Năm 1894 (Giáp Ngọ – PL.2438), đời vua Thành Thái (Bửu Lân, 1889-1907).
– Tháng 4 năm Giáp Ngọ, chùa Báo Quốc ở ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân – Huế mở Đại giới đàn, Hòa thượng Hải Thuận – Lương Duyên (1805-1895) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Thiền sư Hải Thiệu – Cương Kỷ làm Yết Ma, Thiền sư Hải Toàn – Linh Cơ làm Giáo thọ, Thiền sư Ấn Bổn – Vĩnh Gia làm Đệ nhị tôn chứng.
– Tháng 8 năm Giáp Ngọ, Thái giám Hồ Xuyên đứng ra quyên tiền trong cung điện vua Thành Thái và Phật tử để trùng tu chùa Từ Hiếu ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế. Công trình trùng tu này do 2 đệ tử của Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) là Thiền sư Tâm Tịnh và Thiền sư Huệ Minh trông nom.
– Ngày 12 tháng 11 năm Giáp Ngọ, Thiền sư Đạt Chiếu – Tịnh Điện (?-1894), trụ trì chùa Kiển Phước (ở làng Long Kiển, trấn Phiên An), thị tịch.
– Tháng 11, Ngài Thanh Minh – Huệ Văn (1832-1911) được Bổn sư là Hòa thượng Diệu Giác (ở chùa Diệu Đế) ban pháp hiệu Tâm Truyền và phú pháp kệ :
“Minh lai quảng lãng hội long quân
Pháp hiệu Huệ Văn phú nhữ kim
Pháp pháp vô pháp giai thị pháp
Thứ diễm truyền đăng cách khả tầm” (TSDTVN).
– Bộ sách Thiền Môn Trường Hàng Luật bằng chữ Hán, được Hòa thượng Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914) chỉnh biên tóm lược lại bằng chữ Nôm và đặt tên là Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược, Thiền sư Huệ Lưu (chùa Huệ Nghiêm – Thủ Đức) đề tựa, khắc mộc bản in và phổ biến rộng rãi.
– Ngài Tâm Tịnh (1868-1928) được Hòa thượng Diệu Giác (1805-1895) thế độ, nối dòng thiền Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, và phú pháp bài kệ :
“Hòa Thanh Ninh mật tứ phương an
Hữu vinh tâm tâm đạo tức nhàn
Tâm tợ bồ-đề khai huệ nhật
Bao hàm thế giới như thị quan” (TSDTVN).
– Ngài Thanh Thái – Phước Chữ (1858-1940) được Bổn sư là Hòa thượng Hải Toàn – Linh Cơ phú pháp kệ như sau :
“Định tâm Phước Chữ tịnh an nhiên
Xử thế tùy cơ liễu mục tiền Đạo niệm tinh tu tình niệm đoạn
Như kim phó chúc vĩnh lưu truyền”.
Ngài được nối dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 41. Cũng năm này, ngài được cử làm tri sự chùa Từ Hiếu (Thuận Hóa – Huế). Trước đây (1882), ngài được Hòa thượng Linh Cơ thế độ, ban pháp danh Thanh Thái, tự Phước Chữ, và liền cử giữ chức tri sự chùa Tường Vân (Thuận Hóa – Huế) (TSDTVN).
– Thiền sư Chơn Luân – Phước Huệ (1870-1945) được cử làm trụ trì chùa Phổ Quang (Bình Định).
– Thiền sư Ấn Đoan – Hoằng Nghĩa (1861-1900) kế thế trụ trì chùa Phổ Bảo ở tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam.
– Thiền sư Quảng Huy – Từ Khánh (1819-1894), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 45, trụ trì Tổ đình Thiền Lâm (TP. Phan Rang, Ninh Thuận), viên tịch, thọ 76 tuổi, 54 hạ lạp.
– Thiền sư Trừng Lâm – Chơn Hương (1816-1907), kế thế trụ trì Tổ đình Thiền Lâm trên đồi Mai Quy, thuộc TP. Phan Rang.
– Chùa Tường Vân thuộc làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Trà, xứ Thuận Hóa – Huế, được ban “Sắc tứ”.
– Thiền sư Ấn Thanh – Chí Thành (1841-1895) chứng minh và chú nguyện đúc quả đại hồng chung tại Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam.
Thiền sư Thiền Định – Tùng Sơn (1840?- …?) đến trú trên núi cao trong hang động thuộc làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
– Hòa thượng Thanh Trí trùng tu chùa Quảng Tế nay thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ của Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu (Thánh cung vợ vua Đồng Khánh).
– Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) trùng tu chùa Từ Hiếu ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế với sự hỗ trợ của vua Thành Thái, các Thái giám và quan lại. Chùa này tiếp tục được trùng tu vào những năm : 1931, 1962, 1971.
– Thiền sư Thanh Đức – Tâm Khoan (1874-1937) được Hòa thượng Hải Thuận – Lương Duyên phú pháp kệ : “Thầy Thanh có đức phụng vâng thiền, Mừng chúc hòa vui đạo mãi truyền.
Đắc pháp hãy nương vi diệu pháp,
Cần chi pháp khác nhọc cầu huyền” (CTTĐPGTH).
– Hòa thượng Đạt Lý – Quảng Khai (1801-1898), trụ trì chùa Phước Tường (tại làng An Thạnh, Lái Thiêu – Bình Dương) tổ chức đúc đại hồng chung cho chùa này.
– Thiền sư Chánh Thiện – Tâm Thành (1874-1936) khai sơn chùa Tân Thạnh nay tại ấp Trung A, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
– Tổ đình Chúc Thánh nay tại đường Hai Bà Trưng, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, được Thiền sư Chương Khoán và Thiền sư Quảng Đạt trùng tu, xây dựng thêm hậu Tổ.