Năm 1940

Năm 1940 (Canh Thìn – PL.2484), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày 02 tháng 2 năm Canh Thìn, Hòa thượng Chơn Cảnh – Huệ Duyệt (1863-1940) thế danh Nguyễn Văn Tráng, pháp danh Chơn Cảnh, tự Đạo Hoằng, sinh tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Vĩnh An (Duy Xuyên, Quảng Nam) viên tịch, thọ 78 tuổi.

– Ngày 07 tháng 2 năm Canh Thìn, Hòa thượng Hồng Lang – Hòa Khương (1870-1940), thế danh Nguyễn Văn Leo, húy Hồng Lang, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, Tổ sáng lập chùa An Linh (Dĩ An, Bình Dương), viên tịch, thọ 71 tuổi.

– Ngày 13 tháng 2 năm Canh Thìn, Hòa thượng Trừng Nhã – Giác Hải (?-1940) thế danh Nguyễn Văn Cẩm, pháp danh Trừng Nhã, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải, người làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, Tổ khai sơn chùa Giác Lâm (Thuận Hóa – Huế), viên tịch.

– Ngày 28 tháng 3 năm Canh Thìn, Hòa thượng Kiểu Đạo – Hoằng Khai (1890-1940), húy Kiểu Đạo, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 40, trụ trì chùa Linh Phước (Long An), thị tịch, trụ thế 50 năm.

– Đêm 14 tháng 7, Thiền sư Như Tấn – Từ Tâm (?-1944) cùng một số nhân sĩ yêu nước bị mật thám Pháp bắt trong cuộc họp vận động tiến tới phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa tại chùa Bình Long (nay thuộc thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Sau đó, ngài bị đày ra Côn Đảo.

– Ngày 02 tháng 12, Sư cụ Trịnh Mạnh Đinh, Giám viện chùa Côn Sơn cúng dường chùa này cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ban Đạo sư và Ban quản trị Trung ương Hội cử Thượng tọa Tố Liên đi trụ trì chùa Côn Sơn (nơi phát tích của Thiền sư Huyền Quang).

– Ngày 31 tháng 12 (nhằm ngày 03 – 12 – Canh Thìn), Hòa thượng Trung Hậu – Thanh Ất (?-1940) Chánh trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội) viên tịch tại chùa Tây Thiên (Phúc Yên).

– Ngày 06 tháng 12 năm Canh Thìn, Hòa thượng Nhựt Đạt – Thiện Châm (?-1940), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 41, trụ trì chùa Mỹ Phước (Bến Lức – Long An), viên tịch.

– Ngày 17 tháng Chạp năm Kỷ Mão, Hòa thượng Thanh Thái –  Phước Chữ (1858-1940) thế danh Nguyễn Huấn, pháp danh Thanh Thái, tự Phước Chữ, sinh tại làng Đa Nghi, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, thị tịch, thọ 82 tuổi, 58 năm tu hành.

– Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) được cung thỉnh làm Giám đốc đạo hạnh cho Viện Cao Đẳng Phật Học mở tại chùa Tường Vân và chùa Báo Quốc ở Thuận Hóa – Huế. Viện Phật học này là nơi đào tạo nhiều tăng tài lỗi lạc xuất chúng như : Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện H a, Hành Trụ, Trí Tịnh, Thiện Siêu,…Cũng năm này, Hòa thượng Tịnh Khiết được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn mở tại chùa Báo Quốc.

– Năm 1940 và 1942, Thượng tọa Trừng Nguyên – Đôn Hậu (1905-1992) hai lần sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào, đàm đạo với vua Sãi và tham lễ tại một số nơi ở Vương quốc Phật giáo này. Cũng năm này, Thượng tọa được thỉnh làm trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế).

– Thượng tọa Thích Đức Nhuận (1897-1993) được thừa kế trụ trì chùa Đồng Đắc nay thôn Đại Hữu, xã Văn Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

– Hòa thượng Hồng Khê – Hoằng Khai (1883-1945) khai trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước ở Tân Hương, nay thuộc xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An. Ngài làm chủ hương, Hòa thượng Phước Tường làm thiền chủ, Hòa thượng  Khánh Anh làm pháp sư bên tăng, sư bà Diệu Kim (Cần Thơ) làm pháp sư bên ni.

– Hòa thượng Như Đắc – Từ Nhẫn (1899-1950) được thỉnh làm Chứng minh Trị sự kiêm Bố-tát Hòa thượng tại giới đàn chùa Thái Nguyên ở làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.

– Vua Bảo Đại ban sắc tứ chùa Hội Phước ở núi Hoa Sơn (Hòn Một) thuộc Khánh Hòa nay tại phường Phước Tiến, TP. Nha Trang.

– Chùa Long Hội (Cai Lậy, Tiền Giang) được vua sắc ban biển ngạch “Sắc Tứ Long Hội”, chùa này do Hòa thượng Quảng Châu – Hoằng Thông (1902-1988) trụ trì.

– Thiền sư Chơn Thông – Đồng Phước (1895-1968) kế thế trụ trì Tổ đình Cổ Lâm nay thuộc thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

– Thiền sư Chơn Miên – Trí Hưng (1908-1986) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

– Hòa thượng Ấn Lãnh – Hoằng Thạc (1873-1944) lập chùa Phổ Quang tại xã Hành Minh, Quảng Ngãi.

– Thiền sư Như Hòa – Tâm Ấn (1907-1963) trùng tu Tổ đình Phổ Bảo ở phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định).

– Tổ đình Thắng Quang ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, được triều đình ban biển ngạch Sắc tứ. Tổ đình do Thiền sư Chơn Sự – Khánh Quý trụ trì.

– Chùa Thiên Bình tại Bình Định được triều đình ban Sắc tứ,  chùa do Thiền sư Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979) trụ trì.

– Hòa thượng Chơn Hạnh – Đạo Phổ – Thiện Quang (1880-1940) thuộc thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Triều Tôn (Sông Cầu, Phú Yên), viên tịch, thọ 61 tuổi.

– Đại đức Thị Thành – Liên Tâm (1909-1962) kế thế trụ trì chùa Triều Tôn nay tại xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

– Chùa Hội Phước nay thuộc TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được triều đình ban biển ngạch Sắc tứ. Bấy giờ, chùa do Thiền sư Ấn Ngân – Tín Thành (1891-1979) trụ trì.

– Thiền sư Hành Pháp – Quảng Đức (1897-1963) kế thế trụ trì chùa Linh Sơn nay tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

– Thiền sư Đạo Thông – Trí Thắng (1891-1975) được hào lý và dân làng Đắc Nhơn cúng toàn bộ Thiền Lâm Cổ tự cho ngài và Thiền sư cử đệ tử là Thích Huyền Tân về làm trụ trì.

– Hòa thượng Như Điền – Huệ Chấn (1886-1955) khai trường Hương tại chùa Hưng Long, Sài Gòn. Sau khi trường Hương kết thúc, ngài tiếp tục mở Đại giới đàn, cung thỉnh Hòa thượng Trừng Phong – Phước Nhàn làm Đường đầu Hòa thượng.

– Hòa thượng Ấn Chí – Hoằng Chỉnh (1862-1940) thế danh Hà Thế Nhã, pháp danh Ấn Chí, tự Tổ Chấp, hiệu Hoằng Chỉnh, sinh tại xã Tú Sơn, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, hoằng hóa ở chùa Phước Hậu (Tam Bình, Vĩnh Long), viên tịch, thọ 79 tuổi.

– Thiền sư Chơn Trung – Minh Đức (1902-1985) về trụ trì chùa Long Bửu nay thuộc xã Thành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

– Sư cô Hồng Thọ – Diệu Tịnh (1910-1942) được mời làm Giáo thọ cho Ni giới tại trường Cô Ba Xàng – Sa Đéc (sau này là chùa Tân Hòa).

– Sư cô Diệu Ninh – Như Huệ (1914-1984) đảm nhiệm trụ trì Vĩnh Bửu Ni viện thuộc quận Mõ Cày, tỉnh Bến Tre.

– Thiền sư Tâm Ấn – Viên Quang (1895-1976) khai sơn chùa Châu Lâm ở Thuận Hóa – Huế.

– Thiền sư Trí Hiển (?-1940) thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, trụ trì chùa Ba La Mật (Huế), viên tịch.

– Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang ở làng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị, trùng tu hoàn tất, tổ chức lễ khánh thành, do Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) đứng ra vận động trùng tu. Sau lễ khánh thành, ngài được Giáo hội tỉnh Quảng Trị cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu trong Đại giới đàn của tỉnh. Cũng năm này, Hòa thượng được vua Bảo Đại hạ sắc chỉ mời sung chức Tăng cang chùa Báo Quốc (Thuận Hóa – Huế) (NCTPGOH, CTTĐPGTH).

– Thượng tọa Như Niệm – Bảo Toàn (1899-1970) được cử làm trụ trì chùa Từ Vân ở xã Thạch Giáng, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

– Hòa thượng Trừng Phong – Phước Nhàn (1887-1962) được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư cho hội Phật Học Bình Thuận và trụ trì chùa Phật Học. Cũng năm này, ngài làm Chánh chủ Hương trường Hạ chùa Phật Học; làm Giới sư cho giới đàn chùa Long Thành tỉnh Bình Thuận.

– Thiền sư Vĩnh Châu khai sơn chùa Phước Điền nay tại thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

– Ni sư Hồng Tích – Diệu Kim (1908-1976) được thỉnh làm Thiền chủ kiêm Pháp sư Ni trường hạ chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm, nay thuộc huyện Hóc Môn, Tp. HCM.

– Hòa thượng Như Điền – Huệ Chấn (1886-1955) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Đạo Thanh làm Giới sư cho Trường Kỳ giới đàn chùa Hưng Long thuộc thôn Vườn Lài, tỉnh Chợ Lớn.

– Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Phước Hậu làm Yết Ma cho giới đàn chùa Hải Đức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

– Chùa Châu Lâm tại ấp Cư Sĩ, làng Dương Xuân, Thuận Hóa, được triều đình ban “Sắc tứ”.

– Thiền sư Như Thọ – Huyền Tân (1911-1979) được giao trách nhiệm trụ trì chùa Thiền Lâm hiện tọa lạc ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

– Đại đức Tâm Lương – Diệu Hoằng (1914-1983) về trụ trì chùa Linh Sơn nay tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (1940-1947).

– Thiền sư Nguyên Tuyết – Như Ý (1908-1985) kế thế trụ trì chùa Tra Am nay tại xã Thủy An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Thiền sư Tâm Thái – Thiện Trí (1907-2000) khai sáng xây dựng chùa Hiếu Quang (Huế).

– Đại đức Đồng Nhất – Khánh Tường (1899-1949) kế thế trụ trì chùa Phước An nay tại phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

– Thượng tọa Kiểu Liên – Hoằng Pháp, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, kế thế trụ trì chùa Đức Lâm nay tại xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho (1940-1980).

Đại đức Trừng Nghiêm – Đắc Pháp, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, kế thế trụ trì chùa Kim Tiên, nay tại khu 7, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1940-1945).

– Sư cô Diệu Liên – Như Hoa (1924-2006) khai sáng chùa Phước Hậu ở Chợ Lớn, nay tại số 120/16, đường Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp. HCM.

– Thiền sư Hồng Tôi – Thiện Tường (1890-1959) khai sơn xây dựng chùa An Sơn vùng núi Vôi, xã Ba Chúc, huyện Tịnh Biên (Châu Đốc, An Giang).

– Sư cô Tâm Ý – Hồng Chí (1913-2007) đảnh lễ cầu pháp với Hòa thượng Vạn An – Chánh Thành, được ngài ấn chứng và phú pháp kệ như sau :

“HỒNG y tịnh tận tọa liên đài,

CHÍ tại chỉ trì định huệ khai,

DIỆU đạo xiển dương hoằng hóa đạo,

KIÊN thành nhất niệm kiến Như Lai”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.