Năm 1929

Năm 1929 (Kỷ Tỵ – PL.2473), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Tỵ, Thiền sư Như Huệ – Hoằng Thông (1872-1972) được Quốc sư Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) cấp Điệp phú pháp.

– Ngày 29 tháng 2, Thiền sư Lệ Hóa – Thiện Thắng (1863-1944) khai sơn chùa Linh Bửu nay tại ấp 4, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Chùa được xây dựng theo kiến trúc 3 gian 2 chái, sườn gỗ vách ván.

– Ngày 08 tháng 9 năm Kỷ Tỵ, Thiền sư Quảng Chí (1858-1929) thế danh Vũ Phúc Hưu, trụ trì chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên – Hà Nam) viên tịch, thọ 72 tuổi.

– Ngày 14 tháng 10 (nhằm ngày 12 – 9 – Kỷ Tỵ), Hòa thượng  Thị Thọ – Hành Giáo (1859-1929), pháp danh Thị Thọ, tự Hành Giáo, hiệu Nhơn Hiền, sinh tại tỉnh Khánh Hòa, thuộc Tông Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 42, trụ trì chùa Hội Phước (Khánh Hòa), viên tịch, thọ 70 tuổi.

– Ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Tỵ, Hòa thượng Như Phòng – Hoằng Nghĩa (1867-1929) thế danh Trần Văn Phòng, húy Như Phòng, sinh tại làng Bình Thới, tỉnh Gia Định, trụ trì chùa Giác Viên (Gia Định), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 39, viên tịch, thọ 63 tuổi.

– Thượng tọa Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936) mở giới đàn xuất gia tại chùa Trúc Lâm nay ở xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế và được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Cũng năm này, ngài đại trùng tu chùa Trúc Lâm.

– Thượng tọa Ngộ Giác – Chánh Quả (1885-1956) về trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc, 1929 – 1950). Ngài mở lớp gia giáo giảng dạy Kinh Luật cho chư tăng khắp lục tỉnh về tu học rất đông.

– Đại đức Quảng Châu – Hoằng Thông (1902-1988) trùng tu Bảo điện và hậu tổ chùa Long Hội nay ở xã Tân Hòa Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

– Đại đức Thích Thiện T ng (1891-1964) mở trường Hương ở chùa Long Phước (Cai Lậy, Mỹ Tho), thỉnh Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn (1877-1931) chứng minh, Hòa thượng Quảng Ân làm Giáo thọ, có 50 giới tử thọ giới.

– Chùa Sắc tứ Từ Quang trên núi Bạch Thạch, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, bị hỏa hoạn, toàn bộ kinh sách của Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726-1798) biên soạn và mộc bảng khắc gỗ đều bị thiêu cháy. Lúc bấy giờ, Thiền sư Chơn Thành – Pháp Ngữ làm trụ trì chùa.

– Thiền sư Ấn Ngân – Tín Thành (1885-1959) kế thế trụ trì chùa Hội Phước nay thuộc phường Phương Sài, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

– Hòa thượng Thanh Đức – Tâm Khoan (1874-1937) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn xuất gia chùa Báo Quốc ở đồi Hàm Long, kinh đô Huế.

– Hòa thượng Chơn Pháp – Phước Trí (1867-1932) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Tôn Thắng làm dẫn lễ cho giới đàn chùa Phước Lâm tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

– Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Trùng Khánh tỉnh Ninh Thuận.

– Thiền sư Thanh Thái – Huệ Minh (1861-1940) được vua Duy Tân sắc phong làm Tăng cang chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân (Thuận Hóa, Huế).

– Thảo am Duy Tôn tại làng An Cựu Tây, Thuận Hóa, được Thiền sư Trừng Nhã – Giác Hải (?-1940) đại trùng tu và đổi hiệu thành chùa Giác Lâm.

– Thiền sư Trừng Chấn – Chánh Nhơn (1882-1948) đứng ra khai sơn xây dựng chùa Long Thạnh nay tại thôn Tây Định, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do nữ thí chủ trong làng cúng dường ruộng và tiền cho ngài tạo ngôi chùa này.

– Thiền sư Quảng Nhu – Huệ Thắng (1899-1970) kế thế trụ trì chùa Long Thọ nay tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Trừng Tịnh về trụ trì chùa Thiên Ngọc nay tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

– Thiền sư Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953) trùng kiến chùa Long Hòa hiện ở số 12/6B, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Thiền sư Hồng Tôi – Thiện Tường (1890-1959) khai sơn xây dựng chùa Phước Linh tại làng Tân Lộc, Quản Long (Cà Mau).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.