Năm 1944

Năm 1944 (Giáp Thân – PL.2488), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày 18 tháng 2 năm Giáp Thân, Ni cô Nhựt Trinh – Liễu Tánh (1916-1982) được Thiền sư Ngộ Pháp Tạng (tức Tổ Phước Trường) ban pháp danh Nhựt Trinh, tự Phổ Tiết, hiệu Liễu Tánh, ấn chứng, phú pháp kệ :

“Nhựt chiếu huyền quang tối thượng thiền,

Trinh tường diệu pháp xuất tâm điền,

Phổ thông lục trí siêu quần hớn,

Tiết độ nhơn gian kết thắng duyên” (HTCNVN).

– Ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thân, Hòa thượng Thích Thanh Tín (1861-1944), thế danh Trần Văn Đẩu, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 38, Tổ sáng lập chùa Thiên Phước (Cần Đước, Long An), viên tịch, thọ 84 tuổi.

– Ngày 20 tháng 4 năm Giáp Thân, Hòa thượng Ấn Lãnh – Hoằng Thạc (1873-1944) thế danh Từ Thanh Trân, pháp danh Ấn Lãnh, tự Tổ Tông, hiệu Hoằng Thạc, sinh tại xã Nghĩa H a, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Thạch Sơn (Quảng Ngãi), viên tịch, thọ  72 tuổi.

– Ngày 13 tháng 5 năm Giáp Thân, Hòa thượng Thích Hồng Phước (1885-1944), thế danh Nguyễn Văn Thiêu, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Phước Hậu (Đức Hòa, Long An), viên tịch, thọ 60 tuổi.

– Ngày 15 tháng 6 năm Giáp Thân, Hòa thượng Lệ Hóa – Thiện Thắng (1863-1944), thế danh Nguyễn Văn Hóa, húy Lệ Hóa, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 42, Tổ khai sơn chùa Linh Bửu (Cần Đước, Long An), viên tịch, thọ 83 tuổi.

– Ngày 23 tháng 8 năm Giáp Thân, Hòa thượng Tâm Quang – Thiện Niệm (1876-1944), húy Cảo Ninh, pháp danh Tâm Quang, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, trụ trì chùa Viên Giác (Bến Tre), viên tịch, thọ 69 tuổi.

– Tháng 12, Đại đức Tăng Đức Bổn (1917-2000) người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thuộc Tông Tào Động, đời thứ 53, sang Việt Nam hành đạo, đến Cù Lao Phố – Biên Hòa vận động đồng bào người Hoa xây dựng chùa Phụng Sơn.

– Đại đức Thích Thanh Tuyền (1914-1994) thuộc Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế, Trung Quốc, sang Việt Nam hoằng đạo, cùng đi với ngài có 2 đệ tử là pháp sư Ninh Hùng và Diệu Hoa.

– Đại đức Hồng Diệp – Bửu Ngọc (1916-1994) cùng với các pháp lữ Thiện Hòa lên đường ra Bắc tham học tại chùa Quán Sứ – Hà Nội với Tổ Cồn, Tổ Bằng Sở, Tổ Đồng Đắc…

– Đại đức Hồng Đạo – Bửu Ý (1917-1996) mở trường Phật học tại Tổ đình Long Thạnh ở Bà Hom, nay tại C15/20, tỉnh lộ 10, ấp 3, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, Tp. HCM, để truyền dạy Phật pháp cho tăng ni.

– Các lớp Đại, Trung và Tiểu học của trường Sơn Môn Phật Học dời về chùa Linh Quang nay tại Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại đức Tâm Như – Trí Thủ (1909-11984) được Sơn Môn Tăng Già giao phó nhiệm vụ Giám viện kiêm trụ trì chùa này (TSDTVN).

– Thượng tọa Chơn Trung – Diệu Quang (1891-1952) khai sơn chùa Kim Liên tại xứ Đồng Ké, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

– Đại đức Như Bình – Huyền Tịnh (1914-2003) đảm nhận trụ trì chùa Thiên Bút (Quảng Ngãi).

– Thượng tọa Chơn Phước – Huệ Pháp (1887-1975) được triều đình Huế sắc chỉ khâm ban Đạo điệp Tăng cang và Sắc tứ chùa Minh Tịnh (chùa do ngài kiến tạo).

– Thiền sư Chơn Bích – Trí Huy (1917-1970) kế thế trụ trì chùa Phổ Quang thuộc quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

– Hòa thượng Thích Vĩnh Sung (1878-1951) khai sơn chùa Liên Thành tại Hốc Nai, làng Phú Trường, Phú Long (Bình Thuận).

– Hòa thượng Trừng Hữu – Chơn Châu (?-1944), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, trụ trì chùa Long Quang (Tuy Phong – Bình Thuận), viên tịch.

– Sư cô Hồng Lầu – Diệu Tấn (1910-1947) mở Trường Hương tại chùa Kim Sơn (Sài Gòn – Gia Định), thỉnh Sư trưởng Huê Lâm làm Thiền chủ, Sư cô làm Chủ hương.

– Năm 1944 – 1945, Thượng tọa Tâm Nhất – Mật Thể (1912-1961) được cử giữ chức trụ trì chùa Phổ Quang (Huế).

– Đại đức Tâm Như – Mật Nguyện (1911-1972) khai sơn chùa Bảo Tràng Huệ Giác tại Hòa Tân, Nha Trang.

– Chùa Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế mở Đại giới đàn, Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1878-1979) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết làm Yết Ma, Hòa thượng Như Đông – Đắc Quang làm Giáo thọ.

– Thượng tọa Trừng Kệ – Tôn Thắng (1889-1976) được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho đại giới đàn chùa Thiên Đức thuộc xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

– Thượng tọa Trừng Phong – Phước Nhàn (1886-1962) được cung thỉnh làm Giới sư (Nội đàn chủ sám) cho giới đàn chùa Thanh Long ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

– Thượng tọa Chơn Miên – Trí Hưng (1908-1986) được cung thỉnh làm Giới sư cho đại giới đàn chùa Thiên Phước, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

– Hòa thượng Như Tín – Khánh Thông (1870-1953) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Bửu Sơn tại làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

– Thiền sư Chơn Trí – Pháp Hải (1895-1961) về trụ trì Tổ đình Long Phước nay tại số 129/9, đường 8/3, phường 5, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Hòa thượng Ngộ Hòa – Bửu Phước (1883-1944), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì Tổ đình Long Phước (Vĩnh Long), viên tịch, thọ 62 tuổi.

– Thiền sư Trí Ấn – Nhật Liên (1923-2010) được cử về giảng dạy cho Thích Học đường của Hội Lưỡng Xuyên Phật học tỉnh Trà Vinh. Năm sau (1945), ngài đến giảng dạy tại chùa Phật Quang (Phan Thiết).

– Đại đức Trừng Thí – Pháp Thân kế thế trụ trì chùa Hội Linh hiện tại số 314/36, đường Cách Mạng Tháng Tám, Tp. Cần Thơ (1944-1970).

– Chùa Minh Tịnh nay tại số 35, đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, được triều đình Huế ban biển Sắc tứ và cấp Giới đao Độ điệp, đồng thời cử Thiền sư Chơn Phước – Huệ Pháp (1887-1975) làm Tăng cang chùa này (do ngài khai sáng năm 1918).

– Hòa thượng Như Tấn – Từ Tâm (?-1944), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, Tổ khai sơn chùa Bình Long (Thuận An, Bình Dương), thị tịch tại Côn Đảo.

– Đại đức Chơn Vinh – Bích Truyền (1911-1961) trùng tu chánh điện chùa Phật Quang nay ở đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

– Đại đức Hồng Thọ – Thới An (1912-1985) được mời làm trụ trì chùa Long An (Sa Đéc) cùng với ĐĐ. Khánh Phước và ĐĐ. Thiện Tường (Tiểu Sử Chư Hòa thượng Tôn Sư, Môn đồ đệ tử Tổ đình Đông Hưng – Tổ đình Giác Nguyên phụng ấn cúng dường, bản lưu tại Thư viện Huệ Quang, Tp. HCM).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.