Năm 425, Đàm Hoằng từ miền bắc Trung Hoa tìm tới chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh tu học và chuyên trì kinh Vô Lượng Thọ và Thập Lục Quán, pháp môn Tịnh Độ. Ông tự thiêu năm 455. Ông giúp cho tín ngưỡng A Di Đà phát triển mạnh ở nước ta trở thành phong trào, đến mức có những nhà sư Trung Quốc đã tìm đến Giao Châu để tu học pháp môn này tại trung tâm Phật giáo Tiêu Sơn.
Vào thời ông, nghệ thuật chùa Tiên Sơn (ở núi Tiên, cửa Tây thành Long Biên) bắt đầu phát triển mà nét đặc sắc là biểu tượng Phật qua hình ảnh hoa sen nằm giữa lá Bồ Đề thay vì hình tượng người.
Trong suốt chiều dài lịch sử Phật Giáo nước ta, Tịnh Độ không đứng biệt lập như ở Trung Quốc hay Nhật Bản. Vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) dù là đệ tử truyền thừa đời thứ nhất của thiền phái Thảo Đường, vẫn sai tạc tượng A Di Đà bằng đá ở Tiên Du Bắc Ninh rất độc đáo. Trong tác phẩm Khóa Hư Lục, vua Trần Thái Tông (1225 – 1258) viết hẳn một chương Niệm Phật Luận. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 – 1726) dù là truyền thừa của cả hai dòng Thiền Lâm Tế lẫn Trúc Lâm và được xưng tụng là người phục hồi dòng Thiền Trúc Lâm, vẫn viết 3 tác phẩm về Tịnh Độ trong số 14 tác phẩm của ông còn được truyền lại tới nay.