Năm 1952 (theo HT Trí Quang), để đề phòng sự tan rã của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vì chính quyền Trần Văn Hữu và sau đó Nguyễn Văn Tâm gây nhiều khó khăn, ba tổ chức tăng già họp đại hội thành lập Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. HT Tuệ Tạng (Thích Thanh Thuyên) được bầu làm Thượng Thủ, chỉ đạo Ban Tổng Trị Sự. Đại hội cũng thông qua Quy Chế Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc.
HT Tuệ Tạng (1889 – 1959) sinh tại Nam Định, xuất gia năm 14 tuổi, thọ giới sa di năm 16 tuổi, sau đó được cử đi trụ trì chùa Cồn ở Nam Định trước khi thọ giới tỳ kheo.
Năm 1920 ông cùng với sư tổ một số chùa ở Nam Định lập hội Tiến Đức Cảnh Sách để đào tạo tăng ni thành một đoàn thể có học và hạnh không phân biệt sơn môn.
Năm 1934, ông cùng sư tổ chùa Trung Hậu, chùa Bằng Sở, TT Trí Hải và cư sĩ Thiều Chửu lập Hội Phật Giáo Việt Nam, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Năm 1941 đến 1945 ông kiêm nhiệm giám đốc và đốc giáo trường Tăng Học Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh, vừa lo ăn vừa lo dạy cho hơn 50 tăng sinh khi trường phải di chuyển từ chùa này qua chùa khác trước khi trở lại chùa Quán Sứ và được cụ Hội Trưởng Hội Tế Sinh Bắc Việt cúng dường một ngôi chùa, một trường tăng học và 100 mẫu ruộng ở tỉnh Phúc Yên.
Đầu năm 1945, thời Nhật chiếm đóng, ông nhận trách nhiệm Chánh Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1946, ông xin từ chức, trở về chùa Cồn, Nam Định tu dưỡng. Cho tới năm 1949, thường có khoảng hơn 60 tăng sinh theo học với ông. Ông tịch ngày 10 tháng 5. 1959 tại Nam Định. Ông được tăng chúng kính nể là người thuộc luật tạng và trì luật bậc nhất.
Năm 1952 Phái đoàn Phật Giáo Tích Lan trên đường biển tham dự Đại Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhists) kỳ II tổ chức tại Tokyo có đem theo một viên ngọc Xá Lợi tặng Hội Phật Giáo Nhật Bản. Vì tầu thủy sẽ ghé lại cảng Sài Gòn 24 tiếng, Chủ Tịch Hội LHPGTG, tiến sĩ Malalasekeka đánh điện thông báo cho HT Tố Liên ( đại diện Hội LHPGTG tại VN). TT Tố Liên được sự đồng ý của các tập đoàn trong Tổng Hội Phật Giáo VN đã ủy nhiệm cho Hội Phật Học Nam Việt tổ chức lễ cung nghinh tại Sài Gòn để Phật tử có cơ hội lần đầu tiên chiêm bái Xá Lợi Phật. Cư sĩ Mai Thọ Truyền lập tức vận động thành lập Ủy Ban Liên Phái gồm 11 đoàn thể Phật Giáo để tổ chức lễ cung nghinh Xá Lợi Phật.
Ngày 13 tháng 9. 1952, một cuộc diễn hành từ cảng Sài Gòn qua nhiều đại lộ, có xe hoa trưng cờ 5 sắc của Phật Giáo và các đoàn thể Gia Đình Phật Tử trong đồng phục và cờ hiệu riêng hộ tống. Một bàn thờ được tôn trí tại trường đại học Sài Gòn để đặt Xá Lợi cho đồng bào chiêm bái. Nửa triệu người quỳ xuống hai bên đường khi xe Xá Lợi Phật đi qua trong cảm tưởng phấn khởi như thấy được Phật.
Báo chí toàn quốc đều có bài tường thuật về cuộc diễn hành này. Cuộc diễn hành gây kinh ngạc cho chính quyền Việt Pháp về khả năng tổ chức và tiềm lực lớn lao không ngờ của Phật Giáo Việt Nam. Nhờ vậy, họ giảm bớt sự khó khăn gây cho Tổng Hội Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc. Phong trào Chấn Hưng và Thống Nhất Phật Giáo cũng do đó được các Phật tử từ Nam chí Bắc đón nhận nồng hậu.
Năm 1953 sau khi tham dự Hội Nghị Thành Lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhists) tại Colombo, thủ đô Tích Lan, năm 1950, Phật Giáo Việt Nam có cơ hội trao đổi văn hóa Phật Giáo với các nước trong tổ chức này. Với các học bổng nhận được từ các nước Nhật Bản, Tích Lan và Ấn Độ, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đề cử các Đại Đức trẻ tuổi Tâm Giác, Thanh Kiểm, Quảng Độ, Phúc Tuệ ( Bắc), Thiện Ân, Trí Không, Minh Châu (Trung), Quảng Minh và Huyền Dung (Nam) đi du học tại các nước trên. Nhờ chương trình tăng ni du học bắt đầu từ năm 1953, Phật Giáo Miền Nam có được những nhân tài cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển Giáo Hội từ đầu năm 1964. Đại đức Trí Không hoàn tục trong thời gian du học trở thành cư sĩ T.Q.T, sau năm 1963 trở thành Bộ Trưởng Xã Hội rồi Nghị Sĩ.