Năm 1887

Năm 1887 (Đinh Hợi – PL.2431), đời vua Đồng Khánh (Ưng Xụy, 1885-1888).

– Ngày 05 tháng 10 năm Đinh Hợi, Hòa thượng Thông Ân – Hữu Đức (1812-1887) thế danh Trần Hữu Đức, pháp danh Thông Ân, hiệu Hữu Đức, quê ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 40, Tổ khai sơn chùa Linh Sơn Trường Thọ (núi Trà Cú – Bình Thuận), viên tịch, thọ 74 tuổi, 53 tăng lạp.

– Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914) nhận một ngôi chùa mới ở tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, do bà Trần Thị Liễu ở làng Tân Hòa Đông hiến cúng. Thiền sư bèn đặt tên là chùa Giác Hải, đồng thời cử đệ tử là Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) đến trụ trì.

– Thiền sư Ấn Bổn – Vĩnh Gia (1840-1918) kế thế trụ trì chùa Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam.

– Tuy Lý Vương Miên Trinh lập chùa Phước Huệ tại thôn Vỹ Dạ, kinh thành Huế, để cho Thiền sư Chơn Tâm – Pháp Thân (1869-1895, cháu nội của Tuy Lý Vương) tu hành.

– Ni sư Viên Thông, trụ ở chùa Đông Thuyền (Thuận Hóa – Huế) là đệ tử của Thiền sư Tánh Hoạt – Huệ Cảnh, được vua ban cho một ngân bài có bốn chữ “Tiết Hạnh Khả Phong”.

– Thiền sư Chương Nhẫn – Quảng Hóa (?-1887), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì Tổ đình Phước Lâm (Quảng Nam) viên tịch.

– Thiền sư Chơn Đĩnh – Phước Thông (1866-1951), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, Tổ khai sơn chùa Phước Thiện (Quảng Nam), viên tịch, thọ 86 tuổi.

– Thiền sư Liễu Tánh – Kỳ Phương (1815-1887), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Long Phước (Vĩnh Long), viên tịch, thọ 73 tuổi.

– Thiền sư Trừng Thâu (?) – Chơn Ngữ (?-1902) khai sơn chùa Thiên Long nay tại số 267, ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, do Phật tử Nguyễn Văn Hiệp hiến cúng đất.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.