Năm 1939

Năm Bảo Đại thứ 14 (1939), Hòa thượng Phước Huệ cho mời Sơn môn tỉnh Khánh Hòa lại, lập di chúc giao hẳn chùa Hải Đức cho ngài Trừng Dàn Bích Không (Giác Phong) trọn quyền điều hành tái thiết, sử dụng mọi động sản và bất động sản.
Được giao trọn quyền, ngài thấy chùa nằm trong thành phố với một khuôn viên chật hẹp, không thể phát triển được, bèn cùng Sơn môn và bổn đạo quyết định dời chùa lên núi Trại Thủy, chặt cây phá núi để có mặt bằng xây dựng. Bấy giờ đang lúc thế chiến thứ hai vào hồi quyết liệt, kinh tế suy sụp, dân chúng dưới hai tầng áp bức Pháp-Nhật. Việc trùng tu di dời chùa gặp không ít khó khăn. Nhưng ngài đã vượt qua tất cả với một quyết tâm cao, nên mới có được một Đại tòng lâm uy nghi ngày nay (Trường Cao Đẳng Phật học Nha Trang) để cho chư Tăng tu học và Phật tử chiêm bái.
Chẳng những xây dựng ngôi phạm vũ trang nghiêm, ngài lại ra làng Hà Già thuộc huyện Ninh Hòa, cách Nha Trang 50 km về hướng Bắc, xin đất lập nông thiền trên 50 mẫu để cung cấp lương thực lâu dài cho chúng Tăng tu học ở Đại tòng lâm. Chùa làm xong, nhưng vật dụng thường dùng trong chùa lại thiếu thốn nên ngài phải quay về Quảng Trị bán hết phần gia tài điền sản của ngài ở quê, lấy tiền mua sắm các thứ đem vào. Bấy giờ xe lửa bị Nhật trưng dụng, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, thường bị máy bay đồng minh ném bom. Chuyến đi ấy ngài mang theo các vật dụng trong chùa rất nhiều, bằng sành, bằng sứ, bằng đồng thuộc loại cổ xưa, tàu đến ga Tam Quan ở Bình Định, bị bom mất hết. Ngài còn đưa theo số đông bà con, dân làng vào lập nghiệp tại nông thiền.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, quân Pháp đổ bộ vào Nha Trang, ngài cùng đệ tử phải xa chùa theo dân chúng tản cư, lần hồi ra đến Huế.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.