Năm 1940

Năm 1940 tháng 10, cư sĩ Lê Văn Giảng xin xuất gia với Hòa Thượng Phó Tăng Thống Cambodia, được ban pháp danh Hộ Tông (Vansarakhita). Cuối năm, ông được cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu và một số Phật tử Nam Tông thỉnh về Việt Nam lập chùa Bửu Quang ở Thủ Đức. Đây là ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên của người Việt tại miền Nam.

Sư Hộ Tông (1893 – 1981) sanh tại Châu Đốc, học tại Hà Nội và làm việc ( thú y sĩ) tại Cambodia.

Năm 1927, ông bắt đầu tìm hiểu về các pháp tu hành khi làm việc tại Soay Rieng, gần biên giới Việt Nam. Trước tiên ông tu theo Tịnh Độ và Mật Tông nhưng không thỏa mãn. Sau này, nhờ nghe Hòa Thượng Phó Tăng Thống Cambodia giảng về Bát Chánh Đạo tại chùa Unalom ở Soai Rieng, ông thấy thích thú. Vị này cũng là giám đốc trường Cao Đẳng Pali tại Nam Vang, đã giới thiệu cho ông một quyển sách bằng tiếng Pháp về Bát Chánh Đạo tại thư viện của chùa. Đọc xong, ông tiếp tục tới chùa Unalom học tập kinh điển Pali và tập pháp thiền Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati). Sau vài năm, ông đạt được kết quả tốt.

Năm 1934, đổi về làm việc tại tỉnh Prey Vey, ông giúp thành lập một trung tâm thiền định tại chùa Ruong Damrey, đồng thời giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn hành thiền. Để khuyến khích người Việt xuất gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, ông bỏ ra 2 năm dịch cuốn Luật Xuất Gia , sau đó lại soạn Kinh Nhật Hành Cho Người Tại Gia.

Năm 1936, ông trở lại Nam Vang, vận động một nhóm cư sĩ, tu bổ ngôi chùa Bắc tông tên Sùng Phước, biến thành nơi giảng dạy về Phật Giáo Nguyên Thủy cho người Việt trên đất Miên.

Ông làm trụ trì chùa Bửu Quang, Thủ Đức, cho tới năm 1944 lại qua Miên thực hành hạnh đầu đà ( sống đời độc cư hành thiền trong rừng).

Năm năm sau (1949) ông trở lại VN thì chùa Bửu Quang đã bị quân Pháp phá hủy từ 1947. Ông cùng một số cư sĩ mua một lô đất trống tại Quận 3 Sài Gòn, lập chùa Kỳ Viên năm 1950. Nơi đây sau đó trở thành trung tâm chính cho các hoạt động hoằng pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy. Năm sau, 1951 ông tu sửa chùa Bửu Quang.

Năm 1954, ông cùng sư Bửu Chơn dự Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần 4 tại Rangoon, thủ đô Miến Điện. Ông đọc diễn văn trong ngày bế mạc đại hội.

Năm 1957 Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được thành lập, trụ sở tại chùa Kỳ Viên, ông được suy tôn làm Tăng Thống.

Năm 1980 ông sang Pháp nhưng sau đó quyết định trở lại VN. Ông tịch tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức ngày 25.8.1981.

Ông đã vận động xây cất nhiều chùa Phật Giáo Nguyên Thủy, dịch và viết nhiều sách hướng dẫn giáo lý, luận và luật tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy bằng lối văn dản dị trong sáng. Ông góp phần quan trọng trong nỗ lực phát triển Phật Giáo Theravada tại miền Nam. Nỗ lực này được sự tiếp tay của một số đáng kể những danh tăng Phật Giáo Nguyên Thủy. Cư sĩ Phạm Kim Khánh cũng góp phần quan trọng qua nỗ lực dịch và xuất bản nhiều sách về giáo lý PGNT liên tục từ năm 1970. Thống kê năm 1997 tại Việt Nam có 64 chùa Phật Giáo Nguyên Thủy người Việt; ở miền Trung có các chùa Tam Bảo (Đà Nẵng), Huyền Không (Huế) …

This entry was posted in . Bookmark the permalink.