Năm 1934 (Giáp Tuất – PL.2478), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).
– Hội Lưỡng Xuyên Phật Học được thành lập, giấy phép được ký ngày 18-3-1934, Thiền sư An Lạc – Minh Đàng (1874-1939) trụ trì chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), được bầu làm Hội trưởng, các Thiền sư sáng lập Hội như : Huệ Quang, Khánh Anh, Khánh Hòa,…đặt trụ sở tại chùa Long Phước ở Trà Vinh (VNPGSL).
– Ngày 22 tháng 3 (nhằm ngày 08 – 2 – Giáp Tuất), Thiền sư Như Đông – Đắc Quang (1888-1947), được Bổn sư trao kệ phú pháp :
“Thanh không đạo mầu rộng vô biên,
Sắc không, mê ngộ tự tâm chuyên.
Ngày đêm cố gắng thường tinh tiến,
Phạm hạnh kiên trì đắc pháp thiền”. Cũng năm này, Thiền sư được cử làm trụ trì chùa Quốc Ân ở ấp Phước Quả, xã Phú Xuân, huyện Hương Trà, xứ Thuận Hóa (Huế) (CTTĐPGTH).
– Ngày 08 tháng 4 năm Giáp Tuất, Hòa thượng Ấn Lãnh -Hoằng Thạc (1873-1944) khai giới đàn tại chùa Thạch Sơn (Quảng Ngãi) và ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Huệ Minh, Tăng cang chùa Từ Hiếu (Huế) làm Yết-ma, Hòa thượng Chơn Chứng – Thiện Quả làm Giáo thọ A-xà-lê.
– Ngày 19 tháng 5 năm Giáp Tuất, Hòa thượng Ấn Thanh – Thới Khiêm (1860-1934), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Bửu Nghiêm (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, thọ 75 tuổi.
– Ngày 03 tháng 6 năm Giáp Tuất, Hòa thượng Nguyên Hiện – Chiếu Thuần (1868-1934), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 44, trụ trì chùa Long Quang (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, thọ 67 tuổi.
– Ngày 01 tháng 10, Thượng tọa Nhựt Thắng – Diệu Đạt (1885-1934), thế danh Ngô Văn Thắng, húy Nhựt Thắng, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 41, trụ trì chùa Đông Lâm (Cần Đước – Long An), thị tịch, trụ thế 50 năm.
– Ngày 12 tháng 10 năm Giáp Tuất, Hòa thượng Như Qui – Khánh Huy (?-1934) họ Lê, quê ở làng Tân Bình, huyện Cai Lậy, thuộc dòng thiền Lâm Tế – Chánh tông, đời thứ 39, trụ trì chùa Phước Lâm (Cai Lậy, Tiền Giang), viên tịch.
– Tháng 10 năm Giáp Tuất, Thiền sư Tâm Minh – Cảnh Châu trùng tu chùa Phước Lâm tại thôn Vạn Phước, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
– Ngày 23 tháng 12, Thiền sư Thanh Hanh (1840-1936) được suy tôn làm Thiền gia pháp chủ của Bắc Kỳ Phật Giáo Hội. Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Đàm, xuất gia tu học ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội) vào năm 1850. Sau đó, ngài về chùa Vĩnh Nghiêm tham học dưới sự chỉ dẫn của Hòa thượng Tâm Viên. Năm 1900, Thiền sư kế thế trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm nay ở tỉnh Bắc Giang,
– Ni viện Diệu Đức nay ở số 92/6, đường Điện Biên Phủ, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập, Ni sư Diệu Hương (1884-1971) được mời về làm tọa chủ.
– Hòa thượng Ngộ Đạo – Từ Vân (1866-1934) thế danh Đinh Công Thân, pháp danh Ngộ Đạo, hiệu Từ Vân, thuộc Tông Lâm Tế (Gia Phổ), đời thứ 39, trụ trì Tổ đình Tân Long (Cao Lãnh-Đồng Tháp), viên tịch, thọ 68 tuổi, 40 hạ lạp.
– Thượng tọa Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) kế thế trụ trì Tổ đình Tường Vân ở làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
– Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) được cung thỉnh làm trụ trì quốc tự Thánh Duyên ở Thuận Hóa – Huế.
– Hòa thượng Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936) cùng đệ tử Thiền sư Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm (Thuận Hóa – Huế). Thu nhận được 50 học tăng. Cuối năm này, ngài lại quy tụ được nhiều học tăng có học lực và trình độ khá cao để mở ra cấp Đại học Phật giáo, cũng tại chùa Trúc Lâm.
– Hòa thượng Như Đắc – Từ Nhẫn (1899-1950) được thỉnh làm Hòa thượng Chứng minh tại Thủy lục trai đàn cầu siêu do Tỳ-kheo ni Diệu Thọ (trụ trì chùa Đông Thạnh làng An Đông Xã, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định) hiệp với bà Montel thiết lập. Trai đàn kéo dài đến 23 tuần lễ.
– Hòa thượng Ngộ Giác – Chánh Quả (1885-1956) được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học.
– Hòa thượng Thanh Trí – Hải Luận (1858-1934), thế danh Trương Văn Luận, hiệu Tuệ Giác, sinh tại trại Trà Bình, tổng Bình Trung, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Tông Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì chùa Quảng Tế (Thuận Hóa – Huế), viên tịch, thọ 77 tuổi. Sinh tiền, ngài quy y thọ giáo với Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ, được phú pháp bài kệ : “Tìm được chủ nhân ông, mới hay bổn lai đồng, nhứt chơn đều là Phật, nối đời thờ Tổ tông” (LSPGĐT).
– Thiền sư Chân Đạo – Chánh Thống (1901-1968) được hội An Nam Phật Học mời giảng tại chùa Từ Quang.
– Thượng tọa Chơn Giám – Trí Hải (1876-1950) khai sơn chùa Bích Liên tại Bình Định.
– Thiền sư Chơn Nhật – Quang Minh (1879-1977) kế thế trụ trì Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam.
– Thiền sư Như Thanh – Bửu Chí (1879-1979) khai sơn chùa Đông Hưng tại Thủ Thiêm, Sài Gòn, nay ở số 201, đường Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2, Tp. HCM.
– Thiền sư Ấn Nhậm – Từ Lương (1872-1937) kế thế trụ trì chùa Thiên Tôn nay tại thị trấn An Thanh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
– Sư cô Hồng Thọ – Diệu Tịnh (1910-1942) về trụ trì chùa Thiên Bửu (Gia Định), mở lớp Quốc ngữ đầu tiên và dạy chữ Nho cho trẻ em, đồng thời mở trường Hương, thỉnh thầy Khánh Thuyên giảng Kinh, sư cô cùng Ni sư Huê Lâm dạy Luật và Luận. Cũng năm này, sư cô mời quí sư cô Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận cùng xây dựng chùa Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định.
– Đại đức Trừng Tương – Nhơn Sanh (1896-1950) được môn phái suy cử làm Chánh chủ Kỳ, trường Kỳ tại Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (Khánh Hòa). Trường kỳ cung thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Hòa thượng Đường đầu, Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Tăng cang Trí Thắng làm Tuyên luật sư.
– Chùa Long Quang tại quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một khai Trường Kỳ giới đàn, Hòa thượng Thiện Hương (1903-1971) được thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu (Chánh chủ kỳ). Cũng năm này, Hòa thượng làm Thư ký cho Trường Kỳ chùa Long Khánh (Thủ Dầu Một) và làm Hòa thượng Đàn đầu (Chủ kỳ) cho Trường Kỳ giới đàn chùa Long Sơn (Phú Hữu – Thủ Dầu Một).
– Hòa thượng Thanh Đức – Tâm Khoan (1874-1937) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn phương trượng chùa Báo Quốc tại kinh đô Huế.
– Hòa thượng Như Trí – Khánh Hòa (1877-1947) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Khánh Anh làm Giới sư cho giới đàn chùa Lưỡng Xuyên tại tỉnh Trà Vinh.
– Hòa thượng Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953) được cung thỉnh làm Giới sư Chứng minh cho giới đàn chùa Phước Hậu tại thị xã Long Xuyên, tỉnh Long Xuyên.
– Hòa thượng Như Đắc – Giải Tường (1879-1949) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Phúc Hộ làm Giáo thọ sư, Hòa thượng Trừng Tương làm Đàn chủ cho giới đàn chùa Thiên Bửu thuộc thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
– Chùa Long Sơn Bát Nhã thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên mở giới đàn, Hòa thượng Giác Ngộ được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.
– Thiền sư Trừng Huệ – Giác Viên (?-1942) xây dựng chùa Hồng Khê tại làng Dương Xuân Thượng II, Thuận Hóa (trước đây là thảo am Thệ Đa Lâm).
– Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) vận động trùng tu Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang ở làng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị, trải qua 4 năm công trình trùng tu mới hoàn thành.
– Thiền sư Tâm Lợi – Phước Hòa trùng tu chùa Trấn Quốc (nay thuộc quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội), do ngài làm trụ trì. Thị độc Hàn lâm viện Nguyễn Ngọc Cẩn soạn văn bia “Trùng Tu Trấn Bắc Tự Kỷ Niệm Bi” (1935).
Hòa thượng Thích Như Quý (?-1934), thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 39, trụ trì chùa Linh Nguyên (Đức Hòa – Long An), viên tịch.
– Đại đức Chơn Hóa – Thiện Thắng (?-1937) kế thế trụ trì chùa Bửu Nghiêm nay thuộc phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Đại đức Quảng Hòa – Thiện Hiệp (1901-1983) kế thế trụ trì chùa Long Quang hiện tại xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Đại đức Thanh Đàm – Trí Dũng (1906-2001) được cử trụ trì chùa Kỳ Lân Đại Hữu (Gia Viễn) và chùa Thanh Khê (1934-1942), ngài đã lập đồn điền Tường Khê tại Yên Mô, Ninh Bình. Cùng thời gian này, ngài vận động nhân dân đắp đường dài 2,5 km, đào sông Yên Giang để dẫn thủy nhập điền.
– Thiền sư Thanh Thao – Trí Hải (1906-1979) đến hoằng pháp ở chùa Quán Sứ hiện tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.
– Thượng tọa Thiện Hải – Huệ Quang (1888-1956) được suy cử làm Chánh tổng lý Thích học đường của Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong được thỉnh làm Đại đạo sư (Tiểu sử Tổ Huệ Quang – Đại giới đàn Huệ Quang Pl.2532, Mậu Thìn 1988).