Năm 1943 Thượng Tọa Mật Thể (Tâm Nhất, Nguyễn Hữu Kê (1912 – 1961)) công bố Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Tân Việt xuất bản tại Hà Nội. Tác phẩm này được tái bản nhiều lần, là cuốn sử Phật Giáo VN đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Tại hải ngoại, tác phẩm này cũng đã được Phật Học Viện Quốc Tế tái bản từ năm 1984. Ông xuất gia từ năm 12 tuổi với thiền sư Giác Tiên tại chùa Trúc Lâm (Huế), năm 1933 được mời làm giảng sư Hội An Nam Phật Học, năm 1937 được gửi qua tu nghiệp tại Phật Học Viện Tiêu Sơn ở Trung Quốc. Vì chiến tranh Hoa Nhật, năm 1940 ông phải về nước, đem theo một số sách Tân Thư Phật Học bằng văn Bạch Thoại.
Năm 1941 – 1942, ông phiên dịch các tác phẩm Tân Thư nói trên, viết tập văn thơ và khảo luận Xuân Đạo Lý và dạy học tại trường Sơn Môn Phật Học. Ông cũng được mời dạy tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh năm 1941. Một năm sau, ông trở ra Huế, đi khắp các tổ đình miền Trung rồi ra Hà Nội để thu thập tài liệu viết về sử Phật Giáo Việt Nam. Điều đặc biệt là mặc dù xuất gia từ năm 12 tuổi, được mời giảng dạy các trường Phật học từ 21 tuổi, không hề rời khỏi Tăng Già mà mãi tới năm 32 tuổi (1944) ông mới thọ đại giới tại chùa Thiền Tôn, Huế.
Ông là người thông minh. Ngoài căn bản Hán Văn rất vững, ông tự học chữ quốc ngữ, làm những bài thơ mới; tự học chữ Pháp để đọc các bài biên khảo Phật Giáo bằng Pháp ngữ.
Tháng 1.1943 ông ra ứng cử Đại Biểu Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đơn vị Thừa Thiên và được sự ủng hộ của giới Phật tử trẻ tuổi nên đắc cử Đây là lần đầu tiên một nhà sư trực tiếp hoạt động chính trị nên một số vị lãnh đạo Sơn Môn và các cư sĩ lớn tuổi không tán thành.
Năm 1946, ông được mời làm Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc Thừa Thiên. Mặc dù biết rất rõ rằng xây dựng phong trào Phật Giáo dân tộc bên cạnh người Cộng sản rất khó, nhưng ông quan niệm người Phật tử phải có mặt ở đó để bênh vực, che chở cho những Phật tử phục vụ trong hàng ngũ kháng chiến. Vì vậy trong buổi họp mặt năm 1947 tại chùa Thế Chí ở Thừa Thiên với một số Phật tử trẻ đồng chí hướng thảo luận về tương lai Phật Giáo trong tình huống hiện tại, trước khi rút về chiến khu, ông giao nhiệm vụ cho những người ở lại cố gắng dựng lại chùa, quy tụ Phật tử lại để sinh hoạt và phục hồi phong trào Phật Giáo. Ông trao cho họ tất cả tiền quỹ của tạp chí Giải Thoát và dặn họ dùng tiền này cố gắng xuất bản một tờ báo tại Huế để tiếp tục công trình của tạp chí Giải Thoát. Những người ở lại đó sau này trở thành những khuôn mặt nổi bật của Phật Giáo Việt Nam như Hòa Thượng Minh Châu, Thiên Ân, Mãn Giác, cư sĩ Cao Hữu Đính …
Không thể làm ngơ trước chính sách đàn áp Phật Giáo ngày càng lộ liễu của Cộng Sản, ông công khai chống đối chế độ và bị quản thúc tại Nghệ An từ năm 1957. Cộng Sản cô lập ông không cho ông đi đâu, cũng không cho bất cứ ai tiếp xúc với ông, nhưng ông không chết đói nhờ đồng bào thỉnh thoảng lén ném vào sân cho ông một túi gạo nhỏ. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ông vẫn viết được tác phẩm Thế Giới Quan Phật Giáo trước khi viên tịch vào năm 1961. Bản thảo này sau đó được chuyển vào Nam và được tạp chí Vạn Hạnh xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn. Tác phẩm này nói về sự cần thiết của đạo Phật trong trào lưu chính trị, văn hóa và kinh tế hiện đại, trong đó ông phê bình sự nông cạn của chủ nghĩa Duy Vật và khẳng định Phật Giáo không duy vật, chẳng duy tâm.
Sư Mật Thể là người có chí nguyện lớn và sẵn sàng hành động để thực hiện chí nguyện đó. Ông là hình ảnh tiêu biểu của lý tưởng Bồ Tát trong Lục Độ Tập Kinh. Trong suốt chiều dài lịch sử Phật Giáo Việt Nam, hình ảnh Phật Giáo dấn thân đó luôn luôn xuất hiện vào mỗi thời nhân dân khốn khó điêu linh.