Năm 1862 (Nhâm Tuất – PL.2406), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 16, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).
– Ngày 05 tháng 6, Triều đình Huế ký Hàng ước nhường cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Lúc bấy giờ, Sài Gòn – Gia Định có nhiều chùa bị phá hủy, nhiều tăng sĩ bị giết như : Sắc tứ Từ Ân, Sắc tứ Kim Chương (ở khu vực thành Ô Ma) bị giặc chiếm, chư tăng phải chạy về Cái Bè (Mỹ Tho) và kiến tạo chùa mới Hội Thọ tự; chùa Giác Lâm và Giác Viên ở xa vùng lửa đạn, nhưng chư tăng cũng rút về miền Tây hoặc theo lực lượng kháng chiến, chỉ còn Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh (73 tuổi) ở lại (BNSPGGĐ-SG).
– Thiền sư Liễu Trí – Huệ Nhựt (?-1862), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) thị tịch.
– Thiền sư Chương Tư – Huệ Quang (?-1873) được triều đình cải bổ nhiệm trụ trì Tổ đình Tam Thai núi Ngũ Hành, huyện Hòa Vang, Quảng Nam.
Thiền sư Chương Quảng – Mật Hạnh (1822-1884) được triều đình bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng trong quần thể Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang, Quảng Nam.
– Hòa thượng Tánh Thiện – An Cư (?-1862), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 39, trụ trì chùa Thuyền Tôn (Thừa Thiên – Huế), viên tịch.
– Thiền sư Hải Nhuận – Phước Thiêm kế thế trụ trì chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa – Huế.
– Thiền sư Chương Tín – Hoằng Ân (?-1862), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam) thị tịch.