Năm 1845

Năm 1845 (Ất Tỵ – PL.2389), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 5, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

– Tháng 7 năm Ất Tỵ, tháp Từ Nhân ở chùa Thiên Mụ (Phú Xuân – Huế) xây xong, vua cho đổi tên tháp là “Phước Duyên Bảo Tháp” và viết văn bia kể về việc xây tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện.

– Thiền sư An Thiền, trụ trì chùa Đại Giác ở làng Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, viết sách Tam Giáo Thông Khảo, cũng có tên là Đạo Giáo Nguyên Lưu, 3 quyển.Quyển thứ nhất, nói về đạo Phật; quyển thứ hai và ba, nói về Khổng và Lão giáo.

– Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1862) đến hoằng hóa ở núi Cổ Thạch, cách xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải về phía đông bắc 2 km.

– Vua Thiệu Trị xuống sắc cho đổi tên chùa Qui Tông trở lại tên cũ là chùa Kim Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa), nên được gọi là “Sắc tứ Kim Sơn tự”. Chùa này do Thiền sư Thiệt Địa – Pháp Ấn (?-1790) sáng lập.

Tăng cang Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) đệ đơn thưa với vua về việc xã Khê Xá không chịu trả lại cho chùa Pháp Vân 21 mẫu ruộng của chùa hồi trước. Vua trao cho Ty Tam pháp cứu xét, Ty Tam pháp giao cho phủ Thừa Thiên xét xử.

– Thiền sư Toàn Chiếu – Bảo Ấn (1798-1866) đến làng Chú Tượng thỉnh Đại hồng chung về Tổ đình Thiên Ấn trên núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

– Thiền sư Tiên Tường – Bửu Quang, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 37, kế thế trụ trì chùa Đức Lâm nay tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho (1845-1862).

– Thiền sư Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) đứng ra quyên mộ trùng kiến Tổ đình Chúc Thánh nay tại đường Hai Bà Trưng, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam và đổi hướng chùa từ hướng Tây sang hướng Tây Nam. Năm 1849, ngài tiếp tục khởi công trùng tu tiền đường chùa này, tăng gấp đôi diện tích chánh điện.

– Thiền sư Bảo Thanh khai sáng chùa Long Bàn hiện tại thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.