Năm 1846 (Bính Ngọ – PL.2390), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) năm cuối, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).
– Ngày 19 tháng 2 năm Bính Ngọ, Hòa thượng Viên Ngộ – Tánh Thành (1786-1846) thế danh Nguyễn Ngọt Dót, húy Tánh Thành, sinh tại xã Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Lan Nhã (nay là chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, Long An), viên tịch, thọ 61 tuổi.
– Tháng 5 năm Bính Ngọ, nhân lễ tứ tuần (40 tuổi) vua cho lập trai đàn mừng “Thánh thọ tứ tuần” ở chùa Diệu Đế (Phú Xuân – Huế), kéo dài một thất (7 ngày). Kế đến các hoàng nam và hoàng nữ xin mở tiếp trai đàn thêm một thất nữa. Đến ngày 22, Tăng cang Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) cùng Tăng cang chùa Giác Hoàng và Tăng cang chùa Diệu Đế (ở phủ Phú Xuân) xin tiếp tục tụng kinh chúc thọ cho vua thêm một thất nữa và các vị này tự lo liệu mọi phí tổn cho trai đàn (LSPGĐT).
Thiền sư Tánh Huệ – Nhứt Chơn (?-1852) ở chùa Linh Hựu, được vua cử làm Tăng cang chùa Diệu Đế ở phủ Phú Xuân, nay thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên.
– Thiền sư Liễu Kiến – Từ Hòa được suy cử làm trụ trì chùa Quốc Ân (1846-1863) thuộc thôn Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (nay là phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên).
– Thiền sư An Thiền – Phúc Điền khai sơn chùa Liên Trì ở Hà Nội. Năm sau (1847), Thiền sư về hoằng hóa ở chùa Báo Thiên (Hà Nội).
– Thiền sư Ấn Lực – Trí Sơn (1828-1901) trùng tu xây dựng chùa Rạch Kè (Bến Chùa) ở Rạch Kè, ngài dời về phường Mỹ Chánh, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện nay và đặt hiệu là Phước Long tự.
– Thiền sư Bửu Châu (?-1869), người Trung Hoa, vân du hành đạo đến Hà Tiên được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì Phù Cừ Am Tự nay tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.