Hỏi:
Thế nào là nghĩa ba câu?
Đáp:
Nghĩa ba câu nhiều nhất ở trong kinh Kim Cang: câu thứ nhất là chấp thật, như Phật nói “thế giới”, chấp thế giới là thật; câu thứ nhì là “tức phi thế giới”, chấp thế giới là giả; câu thứ ba là “thị danh thế giới”, là câu thứ nhất là thế giới giả danh, câu thứ nhì thế giới là giả cũng là giả danh không phải thật giả, câu thứ ba giả danh không phải là thật giả danh cũng là giả danh; tức là nghĩa vô sở trụ, không trụ nơi câu thứ nhất, không trụ nơi câu thứ nhì, cũng không trụ nơi câu thứ ba; thành ra mới đúng với bản thể vô trụ.
Như ban đầu chấp núi sông là thật, đến thứ nhì núi sông là giả (không thật), tới thứ ba thì núi sông vẫn là núi sông. Người ta không hiểu cho là câu thứ nhất và câu thứ ba giống nhau, nhưng lại là khác. Vì câu thứ nhất có lấy ý của mình xen vô cho núi sông là thật, còn câu thứ nhì cho núi sông là giả, câu thứ ba là không đem ý mình xen vô cho là thật hay là giả, núi sông vẫn là núi sông (chỉ có thế lưu bố tưởng, chứ không có trước tưởng, còn câu thứ nhất và câu thứ nhì có trước tưởng). Nghĩa ba câu là vô sở trụ, là bổn thể của tâm.