian nhà, mở cửa thì sáng, đóng cửa thì tối; sáng và tối chẳng đồng, nhưng gian nhà chỉ là một “.
Hôm sau, Quốc sư Đại Đăng vào thăm Thượng hoàng, hỏi rằng: “Thượng hoàng bệnh chăng?”. Thượng hoàng Thái Tông đáp: “Tứ đại là bệnh, nhưng thân này xưa nay vốn không can hệ đến sinh tử, vì thế làm sao vướng mắc vào bệnh hoạn được? “.
Mấy ngày sau đó, Thượng hoàng Thái Tông bỗng lặng thinh, không nói gì cả. Sau đó, đuổi hết những kẻ hầu hạ, đem việc đại sự quốc gia dặn dò riêng với vua Thánh Tông. Vua có ý muốn nhờ Quốc sư Trúc Lâm (Thiền sư Phù Vân) và Quốc sư Đại Đăng thuyết giảng về pháp xuất thế cho Thượng hoàng nghe. Thượng hoàng gằn giọng bảo rằng: “Trong giây phút hiện tiền này, chỉ bớt một mảy tơ cũng làm thịt bị đụt khoét thành vết thương; còn thêm một mảy tơ, cũng giống như bụi vướng trong mắt. Ba đời chư Phật “bốn mắt nhìn nhau” (tứ mục tương cố), sáu đời Tổ sư kế truyền riêng; dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu, đều là lời thừa, chẳng có ích gì với thân này”.
Nói xong, Thượng hoàng Trần Thái Tông lặng lẽ thị tịch, nhằm vào ngày mùng Một tháng Tư năm Đinh Sửu (1277).
Thượng hoàng tu hành chí thành, đạt được đạo quả nên có thể biết ngày chết trước cả năm.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Đinh Sửu, Bảo Phù năm thứ năm (1277), mùa Hạ tháng tư ngày mùng 1, Thượng hoàng băng ở cung Vạn Thọ. Trước đó Thượng hoàng đến ngự đường bỗng thấy con rít bò trên áo ngự, Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh “keng” xuống đất, nhìn xem thì hóa ra là cái “đinh sắt”, đoán là điềm năm “Đinh”. Lại có lần đùa, sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép “nội quan” nghiệm xem điều lành hay điều dữ. Hôm sau, Mặc Lão tâu: thấy một cái hòm vuông, bốn mặt đều có chữ “Nguyệt”, trên hòm có một cây kim và một cái lược, Thượng hoàng lại đoán “Hòm tức là quan tài, chữ nguyệt ở bốn bên tức là tháng tư, cây kim có thể cắm vào vật gì tức là nhập vào quan tài, cái lược là chữ “sở” đồng âm với “sơ” là xa, tức là xa các ngươi. Lại lúc ấy đang có trò múa rối thường có câu “Mau đến ngày mùng 1 thay phiên”, Thượng hoàng lại đoán: thế là ngày mùng một tháng tư là chết.
Năm trước, có một hôm, Thượng hoàng chợt bảo những kẻ theo hầu cận rằng: “Tháng tư sang năm ta tất chết: Đến nay quả như vậy”.
Ngày mùng 4 tháng 10, táng Thượng hoàng ở Chiêu lăng.
Tác phẩm của Trần Thái Tông:
- Thiền tông chỉ nam (hiện chỉ còn bài tựa).
- Kim Cang Tam Muội kinh chú giải (chú giải kinh Kim Cang Tam Muội, hiện nay chỉ còn bài tựa).
- Lục thời sám hối khoa nghi.
- Bình đẳng lễ sám văn (chỉ còn bài tựa).
- Khóa hư lục.
- Trần Thái Tông ngự tập (các bài thơ văn của Trần Thái Tông, hiện chỉ còn vài bài).
- Quốc triều thông chế.
- Kiến trung thường lễ.
- Bài thơ “Ký Thanh Phong am Tăng Đức Sơn”.
- Bài thơ “Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh”.
---o0o---
PHỤ BẢN TRẦN THÁI TÔNG
Phiên âm:
PHỔ THUYẾT SẮC THÂN
Chư nhân đẳng, thân vi khổ bản, chất thị nghiệp nhân. Nhược tự dĩ thử vi chân, dã thị nhận tặc tác tử.
Nhĩ khả tử tế khan lai, chỉ giá sắc thân vị nhập bào thai chi nhật, na xứ đắc hữu? Cái do niệm khởi duyên hội, ngũ uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả xuất, vong chân vong bản, hiện ngụy hiện hư. Hoặc nữ hoặc nam, hoặc nghiên hoặc xú, tận thị túng tâm phóng khứ, đô vô thoái bộ hồi qui, khu trì sanh tử lộ đầu, thất khước Bản lai diện mục. Do thị cung mâu ngoại nhận, thùy tri cố thủ nội khan. Lai thời sanh thị hóa sanh, đáo xứ mộng trung thuyết mộng. Ba ba lục lục, dịch dịch thông thông; dĩ huyễn vi chân, bội không xu sắc, khô lâu thược tháp hoa trâm ngọc; xú bì đại đới xạ huân lan. Tiển la ỷ khỏa nùng huyết nẵng, điều diên hoa ngự thỉ niệu thung. Như tư ngoại sức, chung thị uế căn. Bất năng giá lý tự tàm; phản hướng cá trung trước ái.
Chư nhân đẳng! Đại tợ cơ quan khối lỗi, toàn bằng ti tuyến khiên trừu; lộng lai lộng khứ dữ sanh đồng, phóng hậu thu thời chân tử dạng. Tự khởi vạn ban kế hiệu, đô duyên lục tặc giao công; bất ưu lão bệnh tử lai, quản tham tửu sắc tài khứ. Đồ cạnh dăng đầu oa giác, cam vi lợi tỏa danh cương. Nhật gian phí tận hãnh cầu, dạ lý phiên thành mộng tưởng. Tích đắc nghiệp cấu như tỉnh, bất tri mấn phát tợ sương. Nhất triêu hoạn nhiễm trầm kha, bách tuế chung qui đại mộng. Tâm can đổng thống, phản nhược oan thù; cơ thể suy vi chân như ngạ quỉ. Thượng dục kỳ thân đảo mệnh, bất tri sát vật thương sanh. Tương kỳ nhất thế đẳng trường tùng, bất giác tứ chi chân lậu ốc. Hồn phách tuy qui quỉ giới, thi hài do ủy nhân gian. Phát mao trảo xỉ vị cập tiêu, thế thóa tân dịch tiên bính xuất. Hủ lạn tắc lưu nùng lưu huyết; ô uế tắc huân địa huân thiên. Bão hắc bất kham quan, ứ thanh chân khả ố. Bất luận bần phú, đồng nhập tử vong. Hoặc tàng ư thất tắc trùng xuất hủ sanh, hoặc khí ư lộ tắc nha san khuyển thực. Thế nhân giai yểm tị nhi quá, hiếu tử phản lũy ly dĩ tàng; thập cốt thâu hài, yểm cách mai tủy. Quan liệm phó nhất tinh dã hỏa, thổ đôi táng vạn lý hoang sơn. Tích thời lục mấn chu nhan; kim nhật thanh khôi bạch cốt. Lệ vũ sái thời vân thảm thảm, bi phong động xứ nguyệt vi vi. Dạ lan tắc quỉ khốc thần sầu, tuế cửu tắc ngưu tàn mã tiễn. Huỳnh hỏa chiếu khai thanh thảo lý, cung thanh ngâm đoạn bạch dương sao. Bi minh bán một tỏa thanh đài, tiều mục đạp xuyên thành khê kính. Nhậm thị văn chương cái thế, túng nhiêu tài mạo khuynh thành. Đáo đầu khởi hữu dị đồ, triệt để dã đồng nhất trước. Nhãn bị sắc khiên qui kiếm thụ, nhĩ tùy thanh dẫn thượng đao sơn. Tị đầu khứu trước xú yên tinh, thiệt lý khiết lai thiết hoàn nhiệt. Thân khiếp dương đồng câu quán khái; ý toan hỏa hoạch mỗi ngao tiên. Nhân gian lịch tận bách xuân thu, ngục nội phương vi nhất trú dạ.
Nhược thị tác gia cụ nhãn, trực tu tảo cấp hồi quang. Phiên thân khiêu xuất tử sanh khòa; đàn chỉ liệt khai ân ái võng. Túng nhĩ nam, túng nhĩ nữ tổng thị kham tu; nhậm cừ trí nhậm cừ ngu tận giai hữu phận. Nhược vị đạt Phật tâm Tổ ý, thả tiên bằng trì giới niệm kinh; cập Phật diệc phi, Tổ diệc phi tắc giới hà trì kinh hà niệm. Cư huyễn sắc diệc danh chân sắc, xử phàm thân dã thị Pháp thân; phá lục tặc vi lục thần thông, du bát khổ tác bát tự tại. Tuy ngôn nhậm ma nhi nhân nhân ký nhập giá sắc thân lý, khứ dã thị nan nan.
Chư nhân đẳng! Chỉ giá sắc thân, hựu tác thập ma sanh thoát dã? Nhược vị năng thoát tu lai thính thủ.
Kệ viết:
Vô vị chân nhân xích nhục đoàn
Hồng hồng bạch bạch mạc tương man
Thùy tri vân quyện, trường không tịnh
Thúy lộ thiên biên, nhất dạng san.
Dịch:
NÓI RỘNG SẮC THÂN
Hết thảy các người! Thân là gốc khổ, thể chất là nhân nơi nghiệp, nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con.
Các ông nên chín chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được có. Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có. Quên thật quên gốc, hiện giả hiện dối, hoặc nữ hoặc nam, hoặc đẹp hoặc xấu. Trọn là buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về, chạy rong trên đường sanh tử, mất tuốt “Bản lai diện mục”. Do đó, giương mắt nhìn bên ngoài, ai biết xoay đầu ngó lại bên trong. Khi lại, sanh là hóa sanh. Nơi đến, trong mộng nói mộng, lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, lấy giả làm chân, trái không đến sắc. Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đãy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thúi. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu.
Hết thảy các người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là dáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá. Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt. Luống đua đầu lằng sừng ốc(1) cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày dồn sức mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng. Chất chứa nghiệp dơ như giếng, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn. Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy giống như quỉ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sanh hại mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể ví tựa nhà xiêu. Hồn phách tuy về cõi quỉ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rữa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì dòi đục tửa sanh, hoặc ném ra đường quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mền quấn giấu. Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen. Khi mưa lệ rơi thì mây sầu thê thảm, lúc gió buồn thổi thì trăng sáng hắt hiu. Đêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nửa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu giậm mãi thành lối mòn. Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng cũng chỉ một lối đi. Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng dội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối.
Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quang, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân. Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng. Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật. Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ(1) thành tám tự tại(2). Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay!
Hết thảy các người! Chỉ sắc thân này lại làm sao giải thoát? Nếu chưa giải thoát, cần phải nghe đây:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau.
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời, một núi xanh.
Phiên âm:
PHỔ KHUYẾN PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM
Phù thế chi chí quí giả, duy kim ngọc nhĩ. Nhiên sát kỳ sở trọng, thẩm kỳ sở tích phản bất cập ư thân mệnh giả dã. Giả như hữu phú quí gia nhân bái vi đại tướng, dụng hoàng kim vi giáp dĩ bị kỳ thân. Chí lâm chiến chi nhật, binh nhận ký nhiếp chi thời, hoặc khí giáp duệ binh nhi tẩu, ký đắc toàn ư nhất thân nhi dĩ, nhi hoàng kim chi giáp khởi hạ cố tai! Nãi tri hoàng kim chi trọng bất túc dĩ tỷ thân mệnh giả, thử chi vị dã.
Kim giả bất nhiên phản quí kỳ vật nhi tiện kỳ thân, bất tri kỳ thân, hữu nan phùng giả tam. Hà giả vi tam?
Nhất giả, lục đạo chi trung duy nhân vi quí. Chí nhãn quang lạc địa chi thời, hôn hôn mộng mộng, bất tri sở xu. Hoặc nhập địa ngục, a-tu-la, ngạ quỉ, súc sanh chi đạo, bất đắc vi nhân, thị nhất nan phùng dã.
Nhị giả, ký đắc vi nhân, hoặc sanh man di chi xứ, dục tắc đồng xuyên, ngọa tắc đồng sàng, tôn ti hỗn xử, nam nữ tạp cư; bất bị nhân phong, bất điều thánh hóa. Thử nhị nan phùng dã.
Tam giả, ký đắc sanh ư trung quốc, lục căn bất cụ, tứ thể bất toàn, manh lung ám á, sậm sước luy loan, khẩu tị tinh chiên, thân hình xú lạn; sư bất dữ cận, chúng mạc nan thân. Tuy cư hoa hạ chi trung, nhược xử cùng hoang chi ngoại. Thử tam nan phùng dã.
Kim ký vi nhân đắc sanh ư trung quốc, hựu lục căn toàn cụ, khởi bất vi quí hồ? Phàm thế chi nhân, mỗi khu khu ư danh lợi chi đồ, thương kỳ thần lao kỳ hình; khí kỳ thân mệnh chi chí trọng, dịch ư tài hóa chi chí khinh; dữ thực bỉnh vong thê, hàm phạn vong giáp, hữu hà dị tai! Tuy ngôn thân mệnh chi chí trọng, do vị túc trọng ư chí đạo giả dã. Cố Khổng Tử viết: Triêu văn đạo, tịch tử khả hỉ. Lão Tử viết: Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Thế Tôn cầu đạo xả thân cứu hổ, khởi phi tam thánh nhân khinh thân nhi trọng đạo giả tai! Ô hô! Thân mệnh chi chí trọng nhi thượng ưng xả cầu Vô thượng Bồ-đề, huống kim ngọc tài bảo chi chí khinh hựu hà tích tai! Hu, thập thất chi ấp thượng hữu trung tín, cử thế chi nhân khởi vô thông minh kiệt tuệ giả hồ? Thảng văn tư ngôn, cố đương mẫn học, vật tự trì nghi. Kinh vân: nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục, thâm khả thống tai! Cố Khổng Tử hữu ngôn: Nhân nhi vô vi, ngô mạt như chi, hà dã dĩ hĩ!
Tường phù bách niên quang ảnh toàn tại sát-na; tứ đại huyễn thân, khởi năng trường cửu. Mỗi nhật trần lao mịch mịch, chung triêu nghiệp thức mang mang. Bất tri nhất tánh chi viên minh; đồ sính lục căn chi tham dục. Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường, phú quí kinh nhân, nan miễn vô thường nhị tự. Tranh nhân tranh ngã, đáo để thành không; khoa hội khoa năng, tất cánh phi thật.
Phong hỏa tán thời vô lão thiếu,
Khê sơn ma tận kỷ anh hùng.
Lục mấn vị kỷ nhi bạch phát tảo xâm; hạ giả tài lâm nhi điếu giả tùy chí. Nhất bao nùng huyết trường niên khổ luyến ân tình; thất xích độc lâu tứ ý san tham tài bảo. Xuất tức nan kỳ nhập tức, kim triêu bất bảo lai triêu.
Ái hà xuất một kỷ thời hưu
Hỏa trạch ưu tiên hà nhật liễu.
Bất nguyện xuất ly nghiệp võng, chỉ nhân vị hữu công phu. Diêm-la vương hốt địa lai truy, Thôi tướng công khởi dung triển hạn. Hồi thủ gia thân đô bất kiến, đáo đầu nghiệp báo tự thừa đương. Quỉ vương ngục tốt nhất nhậm khi lăng; kiếm thụ đao sơn cánh vô thôi để. Hoặc nhiếp Ốc tiêu sơn hạ, hoặc tại Thiết Vi sơn gian. Thụ hoạch thang tắc vạn tử thiên sanh; tao thóa hạp tắc nhất đao lưỡng đoạn. Cơ thôn nhiệt thiết, khát ẩm dung đồng. Thập nhị thời cam thụ khổ tân; ngũ bách kiếp bất kiến đầu ảnh. Thụ túc tội nghiệp, phục nhập luân hồi. Đốn thất cựu thời nhân thân, hoán khước giá hồi bì đại. Phi mao đới giác, hàm thiết phụ yên; dĩ nhục cung nhân, dụng mệnh hoàn trái. Sanh bị đao châm chi khổ, hoạt tao thang hỏa chi tai; hỗ tích oan khiên, đệ tương thực hám. Na thời truy hối, học đạo vô nhân. Hà như trực hạ thừa đương, mạc đãi kim sanh sa quá. Thích-ca Văn Phật, xả hoàng cung nhi trực vãng Tuyết Sơn, cư sĩ Bàng Công, tương gia tài nhi tất trầm thương hải. Chân Vũ bất thống vương vị duy vụ tu hành; Lã Công ký tác thần tiên thượng cần tham vấn. Tô học sĩ thường thân Phật Ấn, Hàn Văn Công chung lễ Đại Điên. Bùi công đoạt hốt ư Thạch Sương, Phòng Tướng vấn pháp ư Quốc Nhất. Diệu Thiện bất chiêu phò mã, thành Phật vô nghi; Lục Tổ tương ngộ khách nhân, thính kinh đốn ngộ. Thiền đạo nhược vô huống vị, Thánh Hiền hà khẳng qui y? Hoa Lâm cảm nhị hổ tùy thân, Đầu Tử hữu tam nha báo hiểu. Lý trưởng giả giải kinh nhi thiên trù tống thực, Tu-bồ-đề đả tọa nhi Đế Thích tán hoa. Đạt-ma chích lý tây qui, Phổ Hóa giao linh đằng khứ. La-hán lai tham ư Ngưỡng Sơn hòa thượng. Nhạc đế thụ giới ư Tư Đại thiền sư. Kính Sơn chí kim do thị Long vương đả cúng, Tuyết Phong vãng tích năng sử mộc nhân khai sơn. Thử giai dĩ nghiệm chi nhân do, thiết mạc tự khinh nhi thoái khuất. Dã hồ thượng thính Bách Trượng pháp, loa sư do hộ Kim Cang kinh. Thập thiên du ngư văn Phật hiệu nhi hóa vi thiên tử, ngũ bách biển bức thính pháp âm nhi tổng tác Thánh Hiền. Mãng văn sám dĩ sanh thiên, long thính kinh nhi ngộ đạo. Bỉ vật thượng năng lĩnh ngộ, huống nhân hà bất hồi tâm. Hoặc hữu mai đầu khiết phạn nhi không quá nhất sanh; hoặc hữu thác lộ tu hành nhi bất tỉnh giá ý. Khởi thức Bồ-đề giác tánh cá cá viên thành; tranh tri Bát-nhã thiện căn nhân nhân cụ túc. Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia. Bất câu tăng tục nhi chỉ yếu biện tâm, bản vô nam nữ hà tu trước tướng. Vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm: Nhược năng phản chiếu hồi quang, giai đắc kiến tánh thành Phật. Hựu huống nhân thân dị thất, Phật pháp nan phùng. Dục siêu lục đạo chi chu lưu, duy hữu Nhất thừa chi tiệp kính. Tu cầu chánh kiến, mạc tín tà sư. Ngộ liễu phương thị nhập đầu, hành đắc thủy năng thoát tục. Bộ bộ đạp trước thực địa, đầu đầu đỉnh đới hư không. Dụng thời tắc vạn cảnh toàn chương, phóng hạ tắc nhất trần bất lập. Siêu sanh tử bất tương quan chi địa, liễu quỉ thần thư bất phá chi cơ.
Thị phàm thị thánh nhi đồng nhập lộ đầu, hoặc oán hoặc thân nhi cộng nhất tị khổng. Như tư thực ngộ, thượng trệ bán đồ, hưu thuyết hướng thượng tam huyền, yếu liễu mạt hậu nhất trước. Thả đạo tức kim hoán nả cá tố mạt hậu nhất trước?
Thanh sơn đê xứ kiến thiên khoát
Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương.
Dịch:
RỘNG KHUYẾN PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ
Ở đời cái quí tột chỉ là vàng ngọc mà thôi. Nhưng xét kỹ chỗ quí tiếc ấy, chẳng bằng thân mạng. Ví như có người giàu sang được phong làm đại tướng, dùng vàng ròng làm giáp để che đỡ cho thân. Đến khi lâm chiến binh đao bị thua, hoặc cởi giáp ném gươm mà chạy, mong được thân mạng an toàn mà thôi, giáp vàng ròng đâu rảnh nghĩ tiếc. Mới biết, cái quí vàng ròng chẳng bằng cái quí thân mạng, đây là thật vậy.
Ngày nay thì không thế, trái lại quí vật kia mà khinh thân này. Chẳng biết thân này khó được có ba. Thế nào là ba?
1- Trong lục đạo chỉ người là quí, đến khi nhắm mắt đi rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la chẳng được làm người. Đây là cái khó được thứ nhất.
2- Đã được làm người, lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ty không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư thánh giáo hóa. Đây là cái khó được thứ hai.
3- Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm, ngọng, què, thọt, còng, gù; miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp. Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân. Tuy ở nơi phồn thịnh dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó được thứ ba.
Nay đã làm người, được sanh nơi phồn thịnh lại đầy đủ sáu căn, đâu chẳng là quí sao? Người đời luôn luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng rất quí báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh. Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì. Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao. Cho nên Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui.” Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân.” Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao? Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao? Ôi trong ấp mười nhà vẫn có người trung tín, huống là cả thế gian há không có người thông minh sáng suốt hay sao? Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: “Một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại”, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: “Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.”
Rõ ràng thời gian trăm năm, toàn ở trong sát-na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận. Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ. Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu kính chẳng thật.
Gió lửa khi tan không già trẻ
Núi sông bại hoại mấy anh hùng.
Đầu xanh chưa mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương; ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo. Một bao máu mủ nhiều năm khổ luyến ân tình, bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo. Thở ra khó mong được hít vào, ngày nay không bảo đảm ngày mai.
Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,
Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt?
Chẳng nguyện vượt ra lưới nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Vua Diêm-la chợt truy tìm, Thôi tướng công há cho triển hạn. Ngoái đầu nhìn người thân chẳng thấy, đến đây rồi nghiệp báo tự mang. Quỉ vương ngục tốt mặc sức khảo tra, cây kiếm núi đao khôn chống đỡ. Hoặc nhốt dưới ngọn núi lửa, hoặc giam trong núi Thiết Vi. Vào vạc dầu sôi muôn kiếp ngàn đời, bị chặt chém một đao thành hai khúc. Đói nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Suốt ngày luôn chịu khổ đau, năm trăm kiếp chẳng thấy hình bóng. Trả xong tội nghiệp, trở vào luân hồi. Bỗng mất thân người khi trước, trở lại mang lấy đãy da. Đội lông mang sừng, hàm sắt dây yên, lấy thịt nuôi người, dùng mạng trả nợ. Sanh bị khổ dao bầm chày nện, sống bị nạn nước sôi lửa bỏng. Hằng chứa oán thù, thay nhau ăn nuốt. Khi đó mới hối hận học đạo không nhân.
Chi bằng ngay đây tu tập, chớ để đời này trôi qua. Đức Phật Thích-ca trước bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết. Cư sĩ Bàng Long Uẩn đem gia tài đổ xuống biển sâu. Chân Vũ chẳng thiết ngôi vua chỉ cầu tu hành. Lữ Công đã làm thần tiên vẫn còn tham vấn. Tô Đông Pha thường gần Phật Ấn, Hàn Văn Công lại lễ Đại Điên, Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương, Phòng Tướng hỏi pháp ở Quốc Nhất. Diệu Thiện không nhận phò mã, thành Phật chẳng ngờ. Lục Tổ mới gặp khách nghe kinh liền tỉnh ngộ. Đạo Thiền nếu không thú vị, Hiền Thánh sao chịu qui y. Hoa Lâm cảm hóa hai cọp theo luôn. Đầu Tử có ba con chim báo sáng. Lý trưởng giả giải kinh mà Thiên trù dâng cơm. Tu-bồ-đề ngồi yên mà Đế Thích tán hoa. Đạt-ma một chiếc dép về Tây. Phổ Hóa rung chuông bay đi. La-hán đến tham vấn với Hòa thượng Ngưỡng Sơn. Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại. Cảnh Sơn đến nay vẫn được Long vương thỉnh cúng. Tuyết Phong ngày xưa hay sai người gỗ phá non. Đây là những nguyên do để nghiệm biết, chớ tự khinh mà lui sụt.
Chồn hoang còn nghe Bá Trượng nói pháp. Loài ốc sò vẫn biết hộ kinh Kim Cang. Mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật được hóa làm con trời. Năm trăm chim quạ nghe tiếng pháp thảy được làm Hiền Thánh. Mãng xà nghe sám hối được sanh thiên. Rồng nghe kinh mà ngộ đạo. Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm.
Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh. Đâu biết, Tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người Tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được Bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật.
Huống là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nếu muốn vượt khỏi dòng quanh lục đạo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa. Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư. Ngộ rồi mới là vào cửa, hành được mới hay thoát tục. Bước bước đạp đến đất thật, đầu đầu đều đội hư không. Khi dùng thì muôn cảnh toàn bày, buông đi thì mảy bụi chẳng lập. Vượt đến chỗ không còn tương quan sanh tử, cơ liễu ngộ quỉ thần nhìn chẳng ra. Là phàm là Thánh đồng vào đường này, hoặc oán hoặc thân cùng chung một lỗ mũi. Thật ngộ như thế, còn kẹt giữa đường. Thôi nói tam huyền hướng thượng, cốt rõ một câu rốt sau. Hãy nói hiện nay cái gì là “một câu rốt sau”?
Non xanh chốn ấy thấy trời rộng,
Sen đỏ nở rồi nghe mùi thơm.
|