● Tiếng Phạn “Bích-chi-ca Phật-đà”, gọi giản lược là “Bích-chi Phật”, cựu dịch là Duyên-giác, tân dịch là Độc-giác. Nhưng theo giáo nghĩa tông Thiên Thai thì Duyên-giác và Độc-giác có chỗ khác nhau:
– Một loại hành giả nghe Phật dạy nguyên lí mười hai nhân duyên, tu theo đó mà giác ngộ, chứng quả Bích-chi Phật, gọi là “DUYÊN-GIÁC”.
– Một loại hành giả khác, sinh vào thời không có Phật cho nên không có cách nào được nghe pháp, nhưng nhờ có sức tu học từ đời trước, ở trong cảnh diễn biến sinh diệt của vạn pháp mà có thể thấy rõ tính chất vô thường của thế gian, nhân đó mà diệt trừ được tâm thức vô minh; hoặc giả họ ở trong chốn núi rừng, trông thấy cảnh hoa rơi lá rụng, rồi do một niệm tương ưng với trí tuệ mà màn vô minh bỗng chốc bị phá tan, chứng quả Bích-chi Phật; cả hai trường hợp này đều gọi là “ĐỘC-GIÁC”.