Năm 1852 (Nhâm Tý – PL.2396), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 6, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).
– Ngày 18 tháng 4 năm Nhâm Tý, Hòa thượng Tiên Đề – Chơn Phẩm (1782-1852), thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 37, trụ trì chùa Long Hưng (Bến Cát, Bình Dương), viên tịch, trụ thế 70 năm.
– Ngày 27 tháng 9 năm Tân Hợi, Hòa thượng Tánh Huệ – Nhứt Chơn (?-1852), thế danh Nguyễn Văn Chơn, pháp danh Tánh Huệ, hiệu Nhứt Chơn, quê ở ấp Kiên Chánh, huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 39, Tăng cang chùa Thiên Mụ, Tổ khai sơn chùa Từ Quang (Thuận Hóa), viên tịch.
– Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh (1778-1875) cử đệ tử là Thiền sư Minh Vi – Mật Hạnh làm trụ trì chùa Giác Viên ở Gia Định, nay thuộc phường 3, quận 11, Tp. HCM.
– Thiền sư Liễu Triệt – Từ Minh (?-1882) lập thảo am Viên Quang (sau này xây dựng thành chùa Linh Quang) ở làng Phú Xuân – Huế.
– Tăng cang Tiên Giác – Hải Tịnh (1778-1875, chùa Giác Lâm) và Tăng cang Hải Châu – Minh Giác (Sắc tứ Kim Chương) cho đệ tử lập chùa am ở những vùng mới khai phá. Vùng Cai Lậy có Minh Trừ – Quảng Huệ, vùng Tân An có Minh Lương – Chánh Tâm, vùng Tháp Mười có Thanh Đường – Diệu Hán, vùng An Giang có Liễu Huệ – Minh Ngọc, Minh Thông – Hải Huệ (BNSPGGĐ-SG).
– Thiền sư Tánh Thông – Nhứt Trí (?-1873), trụ trì chùa Thánh Duyên (Phú Xuân, Huế), được vua Tự Đức cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế.
– Hòa thượng An Thiền – Phúc Điền về trụ trì chùa Liên Phái ở Hà Nội. Hòa thượng tổ chức và chỉnh đốn lại chùa này.
– Thiền sư Minh Lịch – Chánh Từ (1820-1884) kế thế trụ trì chùa Long Hưng nay tại ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
– Bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều (1648-1728) tọa lạc tại xứ Cửa Hóa (Hóa Môn), thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay nằm cạnh đường Võ Văn Kiệt, phường Thủy Xuân, Tp. Huế) được trùng tu.