Năm 1927

Năm 1927 (Đinh Mão – PL.2471), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày mùng Một Tết Nguyên Đán năm Đinh Mão, Hòa thượng Thanh Tú – Huệ Pháp (1871-1927) thế danh Đinh Văn Lực, pháp danh Thanh Tú, tự Phong Nhiêu, hiệu Huệ Pháp, người làng Trung Kiên, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì chùa Thiên Hưng (Thuận Hóa – Huế), viên tịch, hưởng dương 56 tuổi, 33 hạ lạp.

– Ngày 19 tháng Giêng năm Đinh Mão, chùa Từ Vân, xã Thạch Giáng, Đà Nẵng, do Thiền sư Như Tiến – Quảng Hưng (1893-1946) khai sơn, được triều đình ban biển ngạch Sắc tứ. Cũng  năm này, Thiền sư Như Niệm – Bảo Toàn (1899-1970) được Bộ Lễ cấp bằng làm tự trưởng chùa Từ Vân.

– Ngày 16 tháng 2, Thượng tọa Như Đắc – Từ Nhẫn (1899-1950) được chư Sơn và quan viên làng Phước Lại làm tờ thỉnh nguyện, có viên chủ quận Cần Giuộc chứng thực, viên chủ tỉnh Chợ Lớn chuyển đạt lên triều đình chiếu phê tôn tặng ngài là “Quốc Ân Đại Hòa thượng”. Cũng năm này, ngài được cung thỉnh làm Thiền gia Pháp chủ kiêm Bồ-tát Hòa thượng tại trường Hương ở chùa Long Khánh (Qui Nhơn, Bình Định).

– Ngày 13 tháng 3 năm Đinh Mão, Thiền sư Thị Thọ – Nhơn Hiền (1859-1929) tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại chùa Hội Phước (Nha Trang, Khánh Hòa) với sự tham dự của đông đảo quần chúng.

– Ngày 12 tháng 7 năm Đinh Mão, Hòa thượng Trừng Hoằng – Nhơn Nguyện (?-1927) thế danh Huỳnh Phát, húy Trừng Hoằng, tự Thiện Hóa, hiệu Nhơn Nguyện, sinh tại làng Phú Hòa, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, Tổ khai sơn chùa Linh Quang (Diên Khánh, Khánh Hòa), viên tịch.

– Ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Mão, Hòa thượng Kiểu Quang – Thới Biên (?-1927), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì chùa Hưng Long (Tân Uyên – Bình Dương), viên tịch.

– Thiền sư Quảng Châu – Hoằng Thông (1902-1988) được Hòa thượng Quảng Ân và Ban hội tề làng Tân Hòa Thành cử về trụ trì chùa Long Hội nay tại xã Tân Hòa Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

– Thiền sư Chân Đạo – Chánh Thống (1901-1968) vào học với Hòa thượng Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) ở chùa Thập Tháp nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Hòa thượng Chơn Thành – Phước Khánh (1868-1927) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì Tổ đình Phổ Bảo (Bình Điền, Quảng Nam), viên tịch, thọ 60 tuổi.

– Thiền sư Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979) kế thế trụ trì chùa Thiên Bình ở làng Trung Lý, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Thiền sư Chơn Cảnh – Trí Thắng (1891-1975) được Phật tử Tâm Đạt (Võ Thị Hượt, phu nhân quan đạo Nguyễn Toại) hiến cúng thảo am và ngài đổi tên thành chùa Thiên Hưng (nay thuộc Tp. Phan Rang, Ninh Thuận).

– Ni sư Hồng Từ – Diệu Nga (1885-1951) thành lập trường Phật học Ni tại chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), cung thỉnh các vị Cao tăng thiền đức như : Thượng tọa Chí Thiền, Khánh Anh, Huệ Viên đến giảng dạy.

– Thiền sư Trừng Chấn – Chánh Nhơn (1882-1948) mở trường Hương 3 tháng tại chùa Long Khánh (Qui Nhơn – Bình Định), Thiền sư Chơn Phước – Huệ Pháp (1887-1975) được thỉnh làm Chánh kỳ trường Hương. Cuối trường mở giới đàn trao truyền giới pháp và Thiền sư Chánh Nhơn được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng, Hòa thượng Từ Nhẫn làm Yết Ma.

– Thiền sư Trừng Thông – Viên Thành (1879-1928) soạn “Thiên Hưng tự Giáo thọ Hòa thượng bi minh” văn bia tháp của Hòa thượng Thanh Tú – Tuệ Pháp (1871-1927) tại chùa Từ Hiếu ở Thuận Hóa – Huế.

– Thiền sư Quảng Tu khởi sự trùng tu chùa Thiên Hưng tại núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thời trùng hưng chùa được ban biển ngạch “Sắc tứ” và Thiền sư được cấp giới đao độ điệp.

– Thiền sư Trừng Thành – Vạn Ân (1886-1967) được mời làm Giảng sư tại Phật học đường chùa Pháp Hoa (Bạc Liêu). Kế đó, ngài được mời giảng dạy tại Phật học đường chùa Tây Thiên và chùa Kim Sơn (Ninh Thuận).

– Hòa thượng Quảng Đạt – Kiểu Tông được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Kỳ giới đàn chùa Bửu Linh thuộc xã Hòa Tú, tỉnh Bạc Liêu.

– Chùa Khánh Quới thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho khai Trường Kỳ giới đàn, Hòa thượng Pháp Long được thỉnh làm Yết Ma.

– Hòa thượng Như Tín – Khánh Thông (1870-1953) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Thắng Quang thuộc xã Giồng Tre, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

– Hòa thượng Thiện Tòng (1891-1964) được cung thỉnh làm Chánh chủ đàn, Hòa thượng Quảng Ân làm Giáo thọ cho Chúc thọ giới đàn chùa Long Phước thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

– Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Kỳ giới đàn chùa Phi Lai tại Châu Đốc, tỉnh An Giang.

– Thiền sư Hồng Phước (1885-1944) khai sơn chùa Phước Hậu nay tại số 674, ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

– Thiền sư Nhật Tinh – Trí Tấn (1906-1995) kế thế trụ trì chùa Hưng Long nay thuộc ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Nhật Phổ – Trí Minh (1907-1963) kế thế trụ trì chùa Long Thắng tại xã Tân Hội, cù lao Rùa (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

– Thiền sư Như Lương – Thiện Hạnh (1869-1941) cùng bà con Phật tử dời chùa Long Sơn (chùa Ông Mõ) đến ngọn đồi xây dựng lại chùa này, hiện tọa lạc tại xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (1927-1930).

– Sư cô Hồng Minh (Nguyễn Thị Mê), thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, khai sơn chùa Linh Sơn nay thuộc xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Phước Hóa (?-1928) và cư sĩ Như Nghĩa sáng lập chùa Thanh Hòa (chùa Long Thuyền) nay tại xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

– Hòa thượng Như Xướng sáng lập chùa Bửu Đà hiện ở số 419/4, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, Tp. HCM.

– Thiền sư Hồng Xứng – Thiện Quang (1895-1953) lên núi Cấm ở Châu Đốc, An Giang, dưới chân vồ Bồ Hông lập thảo am (sau này xây dựng thành chùa Vạn Linh) để hoằng hóa Phật pháp (Kỷ Yếu Trùng Tu chùa Vạn Đức, Vạn Linh, NXB Tổng Hợp Tp. HCM).

– Đại giới đàn Minh Phước tổ chức tại Tổ đình Phước Hưng (Sa ĐécĐồng Tháp), Hòa thượng Ngộ Đạo – Từ Vân (1866-1934) được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.