Năm 1940, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội qua nỗ lực của các nhà sư Quang Minh, Thanh Thạnh, Doãn Hài và Thanh Tích phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ bắt đầu thực hiện bộ Phật Điển Tùng San.
Tới năm 1943, bộ này đã thực hiện theo lối in dập lại được 8 tập các tác phẩm Phật Giáo Việt Nam bằng chữ Nôm và chữ Hán: Chư Kinh Nhật Tụng, Thụ Giới Nghi Phạm, Thiền Uyển Kế Đăng Lục, Pháp Hoa Đề Cương, Bát Nhã Trực Giải, Khóa Hư Lục, Trần Triều Dật Tồn Điển Lục và Lễ Tụng Hành Trì Yếu Tập. Đây là những tài liệu tham khảo hiếm hoi về các tác phẩm xưa của Phật Giáo Việt Nam vào thời đó. Những năm sau, vì chiến tranh công trình này của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo bị đình trệ.
Bắc Kỳ Phật Giáo Hội cũng thực hiện bộ Hải Triều Âm Văn Khố , giới thiệu các tác phẩm tân thư dễ hiểu của Phật Giáo Trung Hoa cận đại thuộc các tác giả như Đại Sư Thái Hư, Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Châu Tự Ca, Âu Dương Kiến Vô … giúp cho việc học Phật của giới cư sĩ cựu học và tân học dễ dàng hơn.
Bắc Kỳ Phật Giáo Hội thành lập năm 1934 và phát triển rất nhanh nhờ có nhiều thượng lưu và trí thức học giả miền Bắc tích cực tham dự từ đầu. Hòa Thượng Thanh Hanh được suy tôn làm Thiền Gia Pháp Chủ. Hội đã thành lập ngay Ban Khảo Cứu Phật Học do Trần Trọng Kim làm trưởng ban với 17 học giả thông thạo Nho và Pháp tham dự. Báo Đuốc Tuệ là cơ quan chính thức của Hội. Hai cư sĩ tích cực nhất là Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật và Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha. Hội cũng mở trường Tăng Học Trung Cấp ( bốn năm Sơ Cấp, ba năm Trung Cấp) tại chùa Quán Sứ và chùa Bồ Đề.
Năm 1936, Hội mở trường Tăng Học Cao Cấp (ba năm) tại chùa Bằng Sở (Hà Đông) do thiền sư Trung Thứ làm Đốc Giáo.
Năm 1943 ngày 14 tháng 3, gia đình Phật Hóa Phổ có bản điều lệ và Ban Điều Hành lần đầu với thành phần:
– Phụ trách tổng quát: Phan Hữu Bình
– Phụ trách hoạt động thanh niên: Tráng Thông
– Phụ trách thông tin đối ngoại: Đinh Văn Vinh
– Phụ trách giáo lý cấp sơ đẳng: Đinh Văn Nam ( sau này xuất gia là HT Minh Châu)
– Phụ trách ca vũ nhạc: Lê Bối
– Phụ trách tổ chức các đội hình, cắm trại, đại lễ: Nguyễn Hữu Quán
Gia đình Phật Hóa Phổ là hình thức đầu tiên của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam được tổ chức theo từng gia đình, lấy tên gia trưởng làm tên đơn vị. GĐPHP phổ biến Phật pháp trong giới trẻ, dạy các em xây dựng lòng tin chân chánh, thực hành đạo đúng đắn, không mê tín dị đoan. Hạt nhân đầu tiên được thành lập vào năm 1940 là Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Phổ Trưởng. Sinh hoạt của Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh nhanh chóng được các gia đình trí thức khác ở Huế bắt chước. Việc tổ chức theo đơn vị gia đình để khỏi phải xin giấy phép thành lập hội rất phiền phức trong thời Pháp thuộc. Một huynh trưởng hướng đạo, Lê Lừng, thấy sinh hoạt này phát triển đã vẽ huy hiệu của đoàn là hoa sen trắng có 5 cánh trên, 3 cánh dưới. Sau này trở thành huy hiệu chính thức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Ông cũng là tác giả bản nhạc phổ thông nhất trong Gia Đình Phật Tử VN ( Dây Thân Ái). Bài ca chính thức của GĐPTVN là bài Sen Trắng của Ưng Hội. Đoàn Thiếu Nữ Phật Tử có bài đoàn ca riêng, Đoàn Liên Hương của Hoàng Cang.
Theo Nhất Hạnh (VNPGSL 3, tr. 254), ở ngoài Bắc, các cơ sở Gia Đình Phật Hóa Phổ được các cư sĩ Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Vũ Thị Định thực hiện tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong Nam, các cư sĩ Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục xây dựng các đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ trong phạm vi Hội Phật Học Nam Việt.
Năm 1951, Hội Nghị Toàn Quốc Gia Đình Phật Hóa Phổ họp tại Huế, đổi danh hiệu thành Gia Đình Phật Tử. Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng GĐPT đầu tiên được tổ chức nhân dịp này với Ban Trại Trưởng gồm 10 người do thầy Minh Châu làm Cố Vấn và cư sĩ Võ Đình Cường làm Trại Trưởng. Có 33 trại viên tham dự (29 từ miền Trung, 3 từ miền Bắc và 1 từ miền Nam). Tới năm 1973, số lượng huynh trưởng và đoàn viên của tổ chức này tới trên 200 ngàn.
Đẳng cấp Gia Đình Phật Tử Việt Nam được tổ chức theo các trình độ tu chứng qua các cấp từ Tập, Tín, Tấn tới Dũng.
Sau năm 1975, các khóa huấn luyện huynh trưởng vẫn được tiếp tục tổ chức đều hòa tại Mỹ và Âu Châu. Gia Đình Phật Tử là ngành duy nhất của Phật Giáo Việt Nam hiện đại được ca ngợi về sự thống nhất trong tổ chức từ ngày thành lập tới nay.