● Tên thật là Cơ Đán (1134-1116 trước Công nguyên), con trai thứ tư của Cơ Xương (Châu Văn Vương), em trai của Bá Ấp Khảo (bị Trụ Vương giết), Cơ Phát và Quản Thúc Tiên, nên còn gọi là Thúc Đán, hoặc ghép thành Châu Công Đán, do được phong thái ấp ở Châu Thành (nay thuộc huyện Phụng Tường, tỉnh Thiểm Tây) nên gọi là Châu Công. Con cháu của Châu Công là người nước Lỗ, nên Châu Công còn được gọi là Lỗ Châu Công
Khi Cơ Phát (Châu Vũ Vương) do hưng binh diệt Trụ mà lên ngôi, lập ra nhà Châu trị vì trong khoảng 900 năm., Cơ Đán làm quan, giúp anh ổn định triều chánh, phát triển quân đội nhà Châu. Khi Châu Vũ Vương bệnh nặng, Cơ Đán đã lập đàn tế trời, xin chết thay anh. Khi Cơ Phát sắp mất, đã ủy thác Cơ Đán phụ chánh phò tá thái tử Cơ Tụng (Châu Thành Vương) còn nhỏ lên ngôi vua. Ông đã giúp vua dẹp tan nội loạn (do ba người em là Quản Thúc Độ, Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Tiên dấy loạn, toan giúp Vũ Canh khôi phục nhà Thương). Ông định ra năm bậc quan chế: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, lập đẳng cấp trong xã hội, phong đất cho những công thần như phong đất Tề cho Khương Tử Nha, lập ra quy định cha chết truyền ngôi cho con trưởng để tránh tranh giành quyền lực, quy định lễ nhạc như tang phục, ngũ lễ, tam tòng, tứ đức, pháp luật, chú giải kinh Dịch (Tương truyền, phần Tượng trong kinh Dịch do ông viết. Vì thế sau này, có rất nhiều tác phẩm bói toán được gán cho ông làm tác giả, như cuốn Châu Công Giải Mộng chẳng hạn), đặt vững nền tảng cho Nho Giáo cũng như vương triều nhà Châu. Khi Thành Vương đã lớn, ông trao lại quyền hành, viết những bức thư cảnh tỉnh Thành Vương khi vua nghe lời gièm pha nghi ngờ lòng trung của ông.
Ông nổi tiếng là người hiền lương, trung chánh, chí công vô tư. Do vậy, ông được hậu thế xưng tụng là thánh nhân; đời Tống Chân Tông đã truy tặng ông là Văn Hiến Vương, và kinh điển Nho gia thường gọi ông bằng mỹ hiệu Nguyên Thánh. Trong sách Hiếu kinh, đức Khổng tử khen Châu công là bậc đại hiếu.