Năm 1963

Năm 1963 (Quý Mão – PL.2507)

– Ngày 05 tháng Giêng năm Quý Mão, Hòa thượng Như Hòa – Tâm Ấn (1907-1963) húy Như Hòa, hiệu Tâm Ấn, sinh tại thôn Hưng Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì Tổ đình Hưng Khánh (Bình Định), viên tịch, hưởng dương 57 tuổi.

– Ngày 19 tháng 2 năm Quí Mão, Hòa thượng Hồng Bích – Vĩnh Tràng (1881-1963) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì chùa Phước Hưng (Sa-Đéc, Đồng Tháp), viên tịch, thọ 83 tuổi.

– Ngày 22 tháng 3 năm Quí Mão, Hòa thượng Hồng Thanh – Thiện Thới (1887-1963), thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, trụ trì chùa Thạnh Hòa (Cần Giuộc, Long An), viên tịch, thọ 77 tuổi.

– Ngày 23 tháng 2 năm Quí Mão, Hòa thượng Hồng Khả – Huệ Quang (1890-1963) húy Hồng Khả, sinh tại Rạch Doi, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, Tổ khai sơn chùa Giác Nguyên (Cần Giuộc – Long An), viên tịch, thọ 73 tuổi, 53 hạ lạp.

– Ngày 10 tháng 4, Thượng tọa Tâm Trí – Minh Châu, sau 13 năm du học ở Tích Lan (tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Pali và tiến sĩ Phật học) về nước.

– Ngày 15 tháng 4 năm Quý Mão, Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) thế danh Nguyễn Văn Cự, pháp danh Ngộ Tánh, tự Hưng Long, hiệu Phước Huệ, sinh tại làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Hải Đức (Huế), viên tịch, thọ 89 tuổi, 69 hạ lạp.

– Ngày 17 tháng 5 năm Quý Mão, Hòa thượng Nhật Phổ – Trí Minh (1907-1963), thế danh Huỳnh Văn Hộ, húy Nhật Phổ, sinh tại làng Tân Hội (Bình Dương), thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 41, trụ trì chùa Long Thắng (Tân Uyên, Bình Dương), viên tịch, trụ thế 56 năm.

– Ngày 25 tháng 5, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) triệu tập một cuộc gặp mặt giữa các tập đoàn thuộc Tổng Hội PGVN và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác như Giáo Hội Nguyên Thủy, Thiền Tịnh, Đạo Tràng, Giáo Hội Theravada.v.v…để thảo luận về kế hoạch bảo vệ Phật giáo. Một Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập để chỉ đạo cho cuộc vận động Phật giáo đồ do Thiền sư Tâm Châu đứng đầu làm chủ tịch dưới quyền lãnh đạo tối cao của đại lão Hòa thượng Tịnh Khiết (VNPGSL).

– Ngày 30 tháng 5, trong thời kỳ Pháp nạn, Hòa thượng Thích Bửu Lai (1901-1990) và một số Hòa thượng khác bị bắt giam tại trại Nguyễn Văn Phú, Bình Đông – Chợ Lớn (TSDTVN).

– Ngày 11 tháng 6 (nhằm ngày 20 – 4 – Quý Mão), Hòa thượng  Hạnh Pháp – Quảng Đức (1897-1963) thế danh Lâm Văn Tuất, sinh tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nguyên trụ trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ (1953), thiêu thân cúng dường và bảo vệ Đạo Pháp tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và CMT8). Khi còn tại thế, ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Như Đạt – Minh Lý được ban pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, hiệu Quảng Đức, nối dòng thiền Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 42. Hòa thượng từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban Nghi lễ GHTGNV, đã kiến tạo và trùng tu tất cả 14 ngôi chùa.

– Ngày 14 tháng 6, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) Hội chủ Tổng hội PGVN, từ Huế vô Sài Gòn để họp giải quyết những bất đồng của các Ủy ban…

– Ngày 17 tháng 6, Thể theo lời yêu cầu của Tòa Đô chánh Sài Gòn, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) Hội chủ Tổng hội PGVN, ra Thông bạch kêu gọi Phật giáo đồ toàn quốc “chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia và thành tâm cầu nguyện cho bản Thông cáo chung được Chính phủ Diệm thi hành đúng đắn” (BNSPGGĐ-SG).

– Ngày 26 tháng 6, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) Hội chủ Tổng hội PGVN, gởi thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nêu rõ những trường hợp vi phạm Thông cáo chung đã ký và yêu cầu Tổng thống chứng tỏ thiện chí và quyền lực của chính mình bằng cách ra lệnh chấm dứt tình trạng vi phạm (BNSPGGĐ-SG).

– Ngày 16 tháng 8, Hòa thượng Tâm Nguyện – Tiêu Diêu (1892-1963) thế danh Đoàn Mễ, pháp danh Tâm Nguyện, hiệu Tiêu Diêu, sinh tại làng An Truyền, quận Hòa Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, tự thiêu tại chùa Từ Đàm (Huế), thọ 71 tuổi.

– Ngày 20 tháng 8, trong thời kỳ Pháp nạn của Phật giáo, Hòa thượng Trừng Nguyện – Đôn Hậu (1905-1992) bị bắt tại chùa Diệu Đế (Thừa Thiên – Huế) và bị đưa đi giam giữ (TSDTVN).

– Ngày 24 tháng 8, Một phái đoàn Tăng Ni và báo giới tới thăm Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) tại Bệnh viện Cộng Hòa. Cả sư bà Diệu Huệ cũng bị đưa về đây (BNSPGGĐ-SG).

– Ngày 28 tháng 8 năm Quý Mão, Hòa thượng Nhuận Tấn – Bảo Đạo (1886-1963), húy Nhuận Tấn, sinh tại Biên Hòa (Đồng Nai), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 46, trụ trì chùa Phước Tường (Lái Thiêu – Bình Dương), viên tịch, trụ thế 77 năm.

– Ngày 5 tháng 10, Đại đức Nguyên Diệu – Quảng Hương (1926-1963) thế danh Nguyễn Ngọc Kỳ, pháp danh Nguyên Diệu, hiệu Bảo Châu, sinh tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc Tông Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 44, tự thiêu tại chợ Bến Thành (Sài Gòn), hưởng dương 37 tuổi, 14 hạ lạp.

– Ngày 27 tháng 10, tại chùa Ấn Quang, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) tiếp phái đoàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cử qua 7 người.

– Ngày 31 tháng 12, các đoàn thể Phật giáo trong đó có Tổng Hội PGVN khai mạc Đại Hội PGVNTN tại chùa Xá-lợi. Đại hội này đi đến quyết nghị thống nhất Phật giáo trong một giáo hội duy nhất gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, suy tôn Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) làm tăng thống lãnh đạo một viện Tăng Thống và bầu Thiền sư Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo (VNPGSL).

– Đại đức Như Vạn – Trí Phước (1930-1980) được bầu làm Ủy viên Đặc trách các huyện thị (tỉnh Quảng Nam).

– Ni sư Như Huyền – Hồng Từ (1917-1987) được mời giữ chức vụ Đặc ủy Xã hội kiêm Thủ quỹ BĐD GHPG tỉnh Quảng Ngãi.

– Hòa thượng Tâm Trí – Viên Giác (1911-1976) được tiến cử giữ chức Thư ký Tổng Vụ Hoằng Pháp trực thuộc Viện Hóa Đạo.

– Thượng tọa Huệ Long – Tâm Hoàn (1924-1981) được cử giữ chức Phó Giám Viện và Giáo thọ tại hai Phật học viện Phước Huệ và Tổ Đình Thập Tháp. Cũng năm này, ngài được cung thỉnh  làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Long Khánh tại thị xã Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Hòa thượng Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) khai mở Phật học đường Chánh Giác tại chùa Chánh Giác (Gia Định) do ngài làm Giám đốc kiêm trụ trì. Cũng năm này, Hòa thượng kế thế trụ trì chùa Đông Hưng tại Thủ Thiêm, Sài Gòn.

– Hòa thượng Nguyên Lưu – Giác Tánh (1911-1987) được suy cử làm Tổng thư ký cho hai tổ chức GHTG và Tổng Hội Phật Giáo.

– Thượng tọa Thị Huệ – Bảo An (1914-?) được sơn môn cử làm trụ trì chùa Hưng Khánh (Bình Định).

– Ni sư Như Ái – Hoằng Thâm (1924-2000) đảm nhận trụ trì chùa Hương Quang ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

– Đại đức Viên Khánh – Thông Bửu (1936-2007) kế thế trụ trì chùa Quán Thế Âm nay thuộc quận Phú Nhuận, Tp. HCM.

– Ni sư Đồng Độ – Tịnh Khiết (1920-1986) được Hòa thượng Thích Hành Trụ giao chùa Kim Liên nay tại quận 4, Tp. HCM, cho Ni sư làm trụ trì.

– Ni sư Nhựt Kỉnh – Trí Thuần (1911-2002) được đề cử làm trụ trì chùa Dược Sư (nay thuộc quận Bình Thạnh, TP. HCM) cùng Ban giám đốc quản lý, điều hành Ni trường Dược Sư.

– Hòa thượng Quảng Nhơn – Ấn Tâm (1912-?) khai sơn chùa Bửu Hùng nay tại thôn Hiệp Phước, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

– Hòa thượng Thích Phước Trí (1920-?) đảm nhiệm chức vụ Đặc ủy giáo dục Tăng Ni kiêm Ủy viên kiểm soát của GHTG tỉnh Phú Yên.

– Đại đức Thiên Hòa – Quang Phú (1921-1975) được cử giữ chức CĐD miền Khuông Việt, phụ trách các tỉnh Cao Nguyên và Nam Trung Bộ.

– Thượng tọa Tâm Trí – Viên Giác (1912-1976) được tiến cử giữ chức Thư ký Tổng vụ Hoằng Pháp trực thuộc Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

– Thượng tọa Trí Đức – Thiện Siêu (1921-2001) được bầu làm Hội trưởng Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên.

– Sư cô Tâm Huyền – Chơn Thông (1934-1990) mở trường Sơ học Diệu Viên (Huế) để dạy con em Phật tử.

– Hòa thượng Như Thanh – Bửu Chí được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Phước Bình – Hành Trụ, Thượng Tọa Giác Hạnh, Thượng Tọa Giác Viên làm Giới sư cho giới đàn chùa Chánh Giác tại quận Bình Thạnh, tỉnh Gia Định.

– Hòa thượng Trừng Thành – Vạn Ân (1886-1967) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Hương Tích, tại ấp Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

– Hòa thượng Chơn Tá – Tôn Bảo (1895-1974) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn xuất gia chùa Long Tuyền, Cẩm Kim, tỉnh Quảng Nam.

– Hòa thượng Hoằng Thông – Minh Thành (1901-1979) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn tại chùa Tiên Linh nay thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, có khoảng 100 giới tử về thọ giới.

– Thượng tọa Hồng Quang – Bửu Đức (1909-1966) khai sơn chùa Tân Phước nay tại Ô 5, khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

– Chùa Khải Phước nay tại ấp ½, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, trùng tu. Năm 2008, chùa này lại được trùng tu.

– Hòa thượng Thích Minh Mẫn (Lê Văn Nhất), thuộc thiền phái Lâm Tế,  sáng lập chùa Minh Phước nay tại số 66/11, đường Hạ Long, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Chùa Minh Tịnh nay tại số 35, đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mở giới đàn, Hòa thượng Chơn Phước – Huệ Pháp (1887-1975) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.

– Đại đức Thị Châu – Từ Hàng (1912-1998) đại trùng tu chùa Bình An nay tại thôn Bình Thạnh, xã Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Đại đức Như Lai – Thanh Tịnh (1908-1972) khai sơn chùa An Long thuộc thôn An Thạnh, xã Phước Hậu, huyện Tuy Phước nay là khu vực 5, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Thượng tọa Quảng Ninh – Từ Nghiêm (1908-1979) kế thế trụ trì chùa Phước Tường nay tại làng An Thạnh, Lái Thiêu – Bình Dương.

– Chùa Phụng Sơn ở Gia Định (nay tại số 1408, đường 3/2, phường 2, quận 11, Tp. HCM) được Viện khảo cổ cúng dường một trăm ngàn đồng để Thượng tọa Tâm Diệp – Phước Quang (1922-?) trụ trì trùng tu chánh điện chùa.

– Hòa thượng Vĩnh Lưu tổ chức trùng tu chùa Kim Cang, hiện tại số 129/4, đường Phan Đình Phùng, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chùa nay do Thiền sư Tế Duyên khai sơn vào năm 1739.

– Hòa thượng Thiện Hòa – Huệ Minh (?-1982) được suy tôn làm Phó Tăng thống Cổ Sơn Môn Việt Nam.

– Hòa thượng Chơn Khương – Trí Thới (1878?-1963), thế danh Đặng Văn Vị, hiệu Chơn Khương, thuộc thiền phái Lâm Tế, trụ trì chùa Long Quang (Tp. Cần Thơ), viên tịch.

– Ni sư Nhựt Định – Huyền Huệ (1924-2015) được tông môn mời về trụ trì Tổ đình Hải Ấn nay thuộc phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Tp. HCM.

– Thượng tọa Chơn Miên – Trí Hưng (1908-1986) sáng lập chùa Thiền Lâm hiện tại số 570/2, đường Hùng Vương, phường 13, quận 6, Tp. HCM.

– Đại đức Nguyên Chơn – Khế Hội (1921-1999) được suy cử làm CĐD Phật giáo tỉnh hội Phú Yên.

– Thượng tọa Quảng Động – Phước Thành (1918-2014) được suy cử làm CĐD GHPG huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định (1963-1981).

– Đại đức Hạnh Nhơn – Đỗng Quán (1925-2009) được suy cử làm Giám đốc Trường Trung học tư thục Bồ Đề Nguyên Thiều Diêu Trì nay tại thị trấn Diêu Trì, huyện Phước Tuy, tỉnh Bình Định.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.