Kỳ pháp nạn lần thứ tư diễn ra dưới đời Hậu Chu (955 TL) kết thúc thời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu) 907-960 TL của lịch sử Trung Quốc, đưa Phật giáo nước này dần dần đi vào thời đuối sức không đủ lực để phát huy rực rỡ như trước nữa. Nhưng có một hiện tượng rõ rệt đã xảy ra dưới Tống triều là ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đối với Nho học Trung Quốc, vì nhờ những tư tưởng cao siêu của Phật giáo mà Nho học phục hưng được nền Khổng học và đã chứng kiến được sự nẩy nở ngoạn mục của đoá hoa Văn học Trung Quốc, mệnh danh là Lý Học. Chính nhờ có sự mở đường dung hoà của Nho giáo nhập thế với Đạo giáo (Lão, Trang) xuất thế, mà có một hệ thống triết học Tự nhiên-Siêu nhiên, do đó mà nền Nho học đời Tống, Minh mới thâu hoá được của Phật học những điểm thiếu sót ở Khổng học sơ thuỷ để trở thành một hệ thống triết lý nhân sinh đầy đủ cả Hình nhi thượng lẫn Hình nhi hạ học.