Năm 1859

Năm 1859, Hòa Thượng An Thiền Phúc Điền (1790 – 1860) chùa Liên Tông (Hà Đông) chỉ đạo các đệ tử ông tại chùa Bồ Sơn (Bắc Ninh) thực hiện bản khắc gỗ 5 tác phẩm Thiền Tông đời Trần gọi là Truyền Đăng Ngũ Quyển Tân Tư gồm: Thiền Uyển Tập Anh, Thánh Đăng Lục, Tam Tổ Thực Lục, Thiền Điển Thống Yếu Kế Đăng Lục và một số tài liệu khác ông gọi là “ngoại khoa tạp lục”. Ông viết bài tựa cho tác phẩm này. Những bản khắc gỗ này được bảo quản gần 100 năm thì bị một số người lấy làm củi nấu cơm trong thời chiến tranh 1946 – 1954!

Bộ sách quan trọng của ông Đạo Giáo Nguyên Lưu (3 quyển), còn có tên là Tam Giáo Thông Khảo, có lẽ được in năm 1845 vì bài tựa do Nguyễn Đại Phương viết vào năm này. Quyển thứ nhất nói về đạo Phật qua các đề mục về: việc du học của thiền sư Tính Tuyền Trạm Công, các bản kinh khắc ở nước ta, khởi thủy Thiền học nước ta, các tháp Phật ở nước ta, Thiền phái Vô Ngôn Thông, các danh tăng ở triều đình, các danh tăng đời Lê, các danh tăng đời Lý, các danh tăng đời Trần, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Thảo Đường, những truyền thuyết kỳ bí liên quan đến các thiền sư nước ta qua các triều đại, danh từ Phật học và các thần thoại Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam. Quyển hai và ba nói về Khổng và Lão Giáo. Bộ sách này sẽ được Lê Mạnh Thát dịch và giới thiệu trong tương lai trong bộ Tổng Tập Văn Học Phật Giáo.

Ông là người khai sơn chùa Thiên Quang (núi Đại Hùng, Hà Nội). Nhất Hạnh (VNPG SL 2, tr. 252 và 255) cho rằng An Thiền Phúc Điền là hai người (An Thiền và Phúc Điền).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.