Năm 1330

Năm 1330 (Canh Ngọ – PL.1874), niên hiệu Khai Hựu thứ 2, đời vua Trần Hiến Tông.

– Ngày 03 tháng 2 năm Canh Ngọ, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) phát bệnh, trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện, phải nhờ Trưởng lão Bích Phong giảng tiếp. Đến ngày 11, thì bệnh rất nặng. Ban đêm ngài Huyền Quang đứng hầu, thấy sư ngủ mà nói ra tiếng : “Hồng ! Hồng !”…Đến ngày 13, Thiền sư trở về viện Quỳnh Lâm nơi phương trượng cũ mà nằm. Đệ tử các nơi dồn về thưa hỏi xin kệ. Thiền sư vẫn đối đáp và tùy người cho kệ, không biết mệt mỏi (TSVN, LSPGVNXĐN).

– Ngày mùng 01 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh  Thiền sư Pháp Loa và gọi Thái y đến điều trị cho ngài.

– Ngày 03 tháng 3 năm Canh Ngọ, Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) thế danh Đồng Kiên Cương, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, thị tịch, hưởng dương 47 tuổi. Trước lúc tịch ngài có viết một bài kệ : “Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang”

Những tác phẩm của Tôn giả có : Đoạn Sách Lục, Tham Thiền Chỉ Yếu (Thiền Đạo Yếu Học ?), Kim Cương Đạo Tràng Đà-la-ni Kinh, Tán Pháp Hoa Kinh Khoa Số, Bát-nhã Tâm Kinh Khoa (TSVN).

– Ngày 11 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút ban hiệu cho Thiền sư Pháp Loa vừa mới viên tịch là “Tịnh Trí Tôn Giả”, tháp tên “Viên Thông”, tặng mười lượng vàng để xây tháp và đề một bài thi vãn.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.