Năm (269 – 232 BC), Triều đại vua A Dục (Asoka Moriya).
Năm 253 BC, nhà vua bảo trợ Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 3 dưới quyền chủ tọa của Trưởng Lão Moggaliputta với cả ngàn tỳ kheo tham dự. Trong 9 tháng làm việc, Đại Hội đi tới hai quyết định quan trọng:
1 – Công nhận một số kinh điển trước đây đã bị loại bỏ ra ngoài khối kinh điển nguyên thủy của Thượng Tọa Bộ,
2 – Chấp nhận các tác phẩm có tính lý luận học thuật vào bộ thánh điển, gọi là Luận A-tỳ-đàm hay Thắng Pháp; Luận Tạng được công nhận là thánh điển Phật giáo kể từ đây, trở thành Tạng thứ ba trong Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo. Theo một vài tài liệu khác (như Thích Phước Sơn, Lịch Sử Kết Tập Kinh Điển), Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần ba xảy ra vào năm 325 BC, vì được ước tính sau khi Phật nhập Niết Bàn 218 năm.
Vua A Dục còn cử nhiều phái đoàn chư tăng đi hoàng pháp ở nước ngoài. phái đoàn đầu tiên do hoàng tử Mahinda hướng dẫn tới Tích Lan (Sri Lanka). Nhờ đó kinh tạng Pali được bảo tồn gần như nguyên vẹn tại đây cho tới ngày nay. Một trong những phái đoàn truyền giáo do vua A Dục cử đi do Sona và Uttara hướng dẫn có thể đã tới vùng Đông Nam Á và nước ta. Cho tới những năm từ 380 tới 420, những người đi lượm củi ở vùng Đồ Sơn còn thấy chùa và tháp do dân địa phương dựng tại thành Nê Lê để tưởng nhớ công đức của vua A Dục. Tháp này tại núi Mẹ (Mẫu Sơn) ở Đồ Sơn. Sau này, tháp Long Tường do vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) xây trên nền tháp cũ. Theo HT Đức Nhuận (ĐPVDSV), trong tám bài thơ xưa Đồ Sơn Bát Vịnh, hai câu đầu củabài thứ 5: Cổ tháp di hư loạn thảo đôi, Dục vương khứ hậu ủy yên đồi. (Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời, Vua Dục đi, vua sau cũng đổ luôn).
Các sắc dụ của vua A Dục khắc trên đá thường phù hợp với ngôn ngữ địa phương để dân nơi đó có thể hiểu được. Vì vậy, phái đoàn truyền giáo của vua A Dục đến nước ta hẳn đã được học ngôn ngữ xứ Văn Lang để có thể tiếp xúc với dân địa phương một cách thuận tiện.
Lúc đó, theo truyền thuyết, nước ta thuộc đời Hùng Vương thứ 18 (chấm dứt vào năm 257 BC) và nhà Thục (257 BC – 207 BC). Sử gia Lê Mạnh Thát cho rằng nhà Thục là một triều đại không có thực, chỉ là một truyền thuyết xuất hiện khoảng năm 400 phỏng theo bản anh hùng ca Mahàbharatà của Ấn Độ (LSPGVN 1, tr. 602). Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cũng đã nêu lên từ giữa thế kỷ 19 và Ngô Tất Tố đặt thành vấn đề trên báo Tao Đàn ngày 1 tháng 3.1935 về vấn đề không có nhà Thục trong sử Việt.
Thế kỷ 3 – Thế kỷ 2 BC nhà sư Phật Quang ( còn gọi là sư Bần, gốc Ấn Độ) lập bàn thờ Phật tại một hang núi ở núi Mẹ (Đồ Sơn), tu và tịch tại đây vào cuối đời Hùng Vương. Hiện nay, nơi đây có ngôi chùa gọi là chùa Hang. Khi Chử Đồng Tử ghé thuyền vào núi Quỳnh Viên (núi Mẹ hay Mẫu Sơn, ở Đồ Sơn) để lấy nước ngọt, gặp ông, được ông truyền pháp, trao cho gậy và nón. Chử Đồng Tử nhận lãnh, về truyền pháp lại cho vợ là công chúa Tiên Dung. Hai người được coi là Phật tử đầu tiên tại nước ta. Sự tích này đầu tiên được Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời Trần ghi lại trong tác phẩm Lĩnh Nam Trích Quái. Lê Mạnh Thát (LSPGVN 1) cho rằng núi Quỳnh Viên ở Cửa Sót, Nghệ An, một vùng lúc đó chưa thuộc nước ta. Theo HT Đức Nhuận (ĐPVDSV), bảo tháp do dân địa phương dựng để ghi nhớ công ơn đoàn truyền giáo của vua A Dục và hang núi sư Phật Quang tu cùng ở tại núi Mẹ (Mẫu Sơn) tại Đồ Sơn.
Công chúa Tiên Dung con vua Hùng Vương thứ 18 (theo Lê Mạnh Thát, LSPGVN 1, có thể thuộc đời vua Hùng Nghị Vương, đời Hùng Vương thứ 17), vì lấy Chử Đồng Tử một anh đánh cá nghèo tới mức phải chia chung cái khố với bố, bị vua cha trục xuất cả hai ra khỏi nước. Hai vợ chồng lập phố xá buôn bán để sanh sống, lênh đênh ra khắp nước ngoài. Sau này, Chử Đồng Tử được thờ ở Đền Trung trong hệ thống Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ. Tại phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên cũng có đền thờ Chử Đồng Tử.
Các sử sách đời trước đều nhất quán cho rằng thời Hùng Vương chấm dứt vào khoảng năm 257 BC, sau khi bị Thục Phán đánh bại. Giả thiết như vậy, sự kiện Chử Đồng Tử được sư Bần (sư Phật Quang) truyền pháp có thể xảy ra trước thời vua A Dục ở Ấn Độ lên ngôi. Phái đoàn truyền giáo của vua A Dục có mục đích tìm đến đại chúng để giáo hóa theo Phật pháp, nên không thể chọn một hang núi vắng vẻ để tu như sư Phật Quang.
Vào thời Hùng Vương, thành Luy Lâu (nay thuộc Bắc Ninh) là một trung tâm thương mại đón nhận nhiều thương gia Ấn Độ. Các tăng sĩ Ấn Độ đi theo các thuyền buôn này đem sinh hoạt Phật giáo đến nước ta. Chùa Yên Trì (nay thuộc Hà Nội) có lẽ được xây vào thời kỳ này.
HT Thích Đức Nhuận (ĐPVDSV) cho rằng vào thế kỷ 3 BC, có phong trào di dân rộng lớn tại Ấn từ xứ Kalinga sang phía Đông và xuống phía Nam, có thể đưa một số tăng sĩ Phật giáo Ấn tới nước ta. TT Thích Mật Thể (VNPGSL tr. 69) dẫn theo Sylvain và Pelliot cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ giao thương với nhau từ năm 245 BC qua cửa ngõ đất Văn Lang làm trung gian.