Năm 1910

Năm 1910 (Canh Tuất – PL.2454), đời vua Duy Tân (Vĩnh San, 1907-1916)

– Ngày 17 tháng 2 năm Canh Tuất, Hòa thượng Như Chơn – Thới Trực (?-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Hưng Long (Tân Uyên – Bình Dương), viên tịch.

– Ngày 09 tháng 4 năm Canh Tuất, Thiền sư Như Điền (1886-1955) được Bổn sư là Hòa thượng Chơn Đỉnh – Phước Thông trao Pháp quyển và ban đạo hiệu Huệ Chấn, nối pháp thiền dòng Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41.

– Ngày 23 tháng 6 năm Canh Tuất, Thiền sư Thật Tế (1874-1910), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sáng chùa Phước Linh (Cần Đước, Long An), thị tịch, trụ thế 37 năm.

– Hòa thượng Ấn Bổn – Vĩnh Gia (1840-1918) được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) được thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó có giới tử sau này là Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên,…

– Thiền sư Giác Nguyên (1877-1980) sau khi đắc giới cụ túc tại Đại giới đàn ở Tổ đình Phước Lâm (Hội An), được tăng chúng suy tôn làm Thủ tọa chùa Tây Thiên nay ở xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) nhờ hiệu Quảng Đồng An (Chợ Lớn), đặt in bộ Quy Nguyên Trực Chỉ tại Trung Quốc. Bộ sách này được in thạch bản (nguyên bản chữ Hán của Hòa thượng Tông Bổn đời Tống và bản dịch chữ Nôm của sư Từ Phong).

– Khoảng năm 1910, Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914) sau nhiều năm vân du hoằng hóa đã trở về thăm chùa Giác Lâm và chùa Giác Viên ở Gia Định.

– Thiền sư Ấn Hướng – Pháp Nhãn (1858-1912) lập thảo am Phước Sơn nay ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để hành đạo.

– Hòa thượng Chương Hiệp – Tuyên Thủ – Chánh Trì (1833-1910) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì Tổ đình Thiên Hòa (Bình Định), viên tịch, thọ 78 tuổi.

– Ấn Bình – Bửu Quang (1863-1921) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định.

– Thiền sư Chơn Thành – Phước Khánh (1868-1927) kế thế trụ trì Tổ đình Phổ Bảo ở huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam.

– Thiền sư Ấn Chí – Hoằng Chỉnh (1862-1940) được Phật tử Lê Thị Huỳnh hiến cúng cho ngôi chùa Phước Hậu tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

– Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) đại trùng tu chùa Thiên Hưng  ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế.

– Thiền sư Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư Thanh Ninh – Tâm Tịnh và được phú pháp kệ : “Tính giác vốn tự nhiên, sắc không chẳng hiện tiền, ngại chi tr  thế sự, siêng tu diệu lý huyền” (CTTĐPGTH).

– Khoảng năm 1910, Thiền sư Trừng Thuận – Thành Đạo, thuộc dòng Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, khai sơn chùa Linh Phước nay tại số 64, ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

– Thiền sư Thanh Tín (1861-1944) sáng lập chùa Thiên Phước nay tại số 22F, ấp Bình Thiện, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trên khu đất do gia đình hiến cúng.

– Thiền sư Trừng Minh – Phóng Quang (1891-?), thuộc dòng Tế Thượng – Chánh Tông, đời thứ 42, khai sơn chùa Long An hiện tọa lạc tại số 417, ấp Long Khánh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

– Thiền sư Kiểu Quang – Thới Biên (?-1927) kế thế trụ trì chùa Hưng Long nay thuộc ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Hồng Lang – Hòa Khương (1870-1940) sáng lập chùa An Linh nay thuộc xã Đông Hòa, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Hoằng Đạo (?-1939) được Hòa thượng Nhất Thừa (chùa Tây An, Châu Đốc) cử về trụ trì Phù Cừ Am Tự nay tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

– Tịnh Nghĩa (Nguyễn Công Đại), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, kế thế trụ trì Sùng Hưng Cổ tự nay tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

– Thiền sư Tâm Huy – Khánh Huy, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1910-1936).

– Thiền sư Tâm Hòa – Chánh Khâm kế thế trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen, nay thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (1910-1937).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.