Năm 1956

Năm 1956 (Bính Thân – PL.2500)

– Ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân, Hòa thượng Ngộ Giác – Chánh Quả (1885-1956) thế danh Phạm Văn Ngưu, pháp danh Chánh Quả, hiệu Ngộ Giác, sinh tại làng Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc, Đồng Tháp), viên tịch, thọ 76 tuổi, 40 hạ lạp.

– Ngày 14, 15 tháng 2 năm Bính Thân, Lễ khánh thành chùa Thiên Tôn nay tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, chùa này do Thượng tọa Chơn Tân – Thiện Khoa (1901-1964) trụ trì.

– Ngày 01 tháng 3, Thượng tọa Như Chánh – Huyền Tấn (1911-1984) tổ chức trọng thể lễ cung nghinh tượng Phật và pháp khí bị di tản từ chùa Khánh Vân về Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

– Ngày 01 tháng 4, Đại hội kỳ II của Tổng Hội PGVN được triệu tập tại chùa Phước Hòa, Sài Gòn. Đại hội suy tôn Thiền sư Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) làm Hội chủ (VNPGSL).

– Ngày 06, 07 tháng 10, tại Đại hội Ni bộ lâm thời ở chùa Huê Lâm (Sài Gòn), Ni sư Hồng Ẩn – Như Thanh (1911-1999) được đề cử làm Trưởng ban Quản trị Ni bộ Nam Việt.

– Ngày 10 tháng 11, Hòa thượng Thiện Hải – Huệ Quang (1888-1956) thế danh Nguyễn Văn Ân, pháp danh Thiện Hải, húy Ngộ Cảnh, hiệu Huệ Quang, sinh tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc Tông Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 39, Phó hội chủ Tổng Hội PGVN, viên tịch tại Ấn Độ, thọ 68 tuổi, 37 năm hoằng hóa.

– Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) cùng với Hòa thượng Huệ Quang lãnh đạo phái đoàn PGVN tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại Tích Lan và chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ.

– Hòa thượng Giác Trang – Hải Tràng (1884-1972) cùng Hòa thượng Thiện Tường, Hòa thượng Hành Trụ khai hạ tại chùa Giác Nguyên ở Sài Gòn, để đào tạo tăng tài.

– Thượng tọa Tâm Trí – Viên Giác (1911-1976) cùng chư Tôn đức trong Giáo hội, sử dụng chùa Hải Đức làm cơ sở Phật Học Viện Trung Phần, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo mai sau.

– Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) được Giáo Hội Phật Giáo Trung Phần cung thỉnh vào chức vụ Viện Trưởng Phật Học Viện Hải Đức-Nha Trang. Cũng năm này, ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Giới Đàn Hộ Quốc tại chùa Hải Đức (Nha Trang).

– Thượng tọa Tâm Hoàn – Huệ Long (1924-1981) được cử giữ chức Phó Giám đốc Phật học đường Nha Trang (1956 – 1957).

– Hòa thượng Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư Hội Phật Học Nam Việt tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn (1956 – 1984).

– Hòa thượng Trừng Nguyện – Đôn Hậu (1905-1992) thành lập và làm Chủ nhiệm Liên Hoa văn tập.

– Hòa thượng Tâm Hương – Mật Hiển (1907-1992) Trị sự trưởng GHTG Trung Việt, tham dự Đại lễ Phật đản tại Đông Hồi, trong dịp này ngài đã chiêm bái các Thánh tích tại Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao và Cao Miên.

– Hòa thượng Chơn Tảo – Nhựt Minh (1908-1993) xây dựng chùa Đại Giác tại tỉnh Sóc Trăng, để làm văn ph ng liên lạc cho Phật giáo ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

– Hòa thượng Thanh Thiện – Đức Nhuận (1897-1993) được bầu làm Phó Ban Đại diện Phật giáo Thủ Đô.

– Thượng tọa Hồng Đạo – Bửu Ý (1917-1996) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu cho Đại giới đàn tại chùa Linh Nguyên (Đức Hòa, Long An).

– Hòa thượng Ấn Ngân – Tín Thành (1885-1959) khai sơn chùa Phước Điền ở xóm Xưởng (gần chùa Hải Đức, Nha Trang).

– Năm 1956 – 1957, Hòa thượng Chơn Tá – Tôn Bảo (1895-1974) được suy tôn làm Trị sự sơn môn GHTG Quảng Nam – Đà Nẵng và Chứng minh đạo sư cho Giáo hội Đà Nẵng.

– Thượng tọa Như Nhàn – Trí Giác (1915-2005) được thỉnh làm Hội trưởng Hội Phật học Quảng Nam.

– Thượng tọa Thị Niệm – Phước Ninh (1915-1994) được chư tôn đức đề cử giữ chức Hội trưởng Phật giáo huyện Tuy An, Phú Yên (1956 – 1963).

– Hòa thượng Đồng Kỉnh – Tín Quả (1891-1978) được suy tôn chức vụ Thượng thủ GHTG tỉnh Khánh Hòa (1956-1959).

– Đại đức Như Hương – Huyền Tâm (1920-1991) được Hội Phật học tỉnh Ninh Thuận cung thỉnh làm trụ trì chùa Sùng Ân trụ sở của Giáo hội.

– Đại đức Như Hạnh – Huyền Thâm (1927-2005) được cử làm trụ trì chùa Tỉnh hội Phật học Giác Tâm, Phú Nhuận, Sài Gòn (1956-1963).

– Ni sư Đồng Chánh – Tịnh Như (1923-1986) mở lớp Sơ đẳng Gia giáo Phật học tại chùa Sắc tứ Linh Thứu nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (1956-1958).

– Thượng tọa Như Quả Thiện Hoa (1918-1973) được cử giữ chức vụ Ủy viên Hoằng pháp của Tổng Hội PGVN, cùng với Thượng tọa Nhất Hạnh xuất bản nguyệt san “Phật giáo Việt Nam”. Ngài tổ chức phát thanh Phật giáo hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn.

– Đại đức Tâm Bổn – Trí Nghiêm (1911-2003) chủ trương xây dựng Trường Bồ-đề Tuy Hòa và Cô Nhi viện Phước Điền (Tuy Hòa, Phú Yên).

– Ni sư Hồng Tích – Diệu Kim (1908-1976) đảm nhiệm cương vị Cố vấn tối cao Ni bộ Phật giáo Nam Việt.

– Sư cô Tâm Quang – Đàm Minh (1912-1992) được Ni bộ đề cử trụ trì chùa Bảo Thắng (Quảng Nam).

– Ni sư Nhựt Trinh – Liễu Tánh (1916-1982) được cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hương tại chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên) tại Khánh Hội, Sài Gòn, có 125 vị Ni tu học.

– Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) cúng dường chùa Hải Đức tại Nha Trang cho GHTG Trung Việt lập Phật học viện đào tạo Tăng tài, Văn bản đề ngày 27-7 và ngày 29-09 là lễ bàn giao.

– Đại đức Chơn Giác – Long Hải (1919-2002) được cử làm trụ trì chùa Nghĩa Trũng (Điện Bàn – Quảng Nam).

– Thiền sư Tâm Lượng – Từ Mẫn (1932-2007) được Bổn sư là Hòa thượng Trừng Kệ – Tôn Thắng ban pháp hiệu Chơn Giác, nối pháp đời thứ 43, dòng thiền Lâm Tế – Liễu Quán và phú pháp kệ như sau :

“Độ nhơn đắc độ tiên tự độ

Tâm Lượng tam thiên quảng vô biên

Từ tế chúng sanh đồng chí mẫn

Chơn Giác quang minh hiện thân tiền” (HTCTĐXQ).

– Hòa thượng Hồng Phẩm – Phước Quả được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Kỳ giới đàn chùa Linh Nguyên, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Hòa thượng Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Thiện Tường làm Yết Ma cho giới đàn chùa Giác Nguyên, phường Vĩnh Hội, Sài Gòn.

– Chùa Báo Quốc tại cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên mở giới đàn, Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1878-1979) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.

– Sư cô Diệu Liên – Tâm Hoa (1916-?) khai sơn chùa Tâm Ấn nay tại số 58, đường Ngô Quyền, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do nữ thí chủ Tạ Xuân Lan cúng dường.

– Thượng tọa Thị Đạo – Bình Khánh (1909-?) được Môn phái suy cử làm trụ trì chùa Gia Khánh ở xã Phước Lộc (tỉnh Bình Định).

– Chùa Đức Sơn tại làng Hiệp Thành, Thủ Dầu Một (Bình Dương) đại trùng tu. Chùa này do Hòa thượng Quảng Đống – Thiện Hồng (1891-1960) trụ trì.

– Hòa thượng Nguyên Anh – Giác Đức, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 44, được dân làng thỉnh về trụ trì chùa Bình Đông nay tại xã Vĩnh Phú, thị trấn An Thạnh, tỉnh Bình Dương.

– Thượng tọa Thanh Đàm – Trí Dũng (1906-2001) kiến tạo xây dựng chùa Nam Thiên Nhất Trụ nay tại quận Thủ Đức, TP. HCM.

– Chùa Long Thiền hiện tại số K2/3B, ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đại trùng tu. Chùa trùng tu các công trình : chánh điện, giảng đường, nhà khách, tăng đường, nhà trù.

– Hòa thượng Quảng Huyền – Huệ Phương kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại số 1B12, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (1956-1971).

– Đại đức Chơn Vinh – Bích Truyền (1911-1961) được suy cử làm Trưởng BTS Hội An Nam Phật học tỉnh Bình Thuận (1956-1960).

– Thượng tọa Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) sáng lập chùa Chánh Giác hiện tại số 100/83, đường Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, Tp. HCM.

– Đại đức Quảng Động – Phước Thành (1918-2014) được suy cử làm Tuần chúng GHTG tỉnh Bình Định (1956-1963).

– Đại đức Ngộ Trí –  Huệ Hưng (1917-1990) sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề, khi trở về nước được mời làm trụ trì chùa Kim Huê tại Sa Đéc, Đồng Tháp.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.