Ngày 25/11/1951, một lễ kỳ siêu được tổ chức tại chùa Giác Ngộ. Buổi lễ đã quy tụ đông đảo các bậc tôn túc cùng các Tăng Ni, Phật tử, các cư sĩ và giới trí thức Nam Việt tham gia. Trước cơ duyên thuận lợi như vậy, Chư vị hòa thượng chùa Bình Hòa, Giác Ngộ, Hưng Long, Bảo Quốc đứng ra kêu gọi các Tăng, Ni, Phật tử đồng tâm nhất trí thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng tại Nam Việt, đồng thời suy cử Hòa thượng chùa Trường Thạnh và chùa Phật Ấn làm Chứng minh cho Giáo hội. Và để có thể đi vào hoạt động một cách hợp pháp, các Tăng, Ni, Phật tử đã khởi thảo một bản điều lệ, quy tắc cùng một tờ trình gửi lên chính quyền đương thời. Trên cơ sở đó, ngày 25/1/1952, Thủ hiến Phủ Nam Việt cấp Giấy phép Số 270-VP/HCSV, cho phép Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt đi vào hoạt động. Hội quán lâm thời đặt tại chùa Phật Ấn, Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn và Văn phòng Thường Trực đặt tại chùa Thiên Tôn, số 9, đường An Bình, Chợ Lớn. Đại hội đã bầu Ban Chức sự gồm:
1) Tăng trưởng: Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Trường Thạnh (tương tự như chức Tăng thống).
2) Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Pháp Nhạc, chùa Long An.
3) Tăng giám: Hòa thượng Thành Đạo, chùa Phật Ấn.
4) Phó Tăng giám: Hòa thượng Minh Đức, chùa Thiên Tôn.
5) Tổng Thư ký: Thượng tọa Huệ Chí.
6) Thủ quỹ: cư sĩ Đoàn Trung Còn.
7) Hòa thượng Pháp Lan, chùa Khánh Hưng.
8) Hòa thượng Huệ Thành, chùa Long Thiền, Biên Hòa, Đệ nhất Phó Tăng giám kiêm Trưởng ban Hoằng pháp.
Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt xuất bản Phật học tạp chí và mở Khánh Hòa Phật học Tùng thư.
Tôn chỉ của Giáo hội là đoàn kết trên tinh thần Lục Hòa, truyền bá chính pháp, giữ gìn truyền thống yêu nước. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1922) tại Nam Bộ.
Hòa thượng Thích Thiện Thuận (1900 – 1973) trụ trì chùa Giác Lâm quyết định tham gia vào tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng. Ngài cùng Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng làm nơi bồi dưỡng đào tạo Tăng tài lấy tên là “Trường Lục Hòa”. Cũng tại đây, thành lập cơ sở in ấn “Phật học tạp chí” cơ quan ngôn luận của Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng tạp chí chỉ ra được vài số thì đình bản vì không đủ nhân lực và tài lực.