Năm 1896

Năm 1896 (Bính Thân – PL.2440), đời vua Thành Thái (Bửu Lân, 1889-1907).

– Tháng Giêng năm Bính Thân, Thiền sư Thanh Nhàn – Tâm Quảng (?-1896), quê ở Bích Khê, Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì chùa Báo Quốc (Phú Xuân – Huế), thị tịch.

– Ngày 03 tháng 3 năm Bính Thân, Thiền sư Chơn Trực – Tâm Lý (1843-1896), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Bửu Nghiêm (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, trụ thế 53 năm.

– Ngày 25 tháng 4 năm Bính Thân, Hòa thượng Hải Toàn – Linh Cơ (1823-1896), họ Nguyễn, pháp danh Hải Toàn, hiệu Linh Cơ, người xã Phú Trạch, tổng Xuân Phú Trung, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 40, trụ trì chùa Tường Vân (Thuận Hóa – Huế) viên tịch, thọ 74 tuổi.

– Môn đồ chùa Thiên Hưng đến tổ đình Từ Hiếu lễ Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ để xin rước Thiền sư Huệ Pháp về trụ trì chùa Thiên Hưng (Phú Xuân – Huế).

– Thiền sư Quảng Tú – Hải Linh (?-1896) thế danh Lê Văn Núi, pháp danh Quảng Tú, thuộc thiền phái Lâm Tế, trụ trì chùa Phụng Sơn, thị tịch.

– Hòa thượng Tâm Truyền (1832-1911) được Bộ Lễ triều đình cử sang làm trụ trì chùa Báo Quốc thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân – Huế (1896-1907).

– Thiền sư Minh Thông – Hải Huệ, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 38, về hoằng dương Phật pháp ở vùng Sa – Đéc, Đồng Tháp Mười (quê nhà của Thiền sư).

– Thiền sư Như Đạt – Hoằng Thâm (1857-1921) khai sơn chùa Thánh Kinh (Khánh Hòa).

– Thiền sư Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) được thỉnh làm Tọa chủ chùa Thiên Hưng  ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, xứ Thuận Hóa – Huế.

– Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) chứng minh cho việc xây “Tháp Bồ-đề” ở ngoài đồi thông trước cổng chùa Từ Hiếu (Huế). Ngôi tháp này được xây dựng là do Thái giám Nguyễn Xuân Phụng tâu xin Hoàng hậu của vua Thành Thái. Do đó, công trình này được sự ngoại hộ cúng dường của Cung Giám viện và các bà Hoàng Thái hậu trong cung nội.

– Tử Nghi Hoàng Thái Hậu ban cho chùa Phước Sơn nay thuộc thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, bộ y casa màu đỏ, chiếc mũ Quan Âm và đồng kim tiền có khắc 2 chữ Vạn Thọ. Chùa này do Thiền sư Đạo Tâm – Pháp Tạng trụ trì (Lược sử Phật giáo và Các chùa Phú Yên).

– Thiền sư Thanh Thái – Phước Chỉ (1858-1921) kế thừa trụ trì chùa Tường Vân ở vùng đồi Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế.

– Thiền sư Đạt Thới – Chánh Thành (1872-1949) được Sư tổ Liễu Ngọc – Châu Hoàn bổ xứ về trụ trì chùa Vạn An ở xã Tân An Đông, tỉnh Sa Đéc.

– Thiền sư Như Hòa – Phước Hóa (1867-1922) sáng lập chùa Tân Sơn nay tại số 53/3, ấp G  Sào, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do gia tộc họ Châu, đại diện là ông Châu Văn Quyền hiến cúng khu đất có diện tích 4.384m2.

– Thiền sư Ấn Thanh – Thới Khiêm (1860-1934) kế thế trụ trì chùa Bửu Nghiêm nay thuộc phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.