● (Yoga) gần giống như thuật luyện khí của Đạo Tiên.Tiếng phạn “yoga”, dịch âm ra tiếng hán việt là “du già”, có nghĩa là tương ứng, hòa nhập, kết hợp; đó là phương pháp tu hành, tập luyện với mục đích làm cho cái hữu hình kết hợp với cái vô hình, cái hữu hạn tương ứng với cái vô hạn, cái tiểu ngã của cá nhân hòa nhập vào cái đại ngã của vũ trụ. Nhưng đó chỉ là hệ quả của sự tu luyện mà thôi, vì theo nghĩa gốc, “yoga” chỉ cho cái ách, hay sự cột trói; đó là cái ách khổ hạnh, chế dục mà người tu hành tự chấp nhận, để làm cho tinh thần hoàn toàn trong sạch do cởi bỏ được mọi ràng buộc của xác thịt (vì vật chất vốn là nguồn gốc của vô minh và đau khổ), từ đó mà đạt được một sự hiểu biết và một năng lực siêu nhiên. nói cách khác, phải giải thoát linh hồn ra khỏi mọi ảnh hưởng của giác quan, mọi ràng buộc với thể xác, để đạt được tuệ giác tối cao; phải gột hết tội lỗi của linh hồn trong các kiếp trước để đạt được hạnh phúc vĩnh viễn ngay trong kiếp này. du già là một pháp môn tu luyện của người ấn-độ, đã có từ nhiều ngàn năm trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, và ngày nay đang được nhiều giới trong các xã hội đông phương cũng như tây phương nghiên cứu và tập luyện. Du già tuy là một trong sáu hệ thống uy thế nhất của triết học bà-la-môn, nhưng lại rất được phổ cập, người của giáo phái nào, ngay cả không thuộc giáo phái nào, cũng có thể thực tập.
Du Già có bốn hệ thống lớn: Karma Yoga (lấy hành động làm phương tiện để đạt giải thoát), Bhakti Yoga (lấy tình thương làm căn bản cho sự xử thế), Jnana Yoga (suy luận để thấy được chân lí), và Raja Yoga (thiền định). Đó là bốn môn tu tập để rèn luyện tinh thần, thăng tiến tâm linh, giải thoát trầm luân đau khổ. Ngoài ra còn có một hệ thống gọi là Hatha Yoga, được coi là phương pháp tập thể dục đặc thù, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại hiện tượng lão hóa. Con người hiện đại, nhất là ở các xã hội Tây phương, ngày càng chú trọng đến việc tập luyện cơ thể, vì vậy, môn Hatha Yoga đã được phổ biến rất rộng rãi, đến nỗi người ta đã coi nó như là YOGA nói chung; còn bốn hệ thống lớn ở trên thì ít được để ý đến.
Vào khoảng thế kỉ thứ 2 TL, Du Già chính thức được lập thành một học phái, gọi là “Du Già học phái”, là một trong 6 phái triết học thuộc Bà-la-môn giáo ở Ấn-độ thời đó. Phái này thường được Phật giáo gọi là “Du Già ngoại đạo”, chủ trương tu luyện Du Già để đạt đến cảnh giới giải thoát. Triết thuyết của nó đã căn cứ vào phái Số Luận (chủ trương vô thần) mà lập luận thuyết; nhưng khác với phái Số Luận ở chỗ, lập trường của nó đặt trên cơ sở hữu thần luận, cho rằng Thần Ngã (Purusa) là vị thần tối cao. Vì chịu ảnh hưởng của phái Số Luận, nên vị thần của phái Du Già ngoại đạo chỉ như là đối tượng của sự trầm tư. Chủ thuyết của phái này nói, nguyên do của đau khổ là từ vô minh; đó là sự kết hợp của tự tính và thần ngã. Khi vô minh bị sự sáng suốt tiêu trừ thì thần ngã thoát ra khỏi sự ràng buộc của vật chất để tự tồn tại; do đó mà trạng thái giải thoát đạt đến chỗ viên mãn.
Để có được sự sáng suốt ở trên, hành giả phải tu luyện 8 phép thực tiễn của Du Già:
1) Giữ giới (yama – không giết hại; không nói dối; không trộm cắp; không tà dâm; không nhận đồ biếu tặng);
2) Bồi dưỡng đạo đức (niyama – sạch sẽ thể xác và tinh thần; bằng lòng với cái gì mình có);
3) Sống đạm bạc khắc khổ (pratyahara – li thế, không nghĩ tới một vật gì nữa cả);
4) Siêng năng học tập Du Già (asama – ngồi kiết già, bỏ mọi cử động, mọi cảm giác);
5) Kiểm soát hơi thở (pranayama – chỉ còn có hơi thở, đầu óc trống rỗng);
6) Thiền (dharana – tập trung trí tuệ và các giác quan vào một ý hoặc một vật nào đó cho đến khi tâm hồn thoát khỏi mọi cảm giác, mọi ý nghĩ tư dục);
7) Định (dhyana – do tập trung mà tinh thần tiến tới trạng thái gần như bị thôi miên, sau cùng thì đạt tới tuyệt đỉnh của Yoga);
8) Tuệ (samadhi – trạng thái xuất thần nhập hóa, thấy mình chìm vào Đại Ngã, hiểu được vũ trụ vạn vật là nhất thể, có niềm hạnh phúc không thể diễn tả được).
Tương truyền, vào thế kỉ thứ 5 TL (cũng có thuyết nói vào thế kỉ thứ 2 tr. TL), đạo sĩ Patanjali (Phách Thản Già Lợi ) đã sưu tập tất cả những luận thuyết liên quan đến môn Du Già đương thời đang lưu hành, soạn thành bộ Du Già Kinh (Yoga-sutra);
Pantajali đã hệ thống hóa, hoàn chỉnh học thuyết lý luận của Yoga; trường phái của Pantajali được gọi là Thắng Vương Du Già (Raja Yoga) nhằm phân biệt với những trường phái chỉ chú trọng tập luyện cơ thể hơn quan tâm đến triết học. Mục tiêu Thiền Định của Yoga là hợp nhất Tiểu Ngã của mỗi cá nhân với Đại Ngã của Phạm Thiên. Các tác phẩm của Pantajali đã được hệ thống hóa thành Du Già Bát Phần Pháp (Ashtanga Yoga) và được coi như là cơ sở lý luận chính yếu của các trường phái Yoga khác như Cáp Đạt Du Già (Hatha Yoga), Trí Huệ Du Già (Jhana Yoga), Chí Thiện Du Già (Bhakti Yoga), Hành Động Du Già (Karma Yoga), Âm Thanh Du Già (Mantra Yoga), Mật Truyền Du Già (Tantra Yoga) v.v… Từ đó mà học thuyết của phái Du Già được xác lập. Sau đó, Du Già Kinh lại được Vyasa (450-500?) chú thích và làm cho hoàn chỉnh; rồi Vacaspatimisra (800-880?) lại chú thích cho rõ ràng thêm, phổ biến rộng rãi cho mọi người đều thực tập.
Và như trên đã nói, ngày nay người ta phần đông chỉ còn chú trọng đến phần luyện tập thân thể của môn Du Già, còn phần triết học để rèn luyện tinh thần thì rất ít người chú ý đến – tuy vẫn còn được giảng dạy trong các trung tâm nghiên cứu về Yoga (như ở Benares, Los Angeles, v.v…).
Riêng trong Phật giáo, DU GIÀ (tức yoga) cũng đã được áp dụng từ lâu đời. Trong thời kì đức Thế Tôn còn tại thế giáo hóa độ sinh, rất nhiều vị sư Du Già đến qui y theo ngài. Những phép hành trì nào của Du Già thực sự phù hợp với đạo giải thoát, giúp ích cho thành quả giác ngộ, đức Phật đều cho phép họ tiếp tục áp dụng, chẳng hạn như phép tu thiền quán theo phương pháp điều hòa hơi thở, tập trung tâm ý vào một đối tượng quán chiếu. Có thể nói, thiền định là một phần của pháp hành Du Già. Chính đức Thế Tôn, trong thời gian tu khổ hạnh trước khi thành đạo, ngài cũng đã từng thực tập một số pháp môn Du Già. Vào khoảng thế kỉ 4-5 TL, học thuyết Du Già đã trở nên có hệ thống qui củ, trở thành một học phái của Phật giáo đại thừa Ấn-độ (không phải là Du Già ngoại đạo như đã nói trên kia), đối lập với học phái Trung Quán đang thịnh hành lúc đó. Bồ-tát Di Lặc, một vị đại luận sư Du Già, đã tuyên thuyết các bộ luận lớn như Du Già Sư Địa Luận, Biện Trung Biên Luận Tụng, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận v.v…, đặt định cơ sở cho phái Du Già, trong đó, bộ Du Già Sư Địa Luận được coi là giáo nghĩa căn bản. Kế tiếp, Bồ-tát Vô Trước đã y theo giáo chỉ của Bồ-tát Di Lặc mà soạn Nhiếp Đại Thừa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận v.v… Tiếp nữa, Bồ-tát Thế Thân lại thừa kế sự nghiệp, đã soạn Thập Địa Kinh Luận, Duy Thức Tam Thập Luận Tụng v.v… để góp phần làm sáng rỡ cho giáo thuyết Du Già. – Từ “Du Già” mà tác giả đã đề cập trong bài học trên đây, là chỉ cho pháp môn Du Già này của Phật giáo đại thừa.
Những hành giả tu tập theo giáo thuyết Du Già đều thuộc về Du Già phái (Yogacara), hay Du Già tông. Và vì Du Già Phật giáo đã lập ra thức a-lại-da, lấy đó làm nguyên lí của vũ trụ, từ đó phát triển thành giáo lí Duy Thức, cho nên, vào thời điểm này ở Ấn-độ, Du Già tông cũng tức là Duy Thức tông (Vijananavada), hay Pháp Tướng tông, mà sáng tổ là Bồ-tát Di Lặc; hai vị Bồ-tát Vô Trước và Thế Thân kế thừa. – Lại nữa, vì Mật tông lấy phép quán Du Già làm căn bản tu tập, nên nó cũng được gọi là Du Già tông.
Đệ tử của Thế Thân là luận sư Trần Na cũng soạn Quán Sở Duyên Duyên Luận, Nhập Du Già Luận v.v… để tuyên dương tư tưởng Du Già. Đồng thời cũng có hai vị luận sư Thân Thắng, Hỏa Biện, cùng nhau chú thích Duy Thức Tam Thập Luận Tụng của Bồ-tát Thế Thân. Tư tưởng Du Già vẫn còn nhiều vị cao đức khác (như An Huệ, Hộ Pháp, Nan Đà, Giới Hiền, Trí Quang v.v…) kế thừa về sau, cùng nhau phát huy yếu chỉ của luận thuyết “Ba Tự Tính” (Biến kế chấp, Y tha khởi và Viên thành thật) và “Ba Vô Tính” (Tướng vô tính, Sinh vô tính và Thắng nghĩa vô tính), đề xướng phép tu quán chiếu vạn pháp bằng lí “Duy Thức” để ngộ nhập vào thật tánh chân như.
Phái Du Già vốn cùng phái Trung Quán đối lập một thời. Nhưng đến khoảng tiền bán thế kỉ thứ 8 TL, luận sư Tịch Hộ (Santaraksita) cùng với đệ tử là Liên Hoa Sanh (Padmasambhava), đã dung hòa tư tưởng của hai phái này, thành lập một học phái mới, gọi là phái Du Già Trung Quán Tự Lập. Rồi trong khoảng hậu bán thế kỉ này, do sự thỉnh cầu của quốc vương nước Tây-tạng, hai ngài trên đã đem tư tưởng Du Già Mật giáo truyền sang Tây-tạng. Tại đây, vào khoảng hậu bán thế kỉ 14, trong phong trào cải cách Phật giáo Tây-tạng do ngài Tông Khách Ba (Tsong Kha Pa, 1357-1419) chủ xướng, hai phái Bát Nhã Trung Quán và Du Già Duy Thức lại được thống hợp. Từ đó, phái Du Già bị phái Trung Quán nhiếp thủ, không còn là một học phái độc lập nữa.
Tại Trung-quốc, các kinh luận thuộc phái Du Già được truyền vào sớm nhất gồm có: Bồ Tát Địa Trì Kinh (do Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc-Lương, 397-460), Bồ Tát Thiện Giới Kinh (Cầu Na Bạt Ma dịch vào thời Lưu-Tống, 420-479), Duy Thức Nhị Thập Luận (Bồ Đề Lưu Chi dịch vào thời Bắc-Ngụy, 386-534), và Thập Địa Kinh Luận (Bồ Đề Lưu Chi và Lặc Na Ma Đề dịch vào thời Bắc-Ngụy). Sau đó, Du Già phái dần dần tách ra làm hai là Địa Luận tông và Nhiếp Luận tông. Cả hai tông này đều đặt cơ sở trên thuyết “Bát thức duyên khởi”, nhưng Địa Luận tông thì lấy bộ Thập Địa Kinh Luận làm chủ yếu, coi A-lại-da thức và Như-lai-tạng tâm đều là “chân thức”; trong khi đó, Nhiếp Luận tông thì lấy bộ Nhiếp Đại Thừa Luận làm chủ yếu, coi A-lại-da thức là “vọng thức”, rồi lập thêm thức thứ chín là “Ama-la”. Đến đời Đường, khi ngài Huyền Trang dịch các bộ luận Du Già Sư Địa, Hiển Dương Thánh Giáo, Biện Trung Biên v.v…, cùng biên tập bộ luận Thành Duy Thức, thì giáo thuyết của tông Pháp Tướng mới có được cơ sở vững vàng và thịnh hành ở Trung-quốc.
● (Yoga). Có nghĩa là “tương-ứng” (ứng hợp nhau) nghĩa là người tu (quán) và pháp tu (quán) ứng-hợp nhau. Tương-ứng có 5 nghĩa:
1/ Cảnh tương-ứng: không trái với tự-tính của các pháp (sự-vật).
2/ Hành-tương-ứng: những công-hành về định, tuệ…ứng hợp nhau.
3/ Lý-tương-ứng: hợp với hai lẽ thực (đế-lý) của sự an-lập hay phi-an-lập.
4/ Quả-tương-ứng: chứng được quả vô-thượng Bồ-đề.
5/ Cơ-tương-ứngchứng quả viên-mãn rồi, làm việc lợi-sinh, cứu vật, ứng-hợp căn-cơ chúng-sinh mà cho thuốc. Theo chỗ tu, Duy-thức hay dùng “Lý-tương-ứng”, Mật-tôn thời dùng “Hành-tương-ứng”. Ngay câu “Du-già” trong chính-văn này cũng thuộc về “Hành-tương-ứng”. Hành-tương-ứng lấy tam-mật (3 pháp bí-mật: thân, khẩu, ý-mật) làm phương-châm.
● Tức là bộ Du Già Sư Địa Luận, gồm 100 quyển, do Bồ-tát Di Lặc nói, ngài Vô Trước ghi chép, pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán văn vào đời Đường. Đó là bộ luận căn bản của Duy Thức học, nói về “diệu hữu” mà không đề cập đến “tính không”; chủ yếu là xương minh 17 cảnh giới quán hành của các sư tu pháp môn du già, cho nên gọi là Du Già Sư Địa Luận.