Năm 1733 (Quý Sửu – PL.2277), niên hiệu Long Đức (1732-1735) thứ 2, đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735).
– Thiền sư Như Trừng – Lân Giác (1696-1733), thế danh Trịnh Thập, húy Như Như, hiệu Cao Thiền, con của Phổ Quang Vương, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sáng phái Liên Tông (chùa Liên Phái), thị tịch, hưởng dương 37 tuổi. Trước lúc tịch Thiền sư để lại kệ : “Vốn từ không gốc, từ không mà đến, lại từ không mà đi, ta vốn không đến đi, tử sanh làm gì lụy”. Tác phẩm của Thiền sư có : Ngũ Giới Quốc Âm, Thập Giới Quốc Âm, Phật Tâm Luận, Kiến Đàn Giải Uế Nghị, Mãn Tán Tạ Quá Nghi,…(TSVN, LSPGVNXĐN).
– Chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) nghe danh đạo hạnh chân chánh của Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì, nên Chúa sắc lệnh xây cất lại chùa Dũng Tuyền (nay ở vùng biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) trang nghiêm, đặt tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, và ban cho tấm hoành “Linh Phong Thiền Tự”; Chúa lại ban cho Thiền sư Tịnh Giác (Ông Núi) hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền sư.
– Thiền sư Pháp Thông – Thiện Hỷ thuộc Tông Tào Động, đời thứ 36, khai sơn chùa Long Ẩn thuộc thôn Tân Lại, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là xã Tân Bửu, TP. Biên Hòa) (chưa rõ năm Quý Sửu, 1733 hay 1793).