● Theo Nho gia, Đại Đồng là một thế giới toàn hảo, trong đó con người không có lòng vật dục riêng tư. Khái niệm này bắt nguồn từ thiên Lễ Vận sách Lễ Ký. Theo đó, Khổng Tử do có việc phải sang Lạp Tân, xong việc, đi du ngoạn, chợt thở dài vì cảm thán cho tình hình nước Lỗ. Ngôn Yển bèn hỏi nguyên cớ, Khổng Tử đáp: “Đại đạo được thực hành bởi ba vị thánh quân anh minh thời Tam Đại, Khâu tôi chưa đạt đến, nhưng sẵn chí mong mỏi. Hễ đại đạo được lưu hành thì thiên hạ đều là của chung. Chọn lựa người hiền, cử người tài năng, thành tín, hòa thuận. Cho nên con người chẳng chỉ lo phụng dưỡng cha mẹ của chính mình, chẳng lo nuôi dạy con cái của riêng mình, mà ắt sẽ khiến cho người già được chết an lành, kẻ trẻ khỏe được sử dụng đúng tài năng, trẻ thơ được trưởng thành, cứu giúp người góa bụa, những kẻ mồ côi, lẻ loi, tàn tật đều được giúp đỡ. Nam tròn bổn phận, nữ có nơi nương tựa. Vật dụng không bị vứt bỏ trên đất, nhưng chẳng giấu diếm cho riêng mình. Chẳng ngại ngần ra sức làm lụng, nhưng chẳng cậy công. Vì thế, những mưu mẹo bị ngăn chặn, không thể dấy lên được, trộm cắp, loạn tặc chẳng thể xảy ra. Do vậy, cổng ngõ chẳng cần phải đóng. Đó gọi là Đại Đồng”.
Đại Đồng
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội