PHẢI TIN SÂU LÝ NHÂN QUẢ

Người học Nho nếu không tin nhân quả, đó không phải là không tin Phật dạy, mà chính là không tin vào học thuyết của Nho gia.

Kinh Dịch [của Nho gia] nói: “Nhà làm việc thiện ắt có thừa niềm vui, nhà làm việc ác ắt gặp nhiều tai ương.” Kinh Thư [của Nho gia] cũng nói: “Người làm việc thiện thì ban cho trăm điều tốt lành. Người làm việc xấu ác thì giáng xuống trăm tai họa.”

Theo đó, làm thiện hay làm ác chính là gieo nhân, gặp việc tốt lành hay tai ương, chính là gặt quả, [chỉ là cách diễn đạt khác nhau giữa Nho và Phật đó thôi.] Cũng giống như gọi là “mặt trời” hay “vầng thái dương”, cũng đều là chỉ chung một sự vật.

Cho nên [trong đạo Phật] nói: “Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này.” Nếu người ta tin vào thuyết nhân quả như thế thì tự nhiên không dám làm việc ác, bằng như cho rằng chuyện báo ứng chỉ là hoang đường, liền ưa thích làm chuyện dối trá, lường gạt người khác, không phải kiêng sợ gì cả.

Ví như trong một xóm làng, có một người tin nhân quả nên làm một điều thiện; một vạn người tin theo như vậy sẽ tăng thêm một vạn điều thiện. Ngược lại, có một người không tin nhân quả, làm một việc ác; một vạn người không tin như thế, sẽ tăng thêm một vạn điều ác.

Cho nên mới nói rằng: “Người người đều tin nhân quả, đó là con đường hết sức thịnh trị cho xã hội; người người đều không tin nhân quả, đó là con đường đại loạn cho xã hội.”