Năm 1885 (Ất Dậu – PL.2429), năm cuối đời vua Hàm Nghi (Ưng Lịch, 1884-1885); năm đầu đời vua Đồng Khánh (Ưng Xụy, 1885-1888).
– Mùa xuân năm Ất Dậu, Thiền sư Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) được sự trợ duyên của Hoàng Thái hậu Từ Dũ, Hoàng Thái hậu Trang Ý, các cung phi, các thái giám, cung giám và nhân viên trong viện cung giám, ngài trùng tu lại chùa Từ Hiếu nay thuộc xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Tháng 4 năm Ất Dậu, Thiền sư Hải Thuận – Lương Duyên (1806-1892) xin đại trùng tu chùa Huệ Lâm (Huế).
– Tháng 4, Thiền sư Ngộ Thiệu – Minh Lý (1836-1889) được vua phong chức Tăng cang và cấp giới đao, độ điệp.
– Ngày 16 tháng 7 năm Ất Dậu, Hòa thượng Liễu Thành – Chơn Giác (1795-1885), họ Lê, pháp danh Liễu Thành, hiệu Chơn Giác, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, Tăng cang chùa Liên Trì (Bình Thuận), viên tịch, thọ 90 tuổi.
– Thiền sư Ấn Long – Thiện Quới (1837-1906), trụ trì chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương), khắc bản kinh Tam Bảo để in ấn tống cho các chùa trì tụng. Đây là bộ kinh ra đời sớm nhất, minh chứng cho sự hưng thịnh của Phật giáo Bình Dương thời bấy giờ.
– Khoảng niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888) Hòa thượng Diệu Giác và Đại sư Tâm Truyền trùng tu chùa Kim Tiên ở ấp Bình An, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Tháng trọng xuân năm Ất Dậu, Chùa Từ Hiếu tại Thuận Hóa – Huế dựng bia “Cung Giám viện Thái giám đẳng cẩn tục bi chú”.
– Hòa thượng Liễu Đoan – Tường Vân (1820-1913) kế thế trụ trì chùa Liên Trì tại thôn Long Đàm, tổng Trung, huyện Hòa Đa, xứ Phan Thiết, phủ Bình Thuận.
– Thiền sư Ngộ Trí – Tánh Minh (?-1925) khai sơn chùa Mỹ Phước nay tại số 58, ấp 2, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Thiền sư Chơn Vị – Minh Vạn (1837-?), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, khai sơn chùa Phước Hưng nay tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Thiền sư Hồng Hải khai sơn chùa Bửu Thành hiện tại số ½, khu phố 8, đường Cầu Xây, phường Tân Phú, quận 9, Tp. HCM.