Năm 1937

Năm 1937 (Đinh Sửu – PL.2481), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).
– Ngày 20 tháng 1 (nhằm ngày 08 – 12 – Bính Tý), Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1936) thế danh Nguyễn Thanh Đàm, pháp hiệu Thanh Hanh, nguyên Thiền gia pháp chủ của Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), viên tịch, thọ 96 tuổi.
– Ngày 25 tháng 1 (nhằm ngày 13 – 12 – Bính Tý), Lễ truy điệu Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1936) nguyên Thiền gia pháp chủ của Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
– Ngày 27 tháng 1 (nhằm ngày 15 – 12 – Bính Tý), Sơn môn Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cử hành lễ nhập tháp Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1936) nguyên Thiền gia pháp chủ của Bắc Kỳ Phật Giáo Hội. Các Thiền sư Trung Hậu – Thanh Ất, Thiền sư Tế Cát, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, chư tôn đức Ban quản trị Trung Ương, đại biểu các Chi hội Phật giáo và các Ban hộ niệm Hà Nội…về tham dự (BNSPGMB).
– Ngày 15 tháng 2 năm Đinh Sửu, Hòa thượng Ấn Nhâm – Từ Lương (1872-1937), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Thiên Tôn (Thuận An, Bình Dương), viên tịch, thọ 66 tuổi.
– Ngày 16 tháng 4 (nhằm ngày 06 – 3 – Đinh Sửu), Thiền sư Trí Hải (1906-1979) đi Trung Quốc tham học.
– Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Sửu, Đại đức Tâm Hóa – Huệ Quang (1895-1937), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, trụ trì chùa Thiên Đức (Bình Định), thị tịch, trụ thế 42 năm.
– Ngày 09 tháng 10, Thiền sư Trung Hậu – Thanh Ất, Chánh hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ cùng các thành viên của Hội và nhà báo, đi Bắc Ninh, Bắc Giang phát chẩn cho 1509 người bị nạn lụt do vỡ đê Nam Ngạn.
– Ngày 24 tháng 12 năm Đinh Sửu, Hòa thượng Chơn Hóa – Thiện Thắng (?-1937), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Bửu Nghiêm (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch.
– Ngày 25 tháng Chạp năm Đinh Sửu, Hòa thượng Như Quang – Hoằng Phúc (1877-1937) họ Trần, pháp danh Như Quang, tự Giải Đạo, hiệu Hoằng Phúc, sinh tại làng Tiên Châu, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì chùa Linh Long (Bình Thuận), viên tịch, thọ 61 tuổi.
– Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) Tăng cang Quốc tự Thánh Duyên, được triều đình và Môn phái suy cử làm trụ trì Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, làng An Cựu, huyện Hương Trà, Phú Xuân – Huế.
– Đại đức Tâm Hương – Mật Hiển (1907-1992) được bà Từ Cung mời về cung An Định-Huế, giảng dạy Phật học cho những vị trong Hoàng tộc qui ngưỡng Phật pháp.
– Hòa thượng Thanh Thái – Phước Chữ (1858-1940) được phong làm Tăng Cang chùa Diệu Đế ở Thuận Hóa – Huế.
– Đại đức Tâm Nhất – Mật Thể (1912-1961) du học sang Trung Quốc, học tại Phật Học Viện Tiêu Sơn.
– Đông các đại học sĩ nam tước Thái tướng công cùng phu nhân vâng ý chỉ của Khôn Nghi Thái hoàng thái hậu, thỉnh Thiền sư Chân Đạo – Chánh Thống (1901-1968) làm tọa chủ chùa Quy Thiện, được sắc trao chức Tăng cang. Cũng năm này, Thiền sư Tố Liên (1903-1977) từ Bắc vào thăm Thiền sư Chân Đạo.
– Hòa thượng Ấn Lãnh – Hoằng Thạc (1873-1944) khai giới đàn thí giới tại chùa Thạch Sơn (Quảng Ngãi). Ngài Quang Lý (1918-1990) đã thọ giới Cụ túc tại giới đàn này, đồng thời tân tỳ-kheo Quang Lý cũng khai sơn chùa Bửu Long ở làng Hiệp Phố, xã Nghĩa Hưng, quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
– Hòa thượng Chơn Hương – Chí Bảo (1860-1948) khai giới đàn tại Tổ đình Hưng Khánh (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Tại giới đàn này, trong số các giới tử đắc pháp có ngài Thích Huyền Quang, sau này là danh tăng của Phật giáo.
– Thượng tọa Thích Trí Hải (1876-1950) được mời làm Chủ bút tạp chí Tam Bảo ở Bình Định.
– Thiền sư Như Đắc – Thiền Phương (1879-1949) được Hội Phật học Thừa Thiên – Huế cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư.
– Thiền sư Thị Chí – Phúc Hộ (1904-1985) được mời giảng dạy tại Phật học đường gia giáo chùa Tây Thiên, tỉnh Ninh Thuận.
– Hòa thượng Chơn Hương – Thiện Quang (1862-1939) khai Đại giới đàn tại chùa Linh Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), và đại chúng cung thỉnh ngài làm Hòa thượng Đàn đầu.
– Đại đức Hành Thiện – Hưng Từ (1911-1991) vận động Tăng tín đồ mở các Tăng học đường tại các chùa Cổ Lâm, Liên Trì (Tuy An), Thiên Tứ (Ninh Hòa) do ngài làm chủ giảng.
– Thiền sư Chơn Tân – Thiện Khoa (1901-1964) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Tôn tại thị trấn An Thanh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
– Thiền sư Chơn Phổ – Nhẫn Tế (1889-1951) từ Tây Tạng về Việt Nam, đến trụ trì chùa Bửu Hương tại Bình Dương và đổi tên chùa là Tây Tạng tự.
– Đại đức Trí Hiển (?-1940) trùng tu chùa Tra Am nay tọa lạc ở xã Thủy An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Chùa Trúc Lâm ở Thuận Hóa – Huế dựng bia “Giác Tiên Hòa thượng tháp bi minh” do Lê Nhữ Lâm soạn văn.
– Chùa Ba La Mật tại Thuận Hóa – Huế dựng bia “Ba La Mật tự bi minh” do Nguyễn Khoa tộc soạn văn.
– Thiền sư Thanh Nguyên – Huệ Cẩn (?-1938), thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ chùa An Thọ (núi Trà Cú), viên tịch.
– Hòa thượng Trừng Thành – Vạn Ân (1886-1967) khai sơn chùa Hương Tích tại thôn Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
– Hòa thượng Giác Trang – Hải Tràng (1884-1972) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Thanh Trước thuộc xã Long Thuận, tỉnh Gò Công.
– Hòa thượng Chơn Hương – Thiên Quang được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Linh Sơn tại Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
– Hòa thượng Thanh Đức – Tâm Khoan (1874-1937) thế danh Phạm Văn Phổ (tức Phạm Xuân Khiêm), pháp danh Thanh Đức, tự Tâm Khoan, người thôn Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì chùa Báo Quốc (Huế), viên tịch, thọ 64 tuổi.
– Thiền sư Tâm Ấn – Viên Quang (1895-1976) được cử làm trụ trì Quốc tự Thánh Duyên ở Thuận Hóa – Huế.
Ninh Phúc thiền tự (chùa Bút Tháp) tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trùng tu.
– Khoảng năm 1938, Thiền sư Đạt Thới – Chánh Thành (1872-1949) mở trường gia giáo tại chùa Vạn An ở xã Tân An Đông, tỉnh Sa Đéc. Đến năm 1940, ngài mở Phật học Ni trường cũng tại chùa này. Số tăng ni sinh xuất thân từ trường gia giáo Vạn An rất nhiều, như : Hòa thượng Kiểu Lợi, Huệ Hưng, Phước Cần,…các Ni trưởng Chí Kiên, Như Hoa, Huyền Học, Như Chơn…
– Thượng tọa Thiện Thanh (1888-1980) khai sáng chùa Tấn Bửu nay tại số 55, tỉnh lộ 835C, ấp 2, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trên, khu đất của gia đình hiến cúng.
– Đại đức Chơn Tân – Thiện Khoa (1901-1964) kế thế trụ trì chùa Thiên Tôn nay tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
– Đại đức Chơn Hòa – Thiện Hữu (?-1950) kế thế trụ trì chùa Bửu Nghiêm nay thuộc phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Hòa thượng Thanh Trương – Thiệu Long (1845-1937), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì chùa Hội Thọ (Cái Bè, Tiền Giang), viên tịch, thọ 93 tuổi.
– Đại đức Nguyên Đắc – Tịnh Biên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 44, kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1937-1945).
– Đại đức Thanh Đàm – Trí Dũng (1906-2001) vận động thành lập Tu viện Tuyết Sơn tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tu viện có tổng diện tích 6 mẫu đất.
– Hòa thượng Kiểu Tâm – Phổ Chí (?-1937), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 40, trụ trì chùa Long Phước (Bạc Liêu), viên tịch.
– Đại đức Hồng Tỵ – Vĩnh Tràng (?-1963) kế thế trụ trì chùa Phước Hưng hiện tại số 74/5, đường Hùng Vương, phường 1, Tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (1937-1962).
– Đại đức Huệ Thiện (1904-1990) trùng tu chùa Phước Điền (chùa Hang) hiện ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
– Đại đức Thanh Thao – Trí Hải (1906-1979) công du sang Trung Hoa để tham khảo Tam tạng kinh điển và tiếp xúc các vị cao Tăng như Thái Hư Đại sư,…để học hỏi kinh nghiệm cũng như phương pháp tổ chức chỉ đạo. Cuối năm 1938, ngài lại vân du sang Lào, Thái Lan, lập chi hội Phật giáo Việt kiều Hải ngoại và đặt quan hệ Phật sự với Phật giáo hai nước này.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.