Năm 1983, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926, xuất gia năm 16 tuổi) mở khóa tu mùa hè đầu tiên với 117 thiền sinh tham dự tại Làng Hồng. Làng Hồng, sau đổi tên thành làng Mai vì trồng nhiều cây mận, được thành lập vào cuối năm 1982 ở gần tỉnh Bordeax nước Pháp. Gồm 3 nông trại cách xa nhau, làng Mai bắt đầu với Xóm Hạ cuối tháng 9 năm 82. Hiện nay làng Mai gồm 7 xóm: Xóm Thượng, Trung, Đoài (một nông trại) – Xóm Hạ (một nông trại) – Xóm Mới, Mới Đầu Thôn, Mới Lưng Đồi (một nông trại). Mỗi xóm được thiết trí gần gũi với khung cảnh VN, có một ngôi chùa thờ Phật Thích Ca và Khương Tăng Hội (được Sư Ông Nhất Hạnh coi là sơ tổ Thiền Tông Việt Nam). Chi phí điều hành Làng Mai phần lớn được đài thọ bởi tiền tác quyền các sách của sư ông Nhất Hạnh và lệ phí thu từ các người tham dự các khóa tu. Có lẽ vì vậy mỗi năm ông đều ra mắt ít nhất một tác phẩm Anh (thường do Parralax Press xuất bản) và Việt Ngữ (do Lá Bối xuất bản). Sư cô Chân Không là đệ tử phụ tá đắc lực của ông và là một nhà quản trị nhiều tài năng qua các giai đoạn điều hành và phát triển Làng Mai.
Làng Mai thực hiện chương trình 4 năm đào tạo người xuất gia và sau tu học 5 năm sẽ trở thành Giáo Thọ. Hiện nay làng có 70 giáo thọ xuất gia và 30 giáo thọ tại gia. Ngoài ra có 700 người ở nhiều nơi gia nhập dòng tu Tiếp Hiện do Sư Ông Nhất Hạnh chủ xướng. Dòng Tiếp Hiện có 14 giới, ngũ giới thông thường được gọi là 5 chánh niệm, được thành lập tại Việt nam vào năm 1962 với 6 đệ tử đầu tiên (trong đó có sư cô Chân Không và Nhất Chi Mai). Tác phẩm Bước Tới Thảnh Thơi do Lá Bối xuất bản giới thiệu về giới luật của Làng Mai và dòng Tiếp Hiện (bản tiếng Anh Interbeing , Parallax Press xuất bản).
Sư ông Nhất Hạnh sinh năm 1926, xuất gia năm 16 tuổi. Ông tự học Anh và Pháp Ngữ từ 1950.
Đầu năm 1964, ông khởi xướng Phong Trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trong giới sinh viên Phật Tử với 2 làng thí điểm Cầu Kinh và Thảo Điền gần Sài Gòn (gọi là làng hoa tiêu).
Năm 1966, chính quyền VNCH không cho phép ông trở về VN và không cho phép xuất bản các tác phẩm ký tên Nhất Hạnh. Tuy nhiên, nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn vẫn xuất bản nhiều tác phẩm của ông dưới các bút hiệu khác nhau. Ông được mục sư Luther King ( giải Nobel Hòa Bình 1964) đề nghị ông là ứng viên tranh giải Nobel Hòa Bình năm 1966. Năm đó không có ứng viên nào được Quốc Hội Na Uy trao giải này.
Năm 1976 – 1978, ông nỗ lực trong việc vận động quốc tế cứu giúp các người tị nạn VN, và đã thuê tàu ra biển Đông vớt thuyền nhân lén đưa vào bờ, được ít lâu thì nhóm của ông bị chính phủ Singapore trục xuất. Ông đã được mời giảng pháp tại 35 quốc gia, quốc gia sau cùng là Trung Cộng vào năm 1999.