● Là tên vị Bồ-tát lớn thường xuất hiện chung với Bồ Tát Văn Thù trong các kinh điển đại thừa. Vì thân tướng cùng Công Đức của ngài thuần thiện, biến khắp, cho nên gọi là Phổ Hiền. Trong khi ngài Văn Thù được tôn xưng là vị Bồ-tát “đại trí” thì ngài Phổ Hiền được tôn xưng là vị Bồ-tát “đại hạnh”. TRÍ là để giác ngộ thành Phật; HẠNH là để giáo hóa độ sinh. Vì tâm đại bi, ngài nguyện luôn luôn dùng mọi phương tiện để tuyên dương Phật pháp, hóa hiện mọi thân tướng để cứu độ chúng sinh, ủng hộ tất cả những ai hành trì và hoằng dương Phật pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm có ghi mười điều nguyện lớn của ngài, như: Nguyện thường cung kính lễ bái chư Phật; nguyện thường khen ngợi Công Đức của chư Phật; v.v… Và ngài có nói: “Nếu có người tin tưởng sâu xa vào mười điều nguyện lớn này, rồi thọ trì đọc tụng, biên chép, giảng nói cho mọi người, người đó sẽ được vãng sinh về nước Cực-lạc…” Bởi vậy, tông Tịnh Độ tôn kính ngài, cũng như Bồ Tát Văn Thù, là vị Bồ-tát đã góp Công Đức vào việc xiển dương pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ. Ngài cùng với đức Bồ Tát Văn Thù, là hai vị hầu cận hai bên đức Thế Tôn. Đức Văn Thù cưỡi sư tử, ở bên trái Phật; đức Phổ Hiền cưỡi voi, ở bên phải Phật; đó là “Hoa Nghiêm Tam Thánh” (ba vị thánh của pháp hội Hoa Nghiêm).
Bồ Tát Phổ Hiền
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội