Năm 1943 (Quý Mùi – PL.2487), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).
– Ngày 16 tháng 4 năm Quý Mùi, Hòa thượng Như Huyền – Đạo Nghĩa (1877-1943), thế danh Nguyễn Văn Khuyên, húy Như Huyền, sinh tại Thủ Dầu Một, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì chùa Phước Long (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, thọ 66 tuổi.
– Ngày 20 tháng 4 năm Quí Mùi, Thiền sư Trừng Tâm – Thiện Quới (1885-1943) thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, trụ trì chùa Thiên Phước (Thủ Đức, Gia Định), viên tịch, trụ thế 58 năm.
– Ngày 24 tháng 5 năm Quý Mùi, Đại đức Thích Chí Nhơn (1878-1943), thế danh Trịnh Văn Kiêu, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 42, trụ trì chùa Hưng Phước và chùa Tường Quang (Long An), viên tịch, thọ 65 tuổi.
Ngày 05 tháng 6 năm Quý Mùi, Hòa thượng Quảng Bảo – Thiện Khoáng (1865-1943), thế danh Nguyễn Văn Mun, húy Quảng Bảo, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 45, Tổ khai sơn chùa An Lạc (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, thọ 79 tuổi.
– Ngày 15 tháng 6, Hòa thượng Quốc sư Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Thiên Đức thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
– Ngày 24 tháng 9 năm Quí Mùi, Thiền sư Kiểu Giáp – Định Tông (?-1943) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai), viên tịch.
– Sách Thiền Uyển Kế Đăng Lục, Pháp Hoa Đề Cương, Bát Nhã Trực Giải, Khóa Hư Lục, được Hội Phật giáo Bắc Kỳ ấn hành.
– Đại đức Nguyên Lưu – Giác Tánh (1911-1987) trở về chùa Hưng Long (Bình Định) thành lập Phật học đường để giảng dạy tăng ni tại tỉnh và một bộ phận chúng tăng Phật học đường chùa Phổ Hiền đưa về đây.
– Đại đức Như Chánh – Huyền Tấn (1911-1984) được Hòa thượng Chơn Trung cử về trụ trì chùa Kim Liên ở Quảng Ngãi.
– Hòa thượng Thích Quảng Chơn (?-1943) thuộc Tông Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 39, trụ trì chùa Long Thạnh (Bình Chánh, Tp.HCM), viên tịch.
– Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Đại đức Thích Mật Thể (1912-1961) được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành. Sách được Quốc sư Chơn Luân – Phước Huệ tán ngữ, Trần Văn Giáp đề tựa.
– Thiền sư Như Cự – Viên Chiếu (1892-1943) thế danh Lê Văn Cự, húy Như Cự, hiệu Viên Chiếu, người huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ ở núi thiêng H n Lớn (Ninh Hưng, Ninh Hòa), thị tịch, trụ thế 51 năm.
– Hòa thượng Hạnh Pháp – Quảng Đức (1897-1963) rời Khánh Hòa vào Nam, ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Hà Tiên. Ngài từng sang Nam Vang ba năm giáo hóa Phật tử kiều bào và nghiên cứu kinh điển Pali.
– Thiền sư Ấn Mục – Tổ Khiết – Hoằng Cam (1884-1943) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì Tổ đình Cổ Lâm (Đại Lộc, Quảng Nam), viên tịch, thọ 60 tuổi.
– Thiền sư Chơn Diện – Hồng Diệm (1925-1996) kế thế trụ trì Tổ đình Phước Quang ở thôn Phước Long, xã Tư H a, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nam.
– Thượng tọa Chơn Sử – Khánh Tín (1896-1992) được sơn môn cung thỉnh làm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Thiền sư Chơn Sự – Đạo Thể – Khánh Quý (?-1943) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì Tổ đình Thắng Quang (Hoài Nhơn, Bình Định), viên tịch.
– Thiền sư Đạo Thông – Trí Thắng (1891-1975) chứng minh lễ đặt đá xây dựng nghĩa trang của Hội Phật học và cho dời trụ sở An Nam Phật học từ chùa Thiên Hưng ở thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận lên chùa Long Quang (Ninh Thuận) để tiện việc sinh hoạt tu học của hội viên.
– Thượng tọa Chơn Quý – Khánh Anh (1895-1961) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Lưỡng Xuyên thuộc thị xã Trà Vinh.
– Tổ đình Sắc Tứ Thiên Ấn nay ở xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi mở giới đàn, Hòa thượng Chơn Miên – Trí Hưng (1908-1986) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.
– Hòa thượng Trừng Phong – Phước Nhàn (1886-1962) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Long Hải thuộc tỉnh Khánh Hòa.
– Khoảng năm Quý Mùi (1943), Đại đức Đồng Quán – Phước Hải (?-1943 ?), thế danh Dương Văn Hầu, húy Đồng Quán, hiệu Phước Hải, người xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 43, hoằng hóa ở chùa Linh Sơn (Quy Nhơn, Bình Định), viên tịch.
– Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, khai sơn chùa Phước Sa tại làng Xương Lý, phủ Tuy Phước (nay là thôn Xương Lý, xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
– Đại đức Chơn Phụng – Thiện Tánh (1896-1960) kế thế trụ trì chùa An Lạc (chùa Mục Đồng) nay tại xã Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Đại đức Nguyên Lưu – Giác Tánh (1911-1987) mở lớp gia giáo tại chùa Hưng Long.
– Đại đức Thanh Thao – Trí Hải (1906-1979) phác thảo một chương trình kiến thiết một Đại Tùng Lâm rộng 20 mẫu tây ở ga Thường Tín – Hà Đông, với qui mô rộng lớn trong đó có ngôi chùa, nhà Pháp bảo, nhà Tổ, nhà Tăng. Ngoài ra còn có những cơ sở giáo dục như trường Tiểu, Trung và Đại học, bệnh viện, siêu thị, nhà dưỡng lão,…nhằm phát huy văn hóa dân tộc (TSDTVN).