Năm 1931 (Tân Mùi – PL.2475), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).
– Ngày 11 tháng 2 năm Tân Mùi, Thiền sư Như Tại – Hoằng Liễu (1883-1931), pháp danh Như Tại, hiệu Hoằng Liễu, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì chùa Sơn Long (Quy Nhơn – Bình Định), thị tịch, trụ thế 48 năm.
– Ngày 05 tháng 7, Thiền sư Thanh Thái – Huệ Minh (1861-1939) khởi công trùng tu chùa Từ Hiếu (Phú Xuân – Huế). Cũng năm này, ngài được phong làm Tăng cang chùa Thánh Duyên ở Phú Xuân – Huế.
– Ngày 26 tháng 8, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn nay ở quận 1, Tp. HCM, Hòa thượng Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) được bầu làm Chánh hội trưởng, Thiền sư Như Trí – Khánh Hòa (1877-1947) làm Phó hội trưởng kiêm Chủ nhiệm báo Từ Bi Âm.
– Ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi, Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn (1877-1931) thế danh Nguyễn Văn Tầm, pháp danh Chơn Thanh, hiệu Từ Văn, sinh tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương, thuộc Tông Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), viên tịch, trụ thế 54 năm.
– Hòa thượng Chơn Pháp – Phước Trí (1867-1932) trùng tu chùa An Hội tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Huế. Cũng năm này, ngày 07 tháng 7, chùa được ban biển ngạch Sắc tứ An Hội.
– Thiền sư Phổ Huệ (1870-1931) họ Trần, người làng Nhơn Thành, tỉnh Bình Định, trụ trì chùa Tịnh Lâm (Bình Định), viên tịch, thọ 62 tuổi. Khi còn tại thế, Thiền sư từng được triệu vào hoàng cung thuyết pháp; ngài cũng là Tổ khai sơn chùa Bảo Phong.
– Đại đức Thích Khánh Anh (1895-1961) được mời làm trụ trì chùa Long An, xứ Đồng Đế, tỉnh Cần Thơ.
– Tổ đình Thiên Ấn tại xã Long Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, khai giới đàn xuất gia, Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang (1891-1952) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Huyền Tấn làm Giới sư.
– Thiền sư Như Chất – Hoằng Ngữ (1879-1945) kế thế trụ trì chùa Sơn Long ở núi Trường Úc, thôn Thuận Nghi, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh, trấn Bình Định.
– Đại đức Như Phước – Huyền Ý (1891-1951) được mời nhận chức Phó chủ bút tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học.
– Thiền sư Ấn Bửu – Thiện Quí (1861-1941) kế thế trụ trì Tổ đình Hội Khánh nay tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Thiền sư Trừng Chấn – Chánh Nhơn (1882-1948) trùng tu chùa Hưng Long nay thuộc thôn Tân Dương, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định.
– Hòa thượng Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936) đại trùng tu chùa Trúc Lâm nay tại xã Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên, Huế.
– Hòa thượng Như Tín – Khánh Thông (1870-1953) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Bửu Sơn tại làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
– Hòa thượng Hoằng Hóa được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Linh Sơn thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
– Chùa Sắc Tứ Phước Sơn tại xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, mở Trường Kỳ giới đàn, Hòa thượng Chơn Hương – Chí Bảo (1860-1948) được thỉnh làm Chứng minh, Hòa thượng Bích Liên làm Tuyên luật sư.
– Hòa thượng Như Thành trùng tu chùa Khánh Sơn nay tại núi Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và đổi hiệu lại là Phước Quang tự. Năm 1943, chùa được vua Bảo Đại sắc phong, chùa này trước đây do Thiền sư Thanh Hạo – Như Ý khai sơn.
– Thiền sư Trừng Thoại – Thiện Bửu kế thế trụ trì chùa Thiên Ngọc hiện tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương (1931-1962).
– Đại đức Nguyên Đồ – Quảng Ân (1891-1974) được cung thỉnh về trụ trì chùa Linh Phước hiện tại xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
– Càn Nguyên Thái hoàng thái hậu ý chỉ sắc tứ hiệu chùa Quảng Tế hiện tọa lạc trên triền núi Hoàng Long, đường Thanh Hải, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và được Bộ lễ chấp chiếu ban “Sắc tứ Quảng Tế tự”. Chùa này do Thiền sư Thanh Trí – Tuệ Giác (1858-1939) trụ trì (www.phatgiaohue.vn).
– Kim Cang Kinh Chú Giải được khắc bản in. Mộc bản hiện được lưu trữ tại Phước Sơn Nam Thiền Phật đường, Thừa Thiên – Huế.