Năm 520

Vào năm 520, một cuộc tranh luận lịch sử giữa Trương Tân (đạo Lão) và Đàm Vô Thắng (Phật giáo) được tổ chức ngay tại triều đình trước sự chứng kiến của Hiếu Minh Đế (Bắc Ngụy). Chủ thuyết của Trương Tân cho rằng Lão Tử sanh vào năm 605 TCN, và đã cải hóa đức Phật trở thành hầu cận của mình vào năm 519 TCN trong chuyến Tây du của ngài. Luận cứ của Trương Tân dựa trên “Lão Tử Khai Thiên Kinh”. Kinh sách hiện tồn của đạo Lão có tác phẩm này, nhưng không hề đề cập đến sự kiện Tây du và cải hóa man di1Cần lưu ý một đạo sĩ khác –Huang-fu Mi (215-246) ghi rằng Lão Tử sanh và thế kỷ thứ 12 TCN. Bên cạnh ấy, cuốn “Hóa Hồ Kinh” được tìm thấy ở Ðôn Hoàng còn ghi là Lão Tử từng xuất hiện trong triều đại vua Yang-chia của nhà Thương (1400-1401). .
Đối lại thuyết trên, Đàm Vô Thắng nói rằng đức Phật sanh vào ngày 8 tháng 04 năm 1029 TCN và nhập Niết-bàn ngày 15 tháng 02 năm 950 TCN. “Châu Thơ Dị Ký và Hán Pháp Bổn Nội Truyện” là nền tảng của luận cứ trên. Hai cuốn sách này là do giới Phật giáo ngụy tác trước năm 520. Niên đại 1029-950 TCN rõ ràng là quá khác biệt với lịch sử đức Phật, nhưng mục đích của Phật giáo đồ khi ngụy tác chúng là nhằm giải quyết một số vấn đề. Trước hết, một trong những lời buộc tội của chủ nghĩa địa phương đối với Phật giáo rằng tôn giáo ngoại lai này là điềm xấu và đã làm cho các triều đại sớm bị sụp đổ. Để chống lại luận điểm ấy, giới Phật giáo ngụy tác sách vở với nội dung rằng đạo Phật du nhập vào Trung Hoa ngay sau ngày Phật Niết-bàn (950 TCN). Điều đó chứng tỏ rằng Phật giáo đến Trung Quốc vào lúc nhà Thương lập nước, nhưng triều đại nhà Thương lại tồn tại hơn 800 năm. Do vậy lời buộc tội ấy hoàn toàn không có cơ sở. Thứ đến, giới Phật tử cũng loại bỏ giả thuyết cho rằng giáo chủ của họ là đệ tử của Lão Tử. Để đạt được mục đích này, họ ngụy tác một số kinh điển với nội dung rằng trong thực tế Lão Tử là học trò của đức Phật; cụ thể là cuốn “Chính Vu Luận”, có lẽ được biên soạn vào triều đại Đông Tấn. Một tác phẩm khác đề cập chi tiết về vấn đề này là “Thanh Tịnh Pháp Hành Kinh”, ghi rằng đức Phật đã phái ba đại đệ tử đến Trung Quốc để truyền bá Phật pháp và cải hóa quần chúng. Một trong ba người ấy là Đại Ca Diếp (Mahàkàśyapa), và người Trung Hoa gọi là Lão Tử. Sau cuộc tranh cãi vào năm 520, Hiếu Mẫn Đế chỉ định một hội đồng gồm 170 học giả để biên soạn lịch sử triều đại Bắc Ngụy và kiểm chứng chủ thuyết của Trương Tân và cuốn “Khai Thiên Kinh”. Sau đó, hội đồng ấy đi đến kết luận Lão Tử chỉ truyền lại cho hậu thế cuốn “Đạo Đức Kinh”, gồm 5.000 từ và không còn gì khác nữa. Nhà vua ra lệnh hành hình Trương Tân vì tội dối gạt dân chúng, nhưng nhờ Bodhiruci (Bồ-đề-lưu-chi) can thiệp nên được miễn tội chết. Tất nhiên, giới đạo sĩ không dễ dàng chấp nhận thất bại ấy; vì vậy mâu thuẫn mỗi ngày mỗi căng thẳng và bùng nổ dưới thời trị vì của Võ Đế (561-577).
Ban đầu tuy không có ác cảm với Phật giáo, Võ Đế vẫn không hài lòng với sự phổ biến rộng rãi của tôn giáo ngoại quốc này. Mặc dù sinh ra trong bộ tộc biên cương, Võ Đế vẫn tự xem mình là dân tộc Trung Hoa chính thống, cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Ông cho rằng tôn giáo ngoại lai (Phật giáo) thật sự là không phù hợp với phong tục và thể chế người Hán và cần phải loại trừ. Nhưng là một vị vua thông minh, Võ Đế không biểu lộ sự đối lập ấy một cách công khai vì ông nhận thức rõ ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo đối với nhân dân. Một nguyên nhân khác khiến Võ Đế lo sợ Phật giáo vì có lời đồn Phật giáo muốn cướp đoạt ngai vàng của ông. Người ta lưu ý rằng, vào thời điểm ấy, vua chúa Bắc Tề và Bắc Chu luôn bị ám ảnh bởi lời đồn rằng giới mặc đồ đen sẽ chiếm đoạt ngôi báu, mà tu sĩ Phật giáo lúc ấy cũng mặc y phục màu đen, cho dù màu đen không những phổ biến giữa quần chúng mà cả giới quan chức triều đình. Nhưng nguyên nhân đối lập chính của Võ Đế dẫn đến cuộc khủng bố Phật giáo phải kể đến vai trò của Vệ Nguyên Tung, người rất thích chuyện huyền bí và bói toán. Cần lưu ý lúc nhỏ ông ta từng là sa di của Tăng đoàn và học tập với một vị sư vô danh. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Szchuan nhưng ước ao có danh vọng để được bước chân vào triều nội, Vệ Nguyên Tung đến Trường An, kinh đô nhà Chu để tìm đường lập thân. Sớm nhận ra Phật giáo là tôn giáo thịnh hành nhất tại đây, Nguyên Tung nghĩ đến việc bôi nhọ và chống đối Phật giáo, vì đây là cách tốt nhất khiến triều đình chú ý. Ông ta lục lọi và tìm kiếm chứng cứ chống lại Phật giáo rồi làm cho nó đến tai của giới quan lại. Ban đầu dường như Võ Đế không quan tâm lắm, nhưng vì chuyện do Nguyên Tung bịa đặt luôn được mọi người bàn tán, vì thế tên tuổi của ông cũng đến tai nhà vua. Khi biết được nhà vua bắt đầu chú ý, vào năm 567 Vệ Nguyên Tung đệ trình bản kiến nghị lên bệ rồng, trong đó ông trình bày một số vấn đề mà đạo Phật đã và đang gây tổn hại cho quốc gia. Nguyên Tung nói rằng nhiều thành phần bất hảo của xã hội gia nhập Tăng đoàn, tạo nên mối lo cho chính thể; do vậy triều đình cần phải thanh lọc và thanh trừng Tăng già. Ông ta chống đối việc phụng thờ tháp tượng, vì việc làm ấy không làm tăng trưởng lợi ích cho nhân dân và nước nhà. Việc xây dựng chùa chiền làm tổn hao tài chánh của quốc gia và phí phạm sức lao động của người dân cần phải chấm dứt. Trong bản kiến nghị ấy, Nguyên Tung đề nghị tăng ni nên hoàn tục để lao động nhằm tạo ra nhu phẩm thiết yếu cho xã hội. Quan trọng hơn nữa, bản kiến nghị ấy đánh trúng suy nghĩ của Võ Đế khi xác định vua không phải là người man di mà là người Hán, vì nhà vua hoàn toàn ủng hộ phong tục và thể chế Trung Quốc. Nhờ vậy, nhà vua phong Nguyên Tung làm công tước. Tuy nhiên, vì cảm thấy chưa đúng lúc để ra tay đàn áp Phật giáo, Võ Đế giữ Vệ Nguyên Tung lại trong triều chờ đợi thời cơ. Trong thời gian này, Nguyên Tung dành nhiều thời gian vào việc thần thuật huyền bí. Nhờ sự tiến cử của ông, Trương Tân, một đạo sĩ khác cũng được trọng dụng. Cả hai cùng nhau mưu tính kế hoạch để khuấy động và làm gia tăng sự thù nghịch của Võ Đế đối với Phật giáo.
Vào thời gian này, vấn đề Phật giáo hay Lão giáo ra đời trước cũng được nhà vua quan tâm. Từ năm 568 trở đi, nhiều cuộc tranh luận về chủ đề “Hóa Hồ Kinh” do triều đình tổ chức, thậm chí có cả sự tham dự của hoàng đế, cho tu sĩ của hai tôn giáo này liên tục nổ ra. Có hàng trăm tu sĩ Phật giáo, Lão giáo cũng như học giả của Khổng giáo tham gia vào các cuộc tranh luận như thế. Vào năm 573, Võ Đế kết luận rằng Khổng giáo ra đời đầu tiên vì nó tiêu biểu cho hệ tư tưởng truyền thống của quốc gia; Lão giáo được xếp hàng thứ hai và sau cùng là Phật giáo. Phật giáo đồ không thỏa mãn với kết luận trên, thậm chí một số trong họ chỉ trích quan điểm của nhà vua. Điều đó khiến nhà vua điên tiết và làm cho ông ta càng chú ý đến lời khuyên của Vệ Nguyên Tung. Cuối cùng, Võ Đế ban hành chiếu chỉ bài trừ Phật giáo vào năm 574. Ảnh hưởng của Vệ Nguyên Tung đối với cuộc đàn áp Phật giáo có thể thấy rõ qua ngôn ngữ mà nhà vua dùng trong chiếu chỉ, vì nhiều ngôn từ được Nguyên Tung trình bày trong bản kiến nghị năm 567 được Võ Đế nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong chiếu chỉ 574, nhà vua ra lệnh phá hủy tất cả chùa chiền, Phật tượng và kinh sách; tăng ni phải hoàn tục; tài sản của Tăng già bị tịch biên và phân phát cho quan lại, hoàng tử và công tước. Cần lưu ý chiếu chỉ khủng bố ấy không chỉ nhắm đến Phật giáo mà cả Lão giáo, lý do là vì trong các cuộc tranh luận, số kinh sách ngụy tạo của đạo Lão đều bị học giả Phật giáo vạch trần. Do thế, nhà vua cho rằng Lão giáo cũng xấu xa như Phật giáo.
Năm 577, khi Võ Đế chiến thắng Bắc Tề, Phật giáo ở miền Bắc cũng chịu chung số phận. Sau khi tiến vào kinh đô Bắc Tề, Võ Đế ra lệnh triệu tập tất cả tăng ni trong vùng và tuyên bố chiếu chỉ loại trừ Phật giáo. Có một lần, nhà vua tuyên bố rằng cần phải khủng bố Phật giáo vì tôn giáo này không tôn trọng đạo hiếu, làm hao tổn tài sản và xúi giục bọn phản loạn. Theo Phí Trường Phòng[3], cuộc khủng bố dưới thời Võ Đế phá hủy toàn bộ chùa, tháp, Phật tượng mà nhân dân đã xây dựng qua hằng trăm thế kỷ. Hơn 03 triệu tăng ni phải hoàn tục và 40 ngàn ngôi chùa bị thành viên của các gia đình hoàng tộc chiếm cứ. Tuy nhiên, con số 03 triệu tăng ni trên có vẻ không chính xác và dường như bị khuyếch đại.
Theo một số sử gia, Vệ Nguyên Tung (cựu tu sĩ Phật giáo) là nhân vật chính đứng đằng sau cuộc khủng bố ấy nhưng giới sử gia Phật giáo như Tao-hsuan, Tao-shih, Chueh-an… thường đề cập cả Trương Tân và Nguyên Tung khi viết về giai đoạn lịch sử này. Tuy nhiên, Trương Tân lại bị họ buộc tội nhiều hơn là Nguyên Tung.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.