● (334-416): bậc cao tăng ở đời Đông-Tấn (317- 420), được coi là vị Sơ-tổ của tông Tịnh Độ, Trung-quốc. Ngài họ Giả, người huyện Lâu-phiền, quận Nhạn-môn (nay là huyện Quách, tỉnh Sơn-tây); mới 13 tuổi đã du phương cầu học ở Hứa-xương, rồi Lạc-dương, thông hiểu cả sáu kinh của Nho gia (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) và Trang Tử. Năm 21 tuổi, ngài cùng với em là Tuệ Trì, đến Hằng-sơn nghe ngài Đạo An (312- 385) giảng kinh Bát Nhã. Nghe xong, ngài bừng tỉnh ngộ, than rằng: “Tất cả các phái học thuât của Nho gia và Đạo gia đều chỉ là rơm rác.” Rồi cùng với em xin xuất gia làm đệ tử của ngài Đạo An. Ngài tỏ ra sở đắc về tính Không của Bát Nhã, năm 24 tuổi đã có thể đăng tòa giảng thuyết, lại dùng Trang Tử để thuyết minh nghĩa lí chân thật của Phật giáo, làm cho những người từng hiểu lầm về Phật giáo, giờ đây đều được sáng tỏ. Từ đó, ngài Đạo An mới chấp nhận đề nghị của ngài là không chối bỏ sách vở thế tục trong việc diễn giảng. Năm 381, ngài đi về Nam, đến Lô-sơn (tỉnh Giang-tây), trú tại chùa Đông-lâm để hoằng pháp, đồ chúng theo học rất đông.
Tại đây, ngài để hết tâm lực vào việc nghiên cứu kinh điển, nhưng kinh sách lúc bấy giờ chưa có nhiều, cho nên ngài đã cho nhiều đệ tử đi các nơi để tìm cầu kinh luật luận (nhất là nơi các vị cao tăng từ Tây-vực sang), đem về dịch thuật và truyền bá. Năm 391 ngài thỉnh được sa môn Tăng Già Đề Bà (Samgha-deva, người nước Kế-tân – tức vùng Cashmir, Bắc Ấn-độ ngày nay) về, dịch được các bộ A Tì Đàm Tâm Luận, Tam Pháp Độ Luận, v.v… Ngài cũng thường giao dịch thư từ với sa môn Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) ở Trường-an, đồng thời gửi các đệ tử giỏi tới đó để học về hệ tư tưởng đại thừa của Bồ-tát Long Thọ. Năm 402, ngài với hàng trăm vị đồng đạo khác, cùng sáng lập Bạch-liên xã, chuyên tu pháp môn niệm Phật, hẹn nhau sẽ cùng vãng sinh về Tịnh-độ; ròng rã 30 năm không xuống núi. Nếu một khi có đưa khách thì chỉ đưa tới cầu Hổ Khê làm giới hạn.
Vua An Ðế đời Ðông Tấn, xa giá đến đất Tầm Dương, chiếu chỉ mời Tuệ Viễn hạ sơn, Tuệ Viễn lấy cớ vì bệnh già mà từ chối. Do đó, vua bèn sắc cho quan Thái Thú đất Cửu Giang, hằng năm, phải đưa đồ dùng cần thiết tới cung cấp. Ngài là người tinh thông cả nội điển lẫn ngoại điển, người đương thời đều kính ngưỡng. Trong khi ngài Cưu Ma La Thập xây dựng nên một trung tâm Phật giáo ở Trường-an, phương Bắc, thì chùa Đông-lâm ở Lô-sơn của ngài cũng trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng ở phương Nam. Đó là hai trung tâm tiêu biểu nhất của Phật giáo Trung-quốc thời bấy giờ. Ngài viên tịch năm 416, thọ 83 tuổi. Các vua Đường, Tống về sau có tứ tặng ngài các thụy hiệu là Biện Giác đại sư, Chánh Giác đại sư, Viên Ngộ đại sư, v.v… Trước tác của ngài có: Lô Sơn Tập (10 quyển), Vấn Đại Thừa Trung Thâm Nghĩa Thập Bát Khoa (3 quyển), Minh Báo Ứng Luận, Thích Tam Báo Luận, Biện Tâm Thức Luận, v.v…
● Vị cao tăng khác cũng có cùng pháp hiệu Tuệ Viễn (523-592), sống vào đời Tùy (581-618), họ Lí, người huyện Đôn-hoàng (tỉnh Cam-túc); cho nên, để phân biệt, người ta thường xưng là “Lô-sơn Tuệ Viễn”, và “Đôn-hoàng Tuệ Viễn” hay “Tịnh-cảnh tự Tuệ Viễn” (Tuệ Viễn chùa Tịnh-cảnh)