Năm (1647 – 1726), Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng, người có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm, cứu vãn một số tác phẩm quan trọng của thiền phái này bằng cách sưu tầm, hiệu đính, khắc bản và lưu hành. Ông quê tại Hải Dương, sau khi đọc hành trạng của Huyền Quang (tổ Trúc Lâm thứ ba) trong sách Tam Tổ Thực Lục mà phát nguyện xuất gia năm 19 tuổi với thiền sư Chân Trú tại chùa Hoa Yên, một trong những tổ đình của phái Trúc Lâm. Ít lâu sau sư phụ tịch, ông tham học với thiền sư Minh Lương (phái thiền Lâm Tế, Trung Quốc) ở chùa Vĩnh Phúc. Thiền sư Minh Lương đã truyền thừa cho ông như sau: Dòng Thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời. Nhưng sau đó, ông nhận truyền thừa y bát của phái Trúc Lâm, làm trú trì hai chùa lớn của phái này là Long Động và Quỳnh Lâm. Vua Lê Dụ Tông phong ông làm Tăng Thống năm 1722.
Mặc dù là một thiền sư thọ giáo cả hai phái thiền Trúc Lâm và Lâm Tế, ông đã viết ít nhất là 3 tác phẩm về Tịnh Độ trong số 14 tác phẩm còn để lại: Long Thư Tịnh Độ Văn, Long Thư Tịnh Độ Luật Bạt Hậu Tự và Tịnh Độ Yếu Nghĩa. Hai tác phẩm về luật và nghi thức: Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới và Nghênh Sư Duyệt Định Khoa. Các tác phẩm chữ Nôm của ông gồm: Thiền Tịch Phú, Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh, Đạt Na Thái Tử Hạnh, Thiền Tông Bản Hạnh. Thiền Tông Bản Hạnh gồm 798 câu thơ lục bát nói về đường lối tu hành của các vị vua đời Trần, làm rõ yếu chỉ của dòng Thiền Trúc Lâm. Thiền Tịch Phú viết về chùa Long Động là một đỉnh cao của nghệ thuật phú chữ Nôm, có rất nhiều từ ngữ thuần túy Việt Nam.
Tư tưởng thiền của Chân Nguyên: tự tính giác ngộ có tính trong sáng, tròn đầy, hiện hữu một cách bình đẳng nơi mọi loài, mọi vật. Phát hiện được tự tính đó là giác ngộ thành đạo. Sử dụng ngôn thuyết chỉ là phương tiện bất đắc dĩ để đối trị vọng tưởng của chúng sanh, vì đọc kinh thì rất lâu mới hiểu được đạo, mà “nói ra thì mắc kẹt”. Công án, hay những mẩu đối đáp kỳ lạ giữa các tổ và môn đệ, đích thực là ngôn ngữ Thiền, là phương tiện hữu hiệu để đập vỡ thói quen và thành kiến, đưa con người ra khỏi bế tắc tâm linh. Công án được Chân Nguyên ưa thích nhất : Trước khi trời dất chưa sinh, mẹ cha chưa có, bản lai diện mục của mình là cái gì ? là của tổ Bách Trượng (Trung Quốc) trao cho Hương Nghiêm. Thiền sư Chân Nguyên cho rằng chìa khóa của sự đạt đạo là nuôi sáng ý thức mình về sự hiện hữu của cái tự tính trong sáng tròn đầy nói trên, được như vậy thì mọi hành động của ta tự nhiên đi vào giác ngộ.
Chân Nguyên là một đại tăng được đương thời kính trọng. Ngô Thời Sỹ, từng ra lệnh cấm con cháu không được theo Phật và Lão, vẫn kính cẩn nhắc tới “Chân Nguyên Thượng Nhân” trong Việt Sử Tiêu Án. Ông có nhiều đệ tử xuất sắc tiếp tục thành công việc phục hồi các tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm đời Trần.
Trước khi tịch, Chân Nguyên trao y bát Trúc Lâm cho thiền sư Như Hiện. Như Hiện đã được chúa Trịnh Giang tận tình giúp đỡ trùng tu lại hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm là Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm năm 1730, với gần 10 ngàn thợ làm trong 1 năm trời.