● (Uccheda-Drsti). Kiến chấp đoạn diệt (đoạn diệt kiến, hay đoạn kiến), Còn gọi là Đoạn Diệt Luận, phản nghĩa với Thường Kiến. Trong năm loại kiến chấp (ngũ kiến, ngũ ác kiến, hay ngũ lợi sử) có một loại gọi là “biên kiến”, tức là cái thấy cực đoan, cái thấy thiên về một bên. Cái thấy cực đoan lại gồm có hai loại: Một là thấy thường còn (thường kiến), tức là loại tà kiến cho rằng thế gian là thường trụ bất biến, con người có tự ngã trường tồn, sau khi xác thân này chết đi thì tự ngã ấy vẫn tồn tại vĩnh cửu, hoặc sẽ ở thiên đường đời đời, hoặc sẽ ở hỏa ngục vĩnh viễn, hoặc sẽ tiếp tục tái sinh làm người với tình trạng như cũ; hai là thấy mất hẳn (đoạn kiến), tức là loại tà kiến cho rằng thế gian sẽ có lúc bị tiêu diệt hoàn toàn, con người chết rồi là mất hẳn, hoàn toàn không còn gì nữa, cho nên không có nhân quả luân hồi, cũng không có quả báo thiện ác.
Quan điểm tà kiến có thể thấy rõ nhất qua cách nói của ngoại đạo Phú Lan Na Ca Diếp được ghi trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Không thiện, không ác, cũng không có quả báo thiện – ác”.
Về loại đoạn kiến này, luận Đại Trí Độ lại phân biệt có hai trường hợp: Một trường hợp gọi là “đoạn kiến”, chỉ cho hạng người chủ trương chết rồi là hết, không có quả báo khổ vui phải thọ nhận ở đời sau – như vừa trình bày trên; một trường hợp gọi là “không kiến”, chỉ cho hạng người chủ trương tất cả các pháp đều không, nhưng vì không thông hiểu tường tận về chân lí “không”, nên cho rằng vạn pháp trong vũ trụ cuối cùng là không có gì cả, hoàn toàn trống rỗng; do đó mà hạng người này rơi vào loại có kiến chấp đoạn diệt. Vậy, từ “kiến chấp đoạn diệt” mà tác giả đã đề cập trong bài học trên, là chỉ cho loại “không kiến” này.