● 化城. Không mà bỗng nhiên có gọi là hóa. Phòng ngừa điều quấy , chế ngự kẻ địch gọi là thành. Dùng để ví dụ cho Niết Bàn Tiểu Thừa hay ngăn ngừa kiến hoặc và tư hoặc và chế ngự kẻ thù sanh tử Bảo Sở tức là lý thật tướng của Đại Thừa
● Đây là một thuật ngữ Phật học, dùng để chỉ nơi tạm dừng chân nghỉ ngơi cho người đi đường xa, trước khi tiếp tục đi cho hết cuộc hành trình. Nguyên, “hóa thành” là một trong bảy thí dụ mà đức Phật từng nêu ra trong kinh Pháp Hoa – được gọi là “hóa thành dụ”, nằm trong phẩm thứ bảy, “Hóa Thành Dụ”. (Hòa thượng Trí Quang, trong sách Pháp Hoa Lược Giải, gọi tên phẩm này là “Tương Quan Xa Xưa”.) Kinh chép, một vị đạo sư dẫn một đoàn người đi qua một đoạn đường dài và rất nguy hiểm, để đến một nơi có nhiều châu báu vàng ngọc. Nhưng mới đi được nửa đường thì đoàn người đã mỏi mệt, lại quá sợ hãi, cho nên chán nản, không muốn đi tiếp, chỉ muốn quay trở về. Vị đạo sư thương cảm, muốn trấn an và khuyến khích họ, đã dùng sức phương tiện, hóa ra một tòa thành, và bảo đoàn người: Không nên thối chí quay về, ở đây có tòa thành to lớn, xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi, mọi người có thể ở lại đó mà an hưởng suốt đời, hoặc có thể nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục đi đến chỗ có châu báu vàng ngọc. Đoàn người nghe thế thì rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã vượt khỏi đoạn đường nguy hiểm, đã đến được nơi an toàn, bèn yên tâm ở lại trong thành. Qua một thời gian, vị đạo sư biết được mọi người đã hết mỏi mệt, hết sợ hãi, lòng đã phấn chấn trở lại, không còn muốn quay trở về nữa, bèn làm cho tòa thành biến mất, và bảo mọi người: Từ đây tới chỗ có châu báu vàng ngọc không còn bao xa nữa, hiểm nguy cũng hết rồi, vậy chúng ta hãy tiếp tục đi đến đó. Tòa thành vừa rồi chỉ là thành giả, do ta biến hóa ra mà thôi. Tòa “hóa thành” này được Phật dùng để thí dụ cho quả vị niết bàn của nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác). Đó là loại niết bàn nửa chừng, không trọn vẹn, do đức Phật phương tiện chỉ bày. Bản ý của đức Phật là muốn cho tất cả đệ tử đều đạt được cảnh giới niết bàn trọn vẹn, quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác – mà kinh Pháp Hoa gọi bằng một từ rất đặc biệt: “tri kiến Phật”. Do vậy, chữ “hóa thành” nhằm chỉ các pháp quyền biến, phương tiện.