● Theo pháp sư Tinh Vân, sở dĩ gọi là Hải Thanh vì tay áo rộng, phấp phới trông như cánh một loài chim có tên gọi là Hải Đông Thanh tại vùng Quảng Đông. Sư dẫn thơ Lý Bạch có câu : “phiên phiên vũ quảng tụ, tự điểu hải đông lai” (áo rộng tay múa bay phất phới, như chim từ Đông Hải bay vào) để chứng minh cho thuyết này, nhưng trong Phật môn Trung Hoa thường giải thích như sau : “Giống như biển cả sâu thẳm, nhìn xa, sắc biển như xanh đen, thật ra là xanh, nên gọi là Hải Thanh, nhằm ca ngợi Phật pháp sâu thẳm khôn dò. Lại nữa, Hải biểu thị sâu rộng, mênh mông, có thể dung chứa vạn vật vô ngại, Tự Tại. Thanh là màu xanh xuất phát từ màu chàm (“thanh xuất ư lam”), nhưng lại trỗi vượt màu chàm. Gọi áo tràng là Hải Thanh nhằm nhắc nhở tăng nhân phải có tâm lượng bao dung, luôn nhớ đến chân tâm trọn khắp pháp giới, và đệ tử Phật phải tu hành tinh tấn, mỗi đời càng tiến bộ hơn, giống như màu xanh sanh từ màu chàm, nhưng vượt trội màu chàm. Cũng có một truyền thuyết giải thích tại sao Hải Thanh vốn là lễ phục từ đời Hán, nhưng tay áo Hải Thanh tuy rộng lại may kín, chỉ chừa một khoảng nhỏ để thò tay ra, không để trống từ trên xuống dưới như áo của thế gian. Tương truyền, phi tử của Lương Vũ Đế là Hy Thị tánh tình tàn ác, ngang ngược, thấy Lương Vũ Đế sùng mộ Phật pháp, nên tức tối, luôn tìm cách hãm hại tăng ni. Có lần, bà ta cúng trai tăng, làm rất nhiều bánh bao nhân thịt để đãi tăng chúng hòng rêu rao “thầy chùa ngã mặn” rồi viện cớ ấy xin vua trục xuất tăng chúng. Đương thời, ngài Bảo Chí (Chí Công) là cao tăng đắc đạo, biết rõ chuyện này, bèn dặn các tăng sĩ theo Ngài thọ trai hãy may hẹp miệng tay áo Hải Thanh lại để chứa sẵn bánh bao mạn đầu (bánh bao không nhân) trong tay áo. Khi vào cung, bèn lấy mạn đầu ra ăn, bỏ bánh bao mặn vào trong tay áo. Khi Hy Thị lu loa chư tăng ngã mặn, các vị bèn lấy bánh bao mặn đã cất trong tay áo ra để đối chứng khiến cho Hy Thị cứng họng, không thể nào vu cáo được. Từ đó, tăng sĩ may miệng tay áo Hải Thanh như hiện thời để nhắc nhở người tu hành phải luôn thận trọng trong mọi oai nghi.
Hải Thanh
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội